Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện​Sau ‘Nhà nước Hồi giáo’ là ‘Nhà nước Đông Á’?

​Sau ‘Nhà nước Hồi giáo’ là ‘Nhà nước Đông Á’?

Ba nước Philippines, Indonesia và Malaysia nhóm họp ngày hôm nay nhằm đề ra những chiến lược chung ngăn chặn khủng bố IS tràn đến.

Hôm nay là đúng 1 tháng giao tranh giữa quân đội Philippines và lực lượng khủng bố Maute ở thành phố Marawi miền nam Philippines. Theo truyền thông Philippines, sáng nay người ta vẫn nghe thấy tiếng súng và những cột khói bốc lên.

Vụ chiếm giữ một phần thành phố trên đảo Mindanao này những tưởng sẽ được giải quyết nhanh chóng rốt cuộc đã kéo dài qua vài thời hạn mà phía quân đội đưa ra cho dự báo “giải phóng được thành phố”.

Trong thông báo mới nhất ngày hôm nay, trung tá Christopher Tampus của quân đội Philippines cho biết “chỉ còn khoảng 100 tay súng Maute” và chúng đang bị dồn về một góc. Theo ông, diện tích chúng còn kiểm soát chỉ vào khoảng 1 km2 và chúng đang bị các lực lượng Philippines cô lập theo thế gọng kềm.

Mối lo rất thực

Sự kiện một nhóm Hồi giáo cực đoan dám mạnh dạn tấn công hòng chiếm lĩnh một thành phố ở Philippines là chuyện gần như chưa từng có. Nhiều chỉ dấu cho thấy các nhóm này đang lấy cảm hứng từ sự bành trướng nhanh chóng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tận Trung Đông.

Những thông tin tình báo cũng cho biết hàng chục nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhỏ ở khu vực Đông Nam Á đã nghiêng theo tư tưởng và kiểu cách của IS hoặc xưng tôn IS là “đàn anh” của mình.

​Sau ‘Nhà nước Hồi giáo’ là ‘Nhà nước Đông Á’?

Khói lửa vẫn còn ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao vào sáng 22-6 – Ảnh: Reuters

Tờ The Straits Times của Singapore hôm nay dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng các đối tượng ủng hộ IS ở Iraq và Syria xác định Singapore là một phần của cái gọi là “Nhà nước Đông Á” (East Asia wilayah). Các nhà phân tích cảnh báo động thái này có thể khuyến khích các tay súng nước ngoài gây ra các vụ tấn công tại đây.

Nhà phân tích cấp cao Jasminder Singh cho rằng Singapore cùng với Malaysia, Indonesia, Philippines, miền Nam Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản là những nước và vùng lãnh thổ bị truyền thông xã hội tuyên truyền cho IS coi là một phần của cái gọi là “Nhà nước Đông Á”.

Các nhà phân tích an ninh khác cũng cho rằng điều này có khả năng sẽ khuyến khích các cá nhân tự cực đoan hóa gây ra các vụ tấn công tại đây nếu không đến được Trung Đông để tham chiến.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố mà Singapore phải đối mặt đang ở mức cao nhất trong những năm qua và nước này đang chứng kiến sự gia tăng mạnh số lượng cá nhân tự cực đoan hóa.

Ngày 20-6 vừa qua, giới chức Singapore thông báo đã bắt giữ một cảnh sát giao thông mới 24 tuổi và bị nhiễm tư tưởng cực đoan từ năm 2012 và có ý định tham chiến tại Syria. Một đồng nghiệp của đối tượng này đã bị áp đặt lệnh hạn chế đi lại do biết về kế hoạch trên nhưng không thông báo với nhà chức trách. Tuần trước, Singapore cũng đã bắt giữ một phụ nữ mới 22 tuổi nhưng đã lên kế hoạch đưa con sang Syria làm “góa phụ cảm tử”.

​Sau ‘Nhà nước Hồi giáo’ là ‘Nhà nước Đông Á’?
Cảnh sát Philippines canh gác trên tuyến đường chính ở thành phố Marawi ngày 22-6 – Ảnh: Reuters

Quyết liệt tìm giải pháp

Những tuần gần đây, khu vực Đông Nam Á thực sự nằm trong tình trạng báo động sau đánh chiếm thành phố Marawi và giao tranh kéo dài.

Các chuyên gia từng cảnh báo sau khi IS thất bại ở Syria và Iraq do các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân, Mindanao có thể trở thành tâm điểm trong cuộc chiến của IS ở khu vực. Và câu chuyện Marawi là một bằng chứng rõ nét.

Chưa kể tương tự trường hợp IS ở Trung Đông thất bại tìm đường sang Đông Nam Á thì giữa các nước Đông Nam Á cũng lo sợ tình trạng các tay súng Hồi giáo từ Philippines len lỏi vào nước mình. Như Malaysia hiện đang lo sợ các tay súng Maute thất thủ ở Marawi sẽ tìm đường vào bang Sabah của Malaysia bằng ngõ dân nhập cư hoặc đóng giả làm ngư dân.

Hôm nay, ngoại trưởng ba nước Philippines, Indonesia và Malaysia nhóm họp tại Manila với mục đích đề ra những chiến lược chung ngăn chặn IS có chỗ đứng tại khu vực. Ý tưởng phối hợp hoạt động ngăn chặn khủng bố và cướp biển như thế này đã được bàn thảo gần đây giữa lãnh đạo các nước trong khu vực vào những dịp hội nghị chung.

​Sau ‘Nhà nước Hồi giáo’ là ‘Nhà nước Đông Á’?
Người dân nhận diện những tay súng Hồi giáo Maute đang bị chính quyền Manila truy nã – Ảnh: Reuters

Trước đó, trong thông báo về cuộc họp này, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết cuộc họp sẽ thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa ba nước nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) nói chung nhằm ngăn chặn lực lượng IS xâm nhập Đông Nam Á.

Chưa kể, vào tối 21-6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo đã điện đàm thảo luận về mối đe dọa tiềm ẩn đối với khu vực Đông Nam Á từ việc các tay súng địa phương cấu kết với IS.

Phát biểu trước báo giới ngày hôm nay (22-6), ông Ernesto Abella – người phát ngôn Tổng thống Duterte – cho biết trong cuộc điện đàm lãnh đạo hai nước đều “tái khẳng định việc cần thiết lập cơ chế hợp tác để đối phó với những mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”.

Ông Ernesto Abella cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Widodo lặp lại cam kết của Indonesia ủng hộ Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố, bao gồm cả việc khôi phục hòa bình và bình ổn tại miền Nam Philippines.

Mới đây, chính quyền Indonesia cũng nhìn nhận mầm mống IS đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới