Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyện về phép thử, răn đe và chen chân trong quan hệ...

Chuyện về phép thử, răn đe và chen chân trong quan hệ Nga – Mỹ ở Syria

Sau vụ việc Su-22 của quân đội Syria bị không quân Mỹ bắn hạ, cuộc chơi địa chiến lược giữa Washington và Moscow tại Syria càng trở nên trực tiếp.

Một lính Mỹ đứng cạnh xe quân sự ở phía Bắc thành phố Raqqa, Syria hồi tháng 11/2016. Ảnh: Reuters

Phản ứng cứng rắn của Nga

Ở Syria, không quân Mỹ vừa bắn rơi một chiếc máy bay tiêm kích Su-22 của không quân Syria. Vụ việc xảy ra ở gần thành phố Raqqa phía bắc nước này.

Phản ứng của Nga rất mạnh mẽ. Nga coi đấy là hành động xâm lược và vi phạm luật pháp quốc tế. Nga tuyên bố ngừng hiệu lực của thoả thuận với Mỹ về ngăn ngừa đụng độ trên không phận Syria và coi tất cả mọi vật thể bay của liên quân do Mỹ đứng đầu ở phía Tây sông Euphrates là đối tượng đưa vào tầm ngắm.

Thông điệp của Nga nhằm chủ yếu và trước hết vào Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ quả quyết là liên quân không giao tranh với quân đội chính phủ Syria, quân đội Nga hay các lực lượng vũ trang được phía chính phủ Syria và Nga hậu thuẫn nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ an ninh cho liên quân. Thông điệp này chủ yếu và trước hết nhằm tới Nga, biện bạch nhưng cũng rất kiên quyết.

Vụ việc này làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga thêm căng thẳng và phức tạp, lại còn trước cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Gần như ngay sau đó, Iran đã lần đầu tiên phóng nhiều tên lửa vào lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, trên danh nghĩa là để trả đũa sau khi bị IS tấn công khủng bố ở thủ đô Tehran cách đó mấy ngày.

Mỹ minh giải quanh co thế thôi chứ cho tới nay Mỹ đã không ít lần chủ ý tấn công nhằm vào quân đội chính phủ Syria. Nhưng vụ việc vừa rồi là lần đầu tiên không quân Mỹ bắn rơi máy bay của đối phương ở nước ngoài. Lần cuối cùng Mỹ hành động vậy là vào năm 1999 trong cuộc chiến tranh ở Kosovo.

Sự thật như thế nào trong vụ việc này thực sự chỉ người trong cuộc mới rõ. Phía chính phủ Syria cho biết chiếc tiêm kích trên đang tiến hành hoạt động tấn công IS thì bị Mỹ bắn rơi trong khi Mỹ cho rằng không quân Syria đã ném bom xuống Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn.

SDF vốn chống đối chính phủ Syria và vừa rồi được Mỹ vũ trang ồ ạt. Nga nói Mỹ không vận hành kênh thông tin đã được hai bên thoả thuận trong khi Mỹ biện bạch là đã tìm cách trao đổi với Nga nhưng không liên lạc được.

Cuộc chơi địa chiến lược trực tiếp

Nhìn vào chiến trường, chuyện ở đây xoay quanh hai thành phố là Raqqa và Deir ez -Zor. Raqqa hiện là thủ phủ cuối cùng của IS ở Syria. Liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến hành chiến dịch tấn công Raqqa. IS ở đó đang tính cách lui về Deir ez -Zor. Mỹ và đồng minh dự tính sau khi công thành Raqqa sẽ tấn công Deir ez-Zor trong khi quân đội chính phủ Syria đanh gấp rút đánh về Deir ez -Zor.

Một số lực lượng khác liên quân với chính phủ Syria cũng đang tấn công IS từ phía biên giới với Iraq về hướng Deir ez -Zor. Ai đánh bật IS ra khỏi thánh địa của chúng sẽ có được thanh thế rất cao và uy danh rất lớn.

Chiếm được Raqqa, SDF và Mỹ sẽ kiểm soát được vùng lãnh thổ rất rộng lớn ở miền bắc Syria. Phía chính phủ Syria vì thế cần phải đánh chiếm được Deir ez-Zor trong khi SDF và Mỹ muốn ngăn chặn việc này.

Việc Mỹ bắn rơi máy bay của không quân Syria trước hết nhằm tác động vào tâm lý lực lượng trong liên quân, đặc biệt SDF, làm cho những lực lượng này tin là Mỹ thật sự hậu thuẫn họ và bảo hộ an ninh cho họ.

Mỹ vừa răn đe vừa ngăn cản phía chính phủ Syria giành thắng lợi với ý nghĩa quan trọng về quân sự và mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát. Mỹ đồng thời còn làm phép thử đối với Nga về Nga phản ứng như thế nào khi quân đội chính phủ Syria bị Mỹ và liên quân tấn công.

Cho tới nay, mỗi lần Mỹ gây chuyện với phía quân đội chính phủ Syria, phản ứng của Nga đều vẫn chỉ là kịch liệt phản đối Mỹ và ngưng trệ có thời hạn thoả thuận nói trên với Mỹ về ngăn ngừa đụng độ trong các hoạt động quân sự của họ ở Syria. Định hướng chiến lược của Mỹ là trước mắt tập trung gây dựng SDF và chống IS đã, sau này mới tính sổ với chính phủ Syria để thiết lập chính thể mới ở nơi đây.

Trong thời gian gần đây, Mỹ tăng cường vũ trang cho SDF và đẩy mạnh tham chiến trực tiếp vì nhờ Nga mà phía chính phủ Syria trở nên thắng thế và Mỹ lo ngại vai trò ngày càng mạnh hơn của Iran. Mỹ biết rằng Syria rồi cuối cùng cũng sẽ có giải pháp chính trị. Khi ấy, ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài sẽ được phân định.

Mỹ không chỉ muốn có phần mà còn phần nhiều như có thể được, vì thế phải chen chân ngay từ bây giờ trước khi bị Nga và Iran làm cho không còn có thể chen chân vào được nữa. Cũng không thể loại trừ khả năng giới quân sự Mỹ hành động vậy để ngăn cản ông Trump có thoả thuận nào đấy với ông Putin trong cuộc hội ngộ tới.

Vụ việc này đẩy Nga đến trước quyết định khó khăn là nếu không kiên quyết thì Mỹ sẽ còn lấn tới, nhưng nếu phản ứng kiên quyết thì nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp sẽ ra tăng. Nga phản ứng mạnh mẽ hơn trước để răn đe Mỹ, để ở nơi này không diễn biến đến mức Nga buộc phải hành động. Nga không muốn cuộc gặp sắp đến giữa ông Trump và ông Putin bị tổn hại. Nhưng sau đó thì lại là tình huống khác. Ở Syria, cuộc chơi địa chiến lược giữa Mỹ và Nga càng ngày càng thêm trực tiếp.

RELATED ARTICLES

Tin mới