Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinPhilippines miễn cưỡng xích lại gần Mỹ vì phải chống khủng bố

Philippines miễn cưỡng xích lại gần Mỹ vì phải chống khủng bố

Cuộc chiến chống khủng bố tại Marawi đã khiến Philippines và Mỹ xích lại gần hơn với nhau dù vẫn còn rất gượng gạo.

Binh sĩ Philipines đang nhận được sự hỗ trợ của đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Marawi. Ảnh: Reuters

Sự xuất hiện của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố tại Philippines trong những ngày cuối tuần vừa qua có thể là nguồn bổ sung sức mạnh quan trọng giúp quân đội quốc gia Đông Nam Á sớm giành lại thành phố Marawi từ tay phiến quân. Điều này cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Philippines đang xích lại gần nhau nhờ cuộc chiến chống khủng bố. 

Chiến sự tại Marawi kéo dài gần 3 tuần qua với con số thương vong của binh lính Philippines ngày càng gia tăng là lý do khiến Quân đội nước này buộc phải trông cậy vào sự giúp đỡ của Mỹ để dập tắt cuộc nổi dậy mà ban đầu tưởng chừng dễ dàng kiểm soát.

Việc Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện để ứng cứu theo lời kêu gọi của đồng minh đã khiến tính chất cuộc chiến chống khủng bố tại đây chuyển sang một giai đoạn mới khi có sự hiện diện của quân đội nước ngoài.

Động thái này còn đặc biệt thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi vấn đề an ninh đang trở nên “nóng bỏng” không chỉ tại riêng Philippines mà còn của cả khu vực Đông Nam Á.

Bất chấp quan điểm không muốn dựa vào Mỹ của Tổng thống Duterte, Quân đội Philippines đã quyết định nhờ sự trợ giúp của nước đồng minh truyền thống này để giải quyết dứt điểm tình hình bất ổn đang diễn ra.

Đại tá Joar Herrera, Người phát ngôn Quân đội Philippines cho biết: “Sự hiện diện của các đối tác Mỹ tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin tình báo, trao đổi về các vấn đề lớn, tiến hành huấn luyện và tất nhiên là hỗ trợ kỹ thuật cho các vấn đề mà chúng tôi cùng đang chia sẻ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”.

Việc trợ giúp một Philippines đang chật vật chống phiến quân vốn đã nằm trong kế hoạch của Mỹ khi tại Đối thoại An ninh Shangri-la cách đây chưa đầy 2 tuần Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cam kết tăng cường chia sẻ thông tin và đào tạo lực lượng chống khủng bố cho quân đội Philippines. 

Quyết định nhờ cậy vào Mỹ của quân đội Philippines diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về sự trỗi dậy và lan rộng của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á, khu vực chiếm tới 15% số người theo đạo Hồi của thế giới. 

Theo các nhà phân tích, việc quân đội Philippines nhờ sự trợ giúp của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố cho thấy quan hệ giữa 2 nước Philippines và Mỹ đang xích lại gần nhau.

Cách đây 1 năm, Tổng thống Philippines Duterte khi lên nắm quyền đã  nhiều lần đe dọa ngừng mua vũ khí, hủy tập trận chung và đuổi lính Mỹ đồn trú khỏi Philippines.

Mặc dù không hào hứng trước sự hiện diện của quân đội Mỹ, nhưng ông Duterte vẫn khẳng định: “Tôi không hề biết điều đó cho tới khi họ xuất hiện. Và khi tôi tuyên bố thiết quân luật là tôi đã trao quyền lực cho Bộ quốc phòng. Tôi không can thiệp vào việc này”.

Việc Tổng thống Duterte trao toàn quyền cho quân đội trong hợp tác với phía Mỹ chỉ là mặt hình thức bởi một vấn đề lớn như vậy không thể thiếu sự quyết định của người đứng đầu đất nước.

Việc đồng ý tiếp nhận hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố có thể là chỉ dấu sớm cho sự thay đổi quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines trong thời gian tới. Diễn biến thực địa và những tính toán lợi ích chiến lược đang trở thành đòn bẩy khiến Mỹ và Philippines trở lại gần gũi hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới