Ngày 14.6, một vụ xả súng nhằm vào nhóm nghị sĩ Mỹ tại thành phố Alexandria (bang Virginia), khiến ít nhất 5 người bị thương, trong đó có nghị sĩ Steve Scalise – nhân vật cao cấp thứ ba của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Vụ việc lại làm dấy lên cuộc tranh luận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc kiểm soát súng – vấn đề gây tranh cãi muôn thuở ở Mỹ.
Cảnh sát tăng cường giám sát sau vụ xả súng nhằm vào nhóm nghị sĩ Cộng hòa Mỹ ngày 14.6. Ảnh: Reuters
Hơn 150 vụ xả súng quy mô lớn năm 2017
Cùng ngày vụ xả súng vào các nghị sĩ Mỹ, có 2 vụ xả súng khác xảy ra ở cơ sở giao nhận hàng UPS tại San Francisco khiến 4 người, trong đó có kẻ tấn công, thiệt mạng. Một vụ khác nhằm vào một nam giới bên ngoài trung tâm mua sắm ở New York.
Những vụ tấn công đẫm máu khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Theo báo cáo của tổ chức Gun Violence Archive, riêng năm 2017 ở Mỹ đã có 154 vụ xả súng quy mô lớn (từ 4 người bị bắn trở lên bao gồm cả nghi phạm), 6.880 người thiệt mạng, 13.504 người bị thương liên quan tới súng đạn.
Chưa kể các vụ xả súng quy mô nhỏ (dưới 4 người bị bắn) và các vụ tự sát liên quan đến súng, con số này còn lớn hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), hơn 21.000 người Mỹ thiệt mạng vì vũ khí mỗi năm. Đó là gần một nửa của tất cả các vụ tự sát, và tương đương khoảng 11.000 vụ giết người bằng súng
hằng năm.
“Đạn bay gần nhà vẫn không hành động”
Trong khi đảng viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên án bạo lực, kêu gọi đoàn kết sau vụ xả súng vào các nghị sĩ Mỹ, thì vẫn tiếp tục có những bất đồng về chính sách kiểm soát súng đạn.
Thống đốc bang Virginia – đảng viên Dân chủ Terry McAuliffe – là người đầu tiên lên tiếng nâng cao tầm quan trọng của việc kiểm soát súng. “Có quá nhiều súng trên đường phố” – ông Terry McAuliffe nói, đồng thời bày tỏ mong muốn thắt chặt hơn việc kiểm tra lý lịch khi mua súng. Nghị sĩ Bernie Sanders cũng lên tiếng: “Chúng ta phải chấm dứt bạo lực”.
Nghị sĩ Dân chủ bang California Jackie Speier khẳng định, bạo lực súng đạn vô nghĩa không nên hiện diện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Mỹ. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Ryan cũng bày tỏ rằng, hoàn toàn thích hợp để mở rộng luật kiểm soát súng đạn.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản ứng ngược lại, cho rằng những vụ tấn công xảy ra cho thấy cần nới lỏng hơn việc sử dụng súng. Ông Chris Collin – Nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Bufalo – khẳng định, từ nay ông sẽ mang theo súng khi ra ngoài.
Ông Barry Loudermilk – Nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Georgia – kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội cho phép người có giấy phép mang súng ở thủ đô như ở tiểu bang của ông. “Nếu việc này xảy ra ở Georgia, tay súng sẽ không thể đi quá xa” – ông nói.
Là người có mặt trong vụ xả súng ở Alexandria, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mo Brooks khi được hỏi có thay đổi quan điểm về kiểm soát súng đạn cho biết, ông sẽ tiếp tục ủng hộ các quyền Tu chính án thứ 2 (1791) trong Hiến pháp Mỹ.
“Tôi sẽ không thay đổi quan điểm của mình về bất cứ quyền nào mà chúng ta được hưởng như những người Mỹ” – ông Mo Brooks khẳng định. Nghị sĩ Steve Scalise – nhân vật cao cấp thứ ba của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, người bị thương nặng trong vụ xả súng ngày 14.6 – cũng là người phản đối việc kiểm soát súng của liên bang, và coi đây là hành động vi phạm các quyền Tu chính án thứ 2 trong Hiến pháp Mỹ.
Mỹ đã trải qua nhiều vụ xả súng tồi tệ hơn vụ việc này mà vẫn không tìm được tiếng nói chung cho việc kiểm soát súng. Các nhà phân tích của hai phía đã tranh luận và cho rằng, Quốc hội Mỹ dường như sẽ không hành động “chỉ vì có những viên đạn bay gần nhà”.
Ông Dan Gross – Chủ tịch của Chiến dịch Brandy về phòng chống bạo lực súng đạn (BCPGV) – chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi không mong đợi các giải pháp cho những vấn đề này sẽ được tìm ra sau một thảm họa đơn lẻ, bất kể ai bị bắn và bất kể mức độ khủng khiếp của nó”.