Quan hệ Mỹ-Trung càng xung đột, Nga sẽ càng dễ thỏa thuận với Trung Quốc và Mỹ vì hai nước không muốn đẩy Nga sang tay đối thủ.
Nga “trên cơ” Trung Quốc?
Theo trang mạng expert.ru, nội dung chính trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là việc Nga tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như lượng đầu tư của nước này vào nền kinh tế Nga.
Chỉ mới đây thôi, Trung Quốc vẫn còn giữ được vị thế mạnh trong cuộc đàm phán này. Việc Nga căng thẳng trong quan hệ với phương Tây, chính sách “Xoay trục sang phía Đông” biến thành xoay trục sang Trung Quốc là điều mà Trung Quốc đã tận dụng để áp đặt những điều kiện hợp tác của mình với Nga.
Tuy nhiên, cuộc hội đàm cấp cao lần này diễn ra trong bầu không khí hoàn toàn ngược lại khi gần như là lần đầu tiên trong suốt thời gian căng thẳng quan hệ Nga-phương Tây, Trung Quốc ở vào thế yếu hơn Nga.
Sau chuyến thăm khá thành công hồi tháng 4/2017 đến Mỹ của ông Tập Cận Bình, nhiều chuyên gia đã thở phào nhẹ nhõm và dẹp sang bên các tuyên bố “về xung đột Trung Quốc-Mỹ”.
Bản thân ông Trump cũng dịu giọng hơn khi nói về Trung Quốc. Thậm chí có ý kiến cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã tìm được một thỏa thuận tạm thời, và rằng “cái bẫy Thucydides” (trong đó chiến tranh giữa cường quốc đang nổi Trung Quốc và kẻ thống trị Mỹ là không thể tránh khỏi) đã không có hiệu quả trong trường hợp này.
Bản thân ông Tập Cận Bình tin tưởng rằng không có bất kỳ cái bẫy Thucydides nào giữa Trung Quốc và Mỹ, vì theo ông, hai bên có thể xây dựng “quan hệ mới giữa các cường quốc”, dựa trên sự tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.
Theo giới phân tích Nga, Tổng thống Mỹ thay giận dữ bằng tha thứ cho Trung Quốc chỉ vì hy vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề của Mỹ. Với ông Trump, cả hai vấn đề thặng dư thương mại và Triều Tiên đều liên quan đến nhau.
Ông Trump nói: “Tôi đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ có lợi cho họ hơn nhiều nếu họ giải quyết được vấn đề Triều Tiên”.
Tổng thống Mỹ D. Trump tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tháng 4 |
Tuy nhiên, sự hợp tác đó đã không thành. Trong vấn đề thương mại, dễ hiểu là Bắc Kinh không chịu chấp nhận các yêu cầu của Mỹ, còn trong vấn đề Triều Tiên thì khả năng của Trung Quốc đã được phóng đại quá lên.
Trung Quốc rất muốn ít nhất qua một cú điện thoại đến Bình Nhưỡng để giải quyết chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên (vì lúc đó Mỹ sẽ không còn cơ sở nào để triển khai THAAD tại Hàn Quốc, còn các căn cứ quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản sẽ không còn ý nghĩa để tồn tại).
Song Bắc Kinh không làm được việc đó, vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đơn giản là bác bỏ các yêu cầu của Trung Quốc.
Sức ép trực tiếp cũng không có hiệu quả, vì lời đáp trả sẽ là cực đoan hóa, hoặc làm rối loạn Triều Tiên – cả hai phương án đều vô cùng bất lợi cho Trung Quốc.
Cuối tháng 6 vừa qua, Nhà Trắng lại khởi động cỗ máy bài Trung. Tờ The Daily Beast viết: “Ông Trump mất 4 ngày để thoát khỏi chính sách đã kéo dài suốt hai, mà có thể là bốn, thập kỷ qua của Mỹ đối với Trung Quốc”.
Ngày thứ nhất là cuộc gặp ngày 26/6 của ông Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, với kết quả là lãnh đạo Mỹ tuyên bố “quan hệ Mỹ-Ấn Độ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay” và khẳng định tuyên bố đó bằng hợp đồng bán cho Ấn Độ 22 máy bay không người lái trị giá 2 tỷ USD để có thể giám sát hoạt động của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Sau đó, ngày 27/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố danh sách các nước nơi có nạn buôn người gia tăng mạnh nhất – và Trung Quốc nằm trong nhóm thứ ba, nhóm tệ nhất.
Mỹ thất vọng vì Trung Quốc không thể ngăn chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên? |
Ngày 28/6, Mỹ đã tập trung nỗ lực, và ngày 30/6 ra hai đòn tấn công. Đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt chống các công ty Trung Quốc vì đã hợp tác với Triều Tiên.
Theo giới phân tích Nga, động thái này thể hiện rằng Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc vì hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng, điều mà Trung Quốc không thể chấm dứt vì sẽ xảy ra hỗn loạn trong chế độ Triều Tiên và chiến tranh trên Bán đảo này.
Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố dự định cung cấp cho Đài Loan 1,42 tỷ USD vũ khí để duy trì “khả năng phòng vệ”. Đây sẽ là đơn hàng vũ khí đầu tiên cho Đài Loan thời ông Trump.
Hạ viện Mỹ còn phê chuẩn luật cho phép các tàu chiến Mỹ có thể ra vào cảng Đài Loan (bị ngừng năm 1979 khi Mỹ thông qua nguyên tắc “một Trung Quốc”). Theo những nguyên nhân dễ hiểu, ông Trump sẽ không phủ quyết luật này.
Và cuối cùng, chỉ một ngày trước chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện FONOP ở Biển Đông.
Nga sẽ hưởng lợi từ mối bất hòa Trung-Mỹ? |
Theo báo Nga, đối với ông Trump, lợi ích của Mỹ cao hơn “tình bạn” với Trung Quốc. Câu hỏi được chuyên gia Nga đặt ra là điều đó có phù hợp với quyền lợi của Nga hay không?
Câu trả lời là “tất nhiên”, vì quan hệ Mỹ-Trung càng xung đột (tất nhiên là trong giới hạn), Moscow sẽ càng dễ thỏa thuận với Trung Quốc và Mỹ, những bên sẽ phải tôn trọng lợi ích của Nga để không đẩy Nga sang tay đối thủ.
Cái chính là giữ cán cân thăng bằng và không chen vào cuộc xung đột dù ở bên Mỹ hay bên Trung Quốc. Nếu Nga chọn Trung Quốc, Nga sẽ đặt mình vào vị trí xung đột với tất cả phương Tây và trở thành chư hầu của Trung Quốc.
Nếu chọn Mỹ, Nga sẽ xung đột với cường quốc mạnh nhất ở phương Đông, thêm vào đó không có gì đảm bảo là Mỹ sẽ không bỏ rơi Nga (như họ thường làm). Vậy nên cần phải tận dụng tình huống và làm đối tác với tất cả các bên.