Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhủng hoảng ngoại giao Qatar là cuộc chơi của Mỹ và Saudi...

Khủng hoảng ngoại giao Qatar là cuộc chơi của Mỹ và Saudi Arabia?

Nhà phân tích chính trị Avigdor Eskin cho rằng, những tuyên bố của Mỹ và Saudi Arabia về cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar là có vấn đề.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị người Israel Avigdor Eskin cho rằng, Mỹ và Saudi Arabia đang thể hiện thái độ “đạo đức giả” đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar bởi trên thực tế, Saudi Arabia thậm chí còn hỗ trợ cho các phần tử cực đoan nhiều hơn cả Qatar.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar đã gây ra các cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà quan sát quốc tế về bản chất thực sự của những tranh cãi giữa Qatar với các nước láng giềng Vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia – nước công khai cáo buộc Qatar đang tài trợ khủng bố.

Trong một động thái dường như có sự phối hợp, sáng 5/6, Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng lúc tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các quốc gia này cũng quyết định đóng cửa liên lạc qua đường bộ, đường hàng không và đường biển đối với tất cả phương tiện giao thông đến và đi Qatar.

Tuyên bố chính thức của chính quyền Riyadh có đoạn: “Chính phủ Vương quốc Saudi Arabia đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ chủ quyền vốn được luật pháp quốc tế đảm bảo, bảo vệ an ninh quốc gia khỏi nguy cơ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và lãnh sự với Nhà nước Qatar”.

Theo chân các đồng minh trong khu vực, chính quyền ở đông Libya và Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Trước động thái nói trên, Bộ Ngoại giao Qatar đã lên tiếng bày tỏ “sự bất ngờ và hối tiếc sâu sắc” với quyết định của các nước láng giềng.

“Qatar là một thành viên tích cực của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và cam kết thực hiện đầy đủ điều lệ của hội đồng, Qatar tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Chúng tôi đã hoàn thành vai trò của mình trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, Al-Jazeera trích dẫn tuyên bố của Chính phủ Qatar.

Tổng thống Mỹ bất ngờ “đổ thêm dầu vào lửa”

Căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh bùng phát khi Qatar có những động thái được cho là ủng hộ Iran. Dù Qatar lên tiếng phủ nhận các cáo buộc đứng về phía Iran và cho rằng tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn Al–Jareeza và đưa ra các thông tin sai lệnh nhưng lời giải thích này đã không làm thỏa mãn các nước láng giềng.

Giữa lúc tình hình ở Vùng Vịnh đang căng như dây đàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra tuyên bố như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Trong thông điệp trên Twitter cá nhân hôm 6/6, ông Trump viết: “Trong chuyến đi gần đây của tôi đến Trung Đông, tôi nói rằng cần phải chấm dứt việc tài trợ cho tư tưởng cực đoan. Các lãnh đạo khu vực đã chỉ ra Qatar – nhìn xem!”.

“Thật tốt khi nhìn thấy chuyến thăm Saudi Arabia và cuộc gặp với lãnh đạo 50 quốc gia Hồi giáo đã có kết quả. Họ nói rằng sẽ có đường lối cứng rắn đối với việc tài trợ khủng bố, và tất cả mọi tuyên bố đều tham chiếu đến Qatar. Có lẽ đây sẽ là sự khởi đầu cho sự chấm dứt nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố”, Tổng thống Mỹ cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Avigdor Eskin, những diễn biến mới nhất không có bất kỳ liên quan nào đến cuộc chiến chống khủng bố.

“Người ta không nên lừa dối bản thân mình về các sự kiện mới đây. Đây không phải là những hành động liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố”, ông Eskin nói.

Saudi Arabia có đủ tư cách lên án Qatar?

Theo nhà phân tích chính trị Eskin, trong khi Qatar hỗ trợ tích cực cho nhóm Anh em Hồi giáo (MB) và phong trào vũ trang Hamas thì Saudi Arabia cũng đã tham gia tài trợ cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Minh chứng cho thông tin đưa ra, ông Eskin đề cập đến email được bà Hillary Clinton gửi đến John Podesta – cố vấn của ông Barack Obama (khi đó là Tổng thống Mỹ) bị WikiLeaks tiết lộ. Trong bức thư có đoạn: “Chúng ta phải sử dụng các tin tức tình báo ngoại giao và cả truyền thống để gây áp lực lên chính phủ Qatar và Arabia Saudi hiện đang bí mật hỗ trợ tài chính và hậu cần cho IS và các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan khác trong khu vực”.

Theo Eskin, trong bối cảnh này, việc Saudi Arabia lên tiếng cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố là “giả nhân giả nghĩa” bởi bản thân nước này cũng làm điều tương tự. Ông Eskin lưu ý rằng, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nhiều lần lên án Saudi Arabia vì vấn đề này.

“Nếu các bạn đọc bản tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, các bạn sẽ thấy ông ta không ngụ ý rằng sự bùng nổ căng thẳng hiện tại bắt nguồn từ chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ. Ông ấy nói về những người kích động Tổng thống Mỹ.

Mối quan hệ giữa Qatar với Iran đã bị những quốc gia Vùng Vịnh khai thác để thuyết phục người Mỹ rằng họ đang làm điều đúng đắn. Sự thù hằn thực sự là điều đáng tiếc”, nhà phân tích Eskin cho biết.

Nhà phân tích chính trị Eskin nhận xét: “Saudi Arabia mới là quốc gia đứng đầu trong việc hỗ trợ các trung tâm tư tưởng cực đoan ở châu Âu và trên thế giới. Riyadh không đào tạo những kẻ khủng bố và không trực tiếp trả tiền cho những vụ tấn công khủng bố cụ thể nhưng họ đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở hạ tầng cho những phần tử cực đoan”.

Mặc dù mọi thứ dường như đã trở nên tồi tệ đối với Qatar sau khi bị hàng loạt nước láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao, nhưng cũng cần phải nhớ rằng, đây không phải lần đầu tiên chính quyền Doha phải đối mặt với tình huống tương tự.

“Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng, một cuộc khủng hoảng giữa Qatar với các quốc gia Vùng Vình từng nổ ra hồi năm 2014 và nó đã được giải quyết. Vì vậy, mọi người nên chờ đợi và trao thêm cơ hội cho sáng kiến của Kuwait để xoa dịu các bên liên quan”, nhà phân tích Eskin nhận định

RELATED ARTICLES

Tin mới