Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiRút khỏi Hiệp định khí hậu gây khó cho mục tiêu làm...

Rút khỏi Hiệp định khí hậu gây khó cho mục tiêu làm nước Mỹ “vĩ đại trở lại”

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đi ngược lại những cố gắng của cộng đồng quốc tế nhằm cắt giảm hiệu ứng nhà kính.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) cùng các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cam kết thúc đẩy thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Brussels, Bỉ hôm 2/6 (Ảnh: AP Photo/Virginia Mayo)

Các đồng minh phương Tây bất đồng quan điểm với Mỹ

Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định chính Mỹ đã phê chuẩn và trước đó cùng với Trung Quốc là kiến trúc sư chính của Hiệp định này đang gây nên mối nghi ngờ về việc thực hiện các cam kết quốc tế của Mỹ.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump đặt Mỹ vào tình trạng đối lập với 195 nước đã ký và 55 nước đã phê chuẩn Hiệp định Paris. Quyết định rút khỏi một hiệp định quan trọng mang tính toàn cầu này cũng tác động đến hình ảnh và vai trò siêu cường của Mỹ.

Ngày 1/6/2017, tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. 

Chỉ 1 tiếng đồng hồ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, tại thủ đô Roma của Italia, trong một trường hợp hiếm có, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni, đại diện cho ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Euro Zone đã ra một Tuyên bố chung bác bỏ quyết định của ông Trump, khẳng định tiếp tục thực hiện cam kết Paris và sẽ không bao giờ đàm phán lại một hiệp định mới theo đề nghị của Mỹ.

Ba nhà lãnh đạo cho rằng cái đà tạo ra ở Paris vào tháng 12/2015 là không thể đảo ngược, Hiệp định Paris là một văn kiện quan trọng vì lợi ích của hành tinh chúng ta, xã hội chúng ta và nền kinh tế của chúng ta.

Tuyên bố kêu gọi các nước công nghiệp phát triển, mặc dù không có Washington vẫn tăng cường cố gắng chống biến đổi khí hậu và cam kết tiếp tục giúp đỡ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này.

Tại London, Thủ tướng Theresa May của Anh cũng đã bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định của Mỹ, đồng thời khẳng định Anh vẫn sẽ thực hiện Hiệp định này như đã tuyên bố tại Hội nghị cấp cao G-7 vừa qua.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris là một “sai lầm chính trị nghiêm trọng”.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Nga Vladimir Putin và một loạt các nhà lãnh đạo các nước đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức cao cấp nhất của 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố chung cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định khí hậu Paris, cắt giảm nhiên liệu hoá thạch, phát triển công nghệ xanh và đặc biệt sẽ quên góp 100 tỷ USD để giúp đỡ các nước nghèo cắt giản khí thải.

Tại Mỹ, cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ thất vọng vì quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.

“Lẽ ra Mỹ phải là nước đi đầu,” ông nói, “nhưng thậm chí không có sự lãnh đạo của Mỹ… thì tôi vẫn tin rằng các quốc gia, các thành phố và các công ty của chúng ta vẫn có trách nhiệm bảo vệ hành tinh của chúng ta vì các thế hệ mai sau.”

Ảnh hưởng đến cam kết khi tranh cử của ông Trump

Mỹ là nước có lượng khí thải lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, chiếm 15% lượng khí thải toàn cầu. Nước Mỹ – với cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải vào năm 2025 so với mức phát thải của năm 2005, đồng thời là nước có khả năng tài chính và công nghệ lớn nhất – rút khỏi Hiệp định Paris chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện Hiệp định này.

Tuy nhiên, 195 nước ký kết, đặc biệt là những nước công nghiệp phát triển đã khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết được ghi trong Hiệp định để bảo vệ trái đất và sẽ có các biện pháp để đối phó với các hệ quả của việc Mỹ rút khỏi Hiệp định.

Quyết định của Tổng thống Trump trước mắt có thể đem lại một số lợi ích cho Mỹ, nhưng về lâu dài có thể làm thiệt hại cho chính nước Mỹ. Và Mỹ vẫn phải chung sống với các quốc gia khác trên hành tinh này.

Phát biểu trên vô tuyến truyền hình, Tổng thống Pháp Macron đã phê phán quyết định của ông Trump. Ông còn “nhại” lại khẩu hiệu khi tranh cử của ông Trump để khẳng định Pháp sẽ cùng các nước “làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại”. Ông Trump sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu tranh cử “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” nếu tách Mỹ ra khỏi cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới