Quyết định đưa ra một ngày sau vụ liên quân do Mỹ đứng đầu bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-22 của Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải).
Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/6 tuyên bố đình chỉ kênh liên lạc quân sự với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ về ngăn ngừa đụng độ và an toàn bay khi thực hiện các chiến dịch không kích tại Syria.
Trong một thông báo, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, mọi máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Lực lượng Không quân Nga phát hiện tại các khu vự ở phía Tây sông Euphrates, sẽ bị coi là các “mục tiêu” trên không và bị lực lượng phòng không Nga, cùng các máy bay bám theo.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria sau khi máy bay Su-22 của quốc gia Trung Đông này bị liên quân quốc tế bắn hạ hôm 18/6.
Chính phủ Nga trước đó cũng chỉ trích vụ tấn công này là vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền quốc gia và là hành động “xâm lược quân sự” chống Syria, một quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đồng thời cũng lên án Mỹ không vận hành kênh liên lạc với Nga trước khi bắn hạ máy bay Syria.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và tất cả các nước liên quan khác đang triển khai lực lượng hoặc cố vấn tại khu vực đảm bảo rằng, mọi hoạt động của chúng ta đều được phối hợp tốt. Tất cả các bên cần kiềm chế mọi hành động đơn phương, tôn trọng chủ quyền Syria và phối hợp các nỗ lực với nước này” – Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói:
Trước đó, hôm 18/6, quân đội Syria cho biết liên quân do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ 1 máy bay của quân đội nước này tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Raqqa khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống các tay súng thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Theo phía Syria, đây là một âm mưu hòng phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước.
Trong khi đó, quân đội Mỹ dù xác nhận đã bắn hạ 1 máy bay quân sự của Syria, song cáo buộc máy bay này đã ném bom vào những vị trí gần các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.
Cùng với Mỹ, Nga cũng đang can thiệp quân sự tại Syria, song nếu như Mỹ là để nhằm ủng hộ và vũ trang cho liên minh Arab – người Kurd và một số nhóm đối lập tại Syria, thì Nga là theo yêu cầu của Chính quyền nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Theo các nhà phân tích, những diễn biến mới này đã đánh dấu một nấc leo thang mới trong cuộc xung đột hiện nay tại Syria, vốn đã kéo theo sự can dự của quá nhiều tác nhân khu vực và quốc tế, cũng như tạo cơ hội cho các nhóm thánh chiến cực đoan gia tăng hoạt động tại vùng lãnh thổ bị chia rẽ này, đẩy lùi mọi triển vọng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán.
Cùng với sự cố quân sự giữa Mỹ và Syria, Iran, một đồng minh khác của chính quyền Syria trước đó, hồi cuối tuần qua cũng lần đầu tiên phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Chính vì thế theo các nhà phân tích, cùng với quyết định của Nga tạm ngừng kênh liên lạc quân sự với Mỹ tại Syria, cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ đã leo lên một nấc thang mới. Việc Mỹ thành lập liên quân quốc tế can thiệp vào Syria và sau đó là Nga năm 2015 đã biến cuộc nội chiến tại Syria thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc thế giới. Vụ Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ của Syria không phải là vụ va chạm đầu tiên, song nó lại tiếp tục làm gia tăng sự đối đầu giữa Nga và Mỹ.
Trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng, quân đội Mỹ khẳng định muốn khôi phục kênh liên lạc quân sự với Nga tại Syria, vì đã hoạt động rất tốt trong suốt 8 tháng qua và cùng với Nga, các bên sẽ làm việc cả về ngoại giao và quân sự nhằm khôi phục sự hợp tác này.
“Chúng tôi đang làm việc nhằm giải quyết sự cố này và tôi cho rằng điều này sẽ đòi hỏi một số cam kết ngoại giao và quân sự nhằm khôi phục kênh liên lạc giữa hai bên, cũng như giảm căng thẳng vì lợi ích của tất cả các bên. Điều này là cần thiết để chống lại kẻ thù chung là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)” – Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết.
Vòng đàm phán mới về vấn đề Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ dự kiến sẽ được nối lại tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/7 tới. Trong bối cảnh, những bất đồng quan trọng giữa các bên về những vấn đề lớn vẫn còn, thì những sự cố như thế này có thể khiến tiến trình đàm phán trở nên khó khăn hơn.