Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 12/06

Bản tin Biển Đông ngày 12/06

Bản tin Biển Đông ngày 12/06/2017.

Trung Quốc tuyên bố sẽ “cảnh giác” việc hai máy bay ném bom của Mỹ hoạt động trên Biển Đông

Reuters đưa tin, ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết “Trung Quốc luôn duy trì “cảnh giác” và giám sát hiệu quả các hoạt động của “quốc gia liên quan” trên Biển Đông” với lý do được viện dẫn ra là “nhằm bảo vệ “an ninh, chủ quyền quốc gia”, hoà bình và ổn định của khu vực”, tuy nhiên đây cũng là tuyên bố nhằm ám chỉ các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, sau khi Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ngày 8/6, hai máy bay ném bom của Không lực Mỹ B-1B Lancer đã tiến hành cuộc huấn luyện kéo dài 10 tiếng ở Biển Đông, xuất phát từ Guam, cùng với tàu khu trục gắn tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ USS Sterett. Reuters nhận định, cuộc huấn luyện mới này là một phần của chương trình “máy bay ném bom hiện diện liên tục” của Tư lệnh Thái Bình Dương, tuy nhiên phía Mỹ không đưa công bố thông tin chi tiết về địa điểm hoạt động, đồng thời không khẳng định đây là hoạt động tự do hàng hải.

Trung Quốc bất ngờ ủng hộ công khai hệ thống cảnh báo sóng thần của Ấn Độ

Ngày 11/6, tờ The Economic Times cho biết, trả lời phỏng vấn báo IANS của Ấn Độ, trước quyết định của Ấn Độ nhằm tìm kiếm khả năng thiết lập một hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra hết sức hoan nghênh “đây là lợi ích của tất cả các bên nhằm tăng cường công tác nghiên cứu cảnh báo sớm sóng thần” và đặc biệt, “một cơ chế cảnh báo sóng thần hữu hiệu sẽ tốt cho các nước ven biển”. Mặc dù  tháng trước, Ấn Độ đã phải “hứng chịu” đòn chỉ trích của cựu chuyên gia quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Zongping về hoạt động tập trận hải quân chung với Singapore ở Biển Đông, các chuyên gia phân tích cho rằng, phản ứng bên ngoài có vè “tích cực” của Bắc Kinh lần này có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Cơ quan địa chất Trung Quốc vui mừng thông báo tiến triển khai thác băng cháy ở Biển Đông, tuy nhiên điều này cũng sẽ mang đến không ít nguy cơ và thách thức cho khu vực

Ngày 11/6, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 10/6, Cơ quan Địa chất Biển Quảng Châu, Trung Quốc mới đây tuyên bố “Trung Quốc đã thăm dò khoảng 210.000 mét khối băng cháy ở Biển Đông” và “các chương trình kiểm nghiệm đang diễn ra tốt đẹp”, sau 1 tháng đưa vào thử nghiệm chiết tách băng cháy, bắt đầu từ các vùng biển gần cửa sông Châu Giang, Trung Quốc. Cơ quan này cho biết thêm, cho đến chiều ngày 10/6, sản lượng trung bình thăm dò được mỗi ngày là 6800 mét khối và cho biết đây là nền tảng để Trung Quốc “chuẩn bị cho bước tiếp theo”.

Ông Ye Jianliang, Giám đốc Cơ quan Địa chất Quảng Châu, cho hay sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường, đồng thời cho biết thêm rằng cho đến nay vẫn “chưa để xảy ra vụ ô nhiễm môi trường hay thảm họa địa chất nào”.

Tuy nhiên, Live Science cho hay, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng việc khai thác băng cháy có thể “gây rắc rối” cho môi trường khí hậu do việc sử dụng công nghệ hiện đại sẽ giải phóng khí thải nhà kính trên diện rộng, khiến tình trạng ấm lên của toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.    

Lệnh Cấm đánh bắt cá tăng cường của Trung Quốc ở Biển Đông đang bị “thách thức” bởi các quốc gia có tranh chấp biển với nước này trong khu vực

Ngày 9/6, VOA News đăng bài viết “Nhiều quốc gia phản đối lệnh cấm đánh bắt cá tăng cường của Trung Quốc trên Biển Đông” của nhà báo Ralph Jennings cho biết các nước có chung tranh chấp biển với Trung Quốc đang phản đối mạnh mẽ lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt ở Biển Đông trong năm nay do lo ngại các đội tàu cá của mình có thể bị phía nước này vô cớ bắt giữ. Ông Murray Hiebert, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho rằng các tàu đánh cá có thể sẽ bị bắt giữ hoặc đánh chìm bởi các tàu Hải cảnh và Cảnh sát biển của Trung Quốc.

Trong khi Phillippines vẫn giữ yên lặng, động thái mà nhiều chuyên gia cho rằng là nhằm tránh việc “hợp pháp hóa lệnh cấm”, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm này, còn Đài Loan đưa ra hỗ trợ cho các đội tổ chức tàu cá đề phòng bị phía Trung Quốc bắt, cụ thể, Phát ngôn viên Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, ông Chiu Chui-cheng, chính quyền Đài Loan sẽ “có ngay phản ứng và thi hành các biện pháp giải cứu nhằm bảo vệ sự an toàn của các tàu”. Tuy nhiên, ông Douglas Guilfoyle. Phó Giáo sư Đại học Monash, Úc cho rằng “im lặng hay phản đối đều không đồng nghĩa với việc chấp nhận hành động áp đặt của một quốc gia đơn lẻ đối với vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế mở rộng từ bờ biển của các quốc gia ven biển”.

 Ông Jennings cho rằng, sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đưa ra Phán quyết ngày 12/7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đã áp đặt một cách phi lý trên Biển Đông, lệnh cấm của Trung Quốc đã gây ra “một sự quan ngại mới” khắp khu vực Châu Á về lối hành xử đơn phương của nước này, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về khả năng kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định rằng, hành động cấm đánh cá đơn phương đã vi phạm nghiêm trọng Phán quyết.

Trung Quốc ngang nhiên tổ chức diễn tập cứu nạn ở Hoàng Sa

Ngày 10/6, trang Tân Hoa xã đăng tải một số hình ảnh cho thấy nước này đã tổ chức một cuộc diễn tập cứu nạn trên biển thuộc khu vực Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nước này mạo nhận là thuộc “Thành phố Tam Sa”

Quan điểm của học giả Ấn Độ về hệ thống quan sát ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 10/6, trang Bình luận của Tạp chí Times of India đăng bài viết “Bắc Kinh xây dựng hệ thống quan sát dưới nước ở Biển Đông” của S D Pradhan, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo hợp tác của Ấn Độ, đồng thời ucnxg là phó cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Tác giả cho biết, Trung Quốc đang dùng chiêu “mưa dầm thấm lâu” để củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông, đồng thời hất cẳng các quốc gia khác ra khỏi khu vực, thông qua việc dùng hệ thống này để lập một “căn cứ gián điệp ngầm”. Ông Carl Thayer, một học giả quốc tế chuyên sâu về Biển Đông đã khẳng định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đặt các thiết bị tàng hình dưới nước nhằm theo dõi hoạt động của mọi tàu chiến và tàu ngầm của các quốc gia trong khu vực. Do đó, động thái này là nhằm nhắm đến hai mục tiêu: củng cố các yêu sách biển và thúc đẩy hệ thống do thám để triển khai tấn công tàu thuyền của các quốc gia khác khi cần. Tác giả lo ngại rằng động thái này sẽ sớm được bắt đầu ngay sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng và quân sự hoá bảy đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mặt khác, ông Pradhan cũng lo ngại rằng hệ thống này cũng sẽ gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Ấn Độ, đặc biệt là khả năng Trung Quốc có thể thiết lập một hệ thống tương tự ở Ấn Độ Dương, đòi hỏi chính quyền Ấn Độ cần có giải pháp kịp thời để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Hãy quên FONOPs đi – chỉ cần bay, qua lại và hoạt động trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép

Ngày 10/6, trang Lawfare Blog đăng bài viết “Hãy quên FONOPs đi – chỉ cần bay, qua lại và hoạt động trong phạm vi luật quốc tế cho phép” của hai tác giả Peter Dutton, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc, Học viện Hải chiến Mỹ và ông Isaac B. Kardon, Phó Giáo sư Học viện Hải chiến Mỹ. Liên quan đến sự kiện tàu khu trục gắn tên lửa hành trình USS Dewey (DDG 105) của hải quân Mỹ hoạt động trong phạm vi 12 hải lý khu vực Đá Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa ngày 24/5, chính quyền Mỹ cần phải làm rõ rằng hoạt động này là hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải, thay vì là một FONOP. Hai tác giả đã đưa vào bài viết những phân tích tổng quan nhất về Hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) nhằm làm rõ sự khác biệt giữa FONOPs với các hoạt động mang tính thường xuyên nhằm thực thi quyền tự do hàng hải. Bài viết nhấn mạnh, việc nhầm lẫn giữa hai vấn đề này sẽ gây không ít rắc rối, nhất là trong trường hợp Trường Sa, nơi Trung Quốc không có yêu sách pháp lý cụ thể nào. Một điểm rất quan trọng mà bài viết đã nêu được, đó là “các hoạt động thường xuyên có khả năng đưa ra một cách đầy đủ nhất những chỉ dấu chính trị tới các nước đồng minh, đối tác và bạn bè, và cả những đối thủ tiềm tàng về “các quyền tự do hàng hải hiện nay”, để qua đó thực thi chính sách của chính quyền Mỹ, thậm chí còn có thể “vô tình thách thức một yêu sách thái quá nào đó”. Nói cách khác, các hoạt động mang tính thường xuyên có thể phản ánh được “một điểm khác biệt quan trọng, nhưng thường hay bị “hiểu sai”, giữa một FONOP đúng nghĩa và các hoạt động nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải”: FONOP không phải là giải pháp duy nhất đối với các hành động áp đặt đơn phương đối với quyền tự do hàng hải trên toàn cầu mà chỉ là một phần nhỏ trong “những nỗ lực toàn diện nhằm thúc đẩy quyền tự do hàng hải bằng cách thực hiện chúng một cách thường xuyên”. Đồng thời, ông Dutton và Kardon đề xuất FONOP cần tiếp tục được thực hiện một cách “thường xuyên”, “ít gây chú ý” ở mọi khu vực mà “có những yêu sách pháp lý cụ thể cần phải thách thức”, khẳng định một cuộc tập trận tự do hàng hải thường xuyên là “cách thích hợp nhất” để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh và ngăn cản những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới