Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngĐô đốc Mỹ bóc mẽ chiêu bài TQ trên Biển Đông

Đô đốc Mỹ bóc mẽ chiêu bài TQ trên Biển Đông

Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để làm xói mòn trật tự quốc tế ở Biển Đông.

Ngày 28/6, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã cáo buộc Trung Quốc tăng cường xây dựng sức mạnh chiến đấu và tạo ra lợi thế về mặt vị trí để khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

“Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để làm xói mòn trật tự quốc tế vốn dựa trên luật pháp” – Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Trung tâm Chính sách Chiến lược Australia.

Ông Harris cũng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của Mỹ trong việc kiên quyết phản đối việc ép buộc và hăm dọa để đạt được các tuyên bố chủ quyền.

Đô đốc Harris tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép “những lãnh hải chung của thế giới bị đóng lại một cách đơn phương”, và quyết liệt chống đối việc sử dụng vũ lực để đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền.

Nói về quan hệ hợp tác của Mỹ  – Trung Quốc, Đô đốc Harris khẳng định: “Chúng tôi sẽ hợp tác khi nào có thể, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng trực diện đối đầu khi cần”.

Hồi đầu tháng 6, Đô đốc Harris cũng tuyên bố tiếp tục duy trì tuần tra chung trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, sát cánh cùng các quốc gia ở Đông Nam Á.

“Tôi tin rằng tự do hàng hải giúp ích cho các nước trong khu vực vì nó hợp thức hoá quan điểm luật quốc tế dành cho tất cả chúng ta và luật quốc tế cho phép tàu bè, máy bay của chúng ta hoạt động trên đại dương. Đó là ý nghĩa của chương trình tự do hàng hải”, Đô đốc Mỹ nói.

Cuộc tuần tra của Mỹ được cho là gây thách thức  một cách mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh diễn ra hôm 24/5 xung quanh đá Vành Khăn – một trong 7 đảo nhân tạo Trung Quốc dựng lên phi pháp ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Harris cũng quan ngại về việc hình thành một số căn cứ quân sự trên Biển Đông khi Trung Quốc ngang nhiên cho rằng nước này “có quyền xây dựng” các cơ sở quân sự ở Biển Đông, bao biện đây là “quyền phòng vệ của Trung Quốc”.

Tư lệnh Mỹ cho rằng “đây là vấn đề lựa chọn của Trung Quốc” bất chấp “là bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, “bất chấp kết quả phán quyết của toà trọng tài, trong vụ kiện cụ thể giữa Philippines và Trung Quốc”.

Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ hồi cuối tháng 3 cho biết Trung Quốc đã gần như hoàn thiện xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Tại đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn có các cơ sở hải quân, không quân, radar và cơ sở phòng thủ. Hồi tháng hai, giới chức Mỹ cũng nói Trung Quốc đã xây xong khoảng 20 kiến trúc trên đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập, nghi để bố trí tên lửa đất đối không tầm xa.

Do doc My boc me chieu bai Trung Quoc tren Bien Dong
Công trình do Trung Quốc xây trái phép ở đá Châu Viên của Việt Nam. Ảnh: EPA

Hồi cuối tháng 12/2016,  Đô đốc Harry Harris cũng tuyên bố sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông nếu buộc phải lựa chọn.

Ông cho rằng chỉ khi Mỹ duy trì sức mạnh quân sự trong khu vực và công khai thể hiện thái độ quyết tâm thì Trung Quốc mới không thể kiểm soát tuyến đường hàng hải, các vùng đánh cá và tài nguyên tại biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới