Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐàm luậnThấy gì qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Singapore đến TQ?

Thấy gì qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Singapore đến TQ?

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thăm Bắc Kinh theo lời mời chính thức của người đồng cấp Vương Nghị. Ông đã đưa ra đánh giá: Trung Quốc đang làm mất uy tín của chính mình bằng cách liên tục “đổi trắng thay đen”.

Quan điểm của Singapor

Sau chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày 11 và 12/6, trả lời trước báo chí, Tiến sĩ Vivian Balakrishnan cho biết, Singapore luôn luôn kiên định ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Quốc đảo Sư tử cũng ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” từ khá sớm và hai nước có thể làm việc cùng nhau, để gia tăng các giá trị cho sáng kiến này.

Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan được dẫn lời nói rằng:

“Singapore công nhận kinh nghiệm và chuyên môn của Trung Quốc, hoan nghênh các công ty Trung Quốc trong các nỗ lực tham gia đấu thầu quốc tế.”.

Quá trình đấu thầu tuyến đường sắt cao tốc nối Singapore với Malaysia sẽ diễn ra một cách công bằng, minh bạch vào cuối năm nay. Về Biển Đông, ông Vivian Balakrishnan nhận xét rằng tình hình tương đối ổn định, không có bất kỳ gián đoạn nào lớn trong năm qua. 

Các tranh chấp phức tạp về “chủ quyền lãnh thổ” trên Biển Đông theo Ngoại trưởng Singapore, nên được giải quyết giữa các nước yêu sách. Ông hoan nghênh các tiến bộ đạt được về một dự thảo khung cho Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Đòn phủ đầu với Singapore

Vào ngày Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đến Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của ông Vương Nghị, Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận:

“Thái độ của Singapore với Trung Quốc khó có thể thay đổi” với nội dung:

“Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây trả lời phỏng vấn truyền thông Australia rằng, nhiều quốc gia bao gồm Singapore đều đánh giá tích cực vai trò của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

“Một vành đai, một con đường” là phương thức mang tính xây dựng trong giao lưu giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia.

Ông nói rằng Singapore ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đồng thời cũng ủng hộ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Đây là thái độ tích cực nhất của ông Lý Hiển Long đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Từ năm ngoái, do Singapore đứng về phía Mỹ – Nhật trong vấn đề Biển Đông, làm cho quan hệ với Trung Quốc trở nên lạnh nhạt.

9 chiếc xe bọc thép của Singapore bị tạm giữ tại Hồng Kông một thời gian càng làm gia tăng mức độ lạnh nhạt trong quan hệ với Trung Quốc.

Tháng trước Trung Quốc tổ chức Diễn đàn quốc tế “Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh, có 7 nguyên thủ quốc gia ASEAN tham dự, nhưng vắng mặt ông Lý Hiển Long khiến dư luận dị nghị.

Trong phát biểu trên truyền thông Australia hôm 10/6, ông Lý Hiển Long thể hiện mong muốn làm ấm quan hệ Singapore – Trung Quốc. Singapore là đồng minh kiên định nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, lâu nay Singapore phải đối mặt với vấn đề chiến lược – cân bằng trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh. Singapore luôn luôn tìm giải pháp cân bằng, đến khi cân bằng không nổi thì họ ưu tiên lựa chọn Hoa Kỳ.

Lý do của sự lựa chọn này là vì Singapore là nước nhỏ nằm giữa 2 nước lớn, Indonesia và Malaysia, môi trường an ninh vô cùng mong manh. Singapore xem Hoa Kỳ như chỗ dựa vững chãi nhất đối với an ninh quốc gia của mình.

Sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, ngoài Philippines thì Singapore là quốc gia ASEAN ủng hộ Phán quyết Trọng tài mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, Singapore còn mở cửa căn cứ quân sự cho Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra săn ngầm trên Biển Đông.

Tất cả những biểu hiện này cho thấy rõ Singapore muốn lôi kéo Hoa Kỳ vào kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Singapore, trong khi đó cả ASEAN đều coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Chẳng riêng gì Singapore, đại đa số các nước Đông Nam Á chủ trương thận trọng trong xử lý quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Điều này tạo ra áp lực cho Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Quan trọng hơn nữa là chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc, thậm chí cử đoàn tham dự Diễn đàn quốc tế “Một vành đai, một con đường”. Chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng thay đổi thái độ, trở nên ôn hòa hơn với Trung Quốc. 

Lúc này Singapore cảm thấy dường như họ bị cô lập chưa từng có. Ông Lý Hiển Long bình luận tích cực về “Một vành đai, một con đường” đương nhiên là điều đáng hoan nghênh.

Bắc Kinh cũng không cần phải kỳ kèo với những gì chính phủ Singapore đã phát biểu trước đó, mà cổ vũ họ từ nay về sau nên thân thiện hơn, cùng nhìn về phía trước, đó mới là khí chất một nước lớn như Trung Quốc nên có.

Nhưng mặt khác chúng ta cũng cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về tư tưởng rằng, Singapore sẽ khó thoát khỏi chính sách ngoại giao “gió chiều nào, che chiều ấy”. Đừng quá kỳ vọng vào chính phủ Lý Hiển Long có thể “thực sự thay đổi”!

Tư duy ngoại giao của Singapore không thể thay đổi một sớm một chiều. 

Thời Lý Quang Diệu, thuật cân bằng được làm tốt hơn bây giờ, Lý Hiển Long không chỉ kém hơn (cha) một bậc, mà xu thế cạnh tranh địa chính trị châu Á ngày nay cũng phức tạp hơn thời Lý Quang Diệu rất nhiều.

Singapiore đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Xã hội Trung Quốc cũng không nhất thiết phải quá cò kè với một tiểu quốc như Singapore. Chúng ta có thể xem họ như một thanh nhiệt kế đo lường sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Singapore là cựu thuộc địa của thực dân Anh, cảm tình đặc biệt của họ đối với Hoa Kỳ không hơn gì các quốc gia khác trong ASEAN. Họ dựa vào Mỹ chẳng qua là vì thực dụng và lợi ích thiết thân mà thôi.

Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, họ sẽ tự điều chỉnh triết lý cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Dù ít dù nhiều, Singapore cũng đã nói được một câu tốt về Trung Quốc, và cũng ít nhiều đã từng bất mãn với Trung Quốc, điều này thực tế chẳng ảnh hưởng gì đến Trung Quốc.

Thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Singapore phát triển nên là lựa chọn tự nhiên của Trung Quốc. Nhưng chớ cưỡng cầu, càng chớ nên lao tâm phí sức vì họ.

Đối thoại Shangri-la năm nay, Trung Quốc cử một Trung tướng làm trưởng đoàn đi Singapore, chúng tôi thấy rằng cấp trường đoàn như vậy vẫn còn cao.Sang năm có thể phái một sĩ quan cấp tá làm trưởng đoàn.

Vì Đối thoại Shangri-la suy cho cùng chỉ là diễn đàn Singapore dựng lên cho Mỹ – Nhật, Trung Quốc không nhất thiết phải góp phần.

Số lượng cán bộ Trung Quốc đi Singapore đào tạo đã giảm xuống mấy năm qua, điều này cho thấy Singapore muốn gây ảnh hưởng lên Trung Quốc sẽ ngày càng khó. Điều này là hết sức bình thường, không có gì phải ngạc nhiên.

Nói chung, Trung Quốc nên bình tâm xem xét Singapore “đu dây” giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Thúc đẩy họ hữu nghị với Trung Quốc được bao nhiêu thì thúc đẩy, nhưng không cần thiết phải dồn tâm dồn sức vào đó, cứ để mọi thứ tự nhiên là tốt rồi!”.

Sự phản bác của Singapore

Bài xã luận này của Thời báo Hoàn Cầu thể hiện một tư duy trịch thượng, kẻ cả và văn hóa ứng xử rất thấp kém trong quan hệ bang giao giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Những quan điểm mang nặng tư tưởng dân túy cực đoan, ăn trên ngồi trốc thiên hạ như thế này không chỉ phản ngoại giao, mà còn hủy hoại mọi nỗ lực phát triển sức mạnh mềm thông qua xây dựng hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài với hàng tỉ USD.

Dù có hàng trăm Viện Khổng Tử mọc lên ở nước ngoài sẽ không cứu vãn được danh dự, uy tín cho Trung Quốc bởi những ứng xử như thế.

Khi thượng khách của nhà nước đang hiện diện tại đất nước mình mà tờ báo này buông lời khiếm nhã như vậy, nhẹ nhất cũng khiến kẻ đứng ngoài có cảm giác đây là “trò trẻ con làm mất lòng người lớn”.

Tệ hơn nữa, nó có thể dẫn đến những câu hỏi về sự chân thành của nước chủ nhà.

Trung – Mỹ tranh giành ảnh hưởng địa chính trị – địa chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng là một thực tế không thể phủ nhận.

Vì sự tồn vong của bản thân các nước nhỏ, cũng như môi trường hòa bình – ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế đương đại, các nước nhỏ phải tìm cách cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington, đó cũng là thực tế hiển nhiên.

Chính môi trường hòa bình, ổn định ấy đã mang lại sự phát triển, phồn vinh cho cả khu vực mấy chục năm qua, và Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất. Chỉ vì tư duy Chiến tranh Lạnh vẫn còn ngự trị trong “một bộ phận” truyền thông nhà nước Trung Quốc, luôn xem Mỹ là “thế lực thù địch”.

Bởi vậy nên mọi hoạt động hợp tác, bang giao bình thường giữa các nước với Hoa Kỳ luôn trở thành cái gai trong mắt một số người có quan điểm cực đoan.

Mấy chục năm cải cách mở cửa giúp Trung Quốc “thoát xác”, nếu không nhờ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý từ Singapore, Hoa Kỳ và phương Tây, liệu Trung Quốc có thành công ngày hôm nay?

Ấy vậy mà tờ báo này sổ toẹt tất cả khi nói: “Số lượng cán bộ Trung Quốc đi Singapore đào tạo đã giảm xuống mấy năm qua, điều này cho thấy Singapore muốn gây ảnh hưởng lên Trung Quốc sẽ ngày càng khó.”.

Còn việc chính phủ Tổng thống Donald Trump cử đoàn tham dự Đối thoại “Một vành đai, một con đường” mà Thời báo Hoàn Cầu đề cập, xin thưa rằng đó chỉ là màn trao đổi có đi có lại.

Trung Quốc muốn “lấy le” với dư luận trong và ngoài nước bằng sự hiện diện của đoàn đại biểu Hoa Kỳ do một Cố vấn Tổng thống dẫn đầu tham dự diễn đàn này.

Đổi lại, họ phải mở cửa trở lại cho các sản phẩm thịt bò của Mỹ.

Quan trọng nhất là các doanh nghiệp toàn cầu của Hoa Kỳ thì không thấy hiện diện tại Diễn đàn “Một vành đai, một con đường”.

Lý do tại sao chúng tôi đã phân tích trong bài: “Một vành đai, một con đường” vươn được bao xa? Trong thế giới phẳng này, muốn định hướng dư luận bằng những thông tin một chiều có chủ đích, không phải chuyện dễ dàng.

Phía Singapore đã phản bác lại là: Trung Quốc đang làm mất uy tín của chính mình bằng cách liên tục đánh tráo “sự thật và dối trá”.

Một bằng chứng rõ ràng nhất của sự dối trá là bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông và xu hướng ngày càng thích sử dụng thủ đoạn trả đũa kinh tế với các quốc gia láng giềng trong những vấn đề địa chính trị.

Nếu Trung Quốc thực sự chân thành muốn duy trì và phát triển hòa bình trong thế giới được bảo vệ bởi luật pháp, nước lớn nước nhỏ cùng chung sống hòa bình, thì hãy ngừng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Thay vào đó, hãy có những đóng góp thiết thực cho một trật tự quốc tế toàn diện và bền vững, như những gì ông Tập Cận Bình phát biểu về tự do thương mại và toàn cầu hóa gần đây.

Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á là rất lớn, nó đang được đáp ứng bởi một loạt các sáng kiến, trong đó có “Một vành đai, một con đường”. Nhưng sẽ là bi kịch nếu nguồn vốn phục vụ sáng kiến này lại bị lãng phí vào việc xây dựng những cỗ máy chiến tranh.

Cái Trung Quốc cần xây dựng là độ tin cậy xứng đáng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vì hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới