Những sai sót kỹ thuật xảy ra là do bên thi công không tỉ mỉ, cẩn thận, lực lượng giám sát không làm hết trách nhiệm.
Hai lỗi nguy hiểm nhất
Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, tuyến đường ôtô vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng) có nhiều sai sót. Trong đó, có 5 điểm cơ bản:
Một là, vị trí móng đường cấp phối đá dăm (bên bờ Cát Hải) có biểu hiện phân tầng, bề mặt rời rạc.
Hai là, chưa kiểm toán độ ổn định của mố và sức chịu tải của móng trên sơ đồ cọc nghiêng.
Ba là, một số vị trí mối nối các đốt dầm SBS được làm kín bằng keo Epoxy có hiện tượng bị thấm nước và hiện tại nước đọng trong lòng hộp.
Bốn là, thi công 1 dầm “T” không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm so với các dầm còn lại.
Năm là, nền đường đầu cầu Sông Cấm vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế.
Trước kết quả trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/7, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Theo tôi làm tuyến đường vượt biển về kỹ thuật sẽ khó hơn đường bình thường, vì ở địa chất phức tạp, môi trường thi công phức tạp, đất không ổn định, biến đổi địa chất liên tục, gió biển, nước mặn, tránh được sai sót là hơi khó.
Để xảy ra những lỗi như này là do giám sát không chặt chẽ, nhưng cũng có một số lỗi không tránh khỏi được. Ví dụ như hiện tượng lún thì ở nền đất sông Bạch Đằng không thể ổn định ngay được, phải đưa vào sử dụng một thời gian, lúc đó nền đường sẽ ổn định dần.
Nhưng lỗi kỹ thuật này có biện pháp khắc phục, từ giờ đến một thời điểm nhất định nào đó, nếu đường lún họ sẽ đổ bù đường, bảo đảm chất lượng, việc này không lo ngại lắm.
Riêng lỗi cọc ống thép bị nghiêng thì nhà thầu thi công phải đánh giá lại mức nghiêng ra sao, mức nghiêng có cho phép không, vẫn đảm bảo chất lượng của công trình không?. Riêng cầu đưa vào sử dụng phải có đánh giá quan trắc cụ thể, nghiêm khắc, đặc biệt là độ ổn định”.
Bên cạnh đó, theo ông Thám, lỗi lớn nhất là vị trí mối nối các đốt dầm SBS bị nước ứ đọng, sẽ nguy hiểm khi sử dụng, vì nước biển ăn mòn từ trong ra ngoài.
Với công trình này, cần đánh giá nếu chỉ lỗi ở một vài điểm thì có thể là sơ suất, do bên thi công không tỉ mỉ, cẩn thận, lực lượng giám sát không làm hết trách nhiệm, nhưng tất cả công trình bị lỗi thì đó là thi công ẩu.
Khắc phục không khó nhưng cần trách nhiệm
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, với 5 lỗi sai sót trên, ông Thám cho biết thêm: “Nếu sai sót quá giới hạn, nguy hiểm ngay tức khắc phải sửa chữa mới được dùng. Còn nếu sai sót nằm trong giới hạn cho phép thì phải theo dõi, để xem thể hiện có ảnh hưởng tuổi thọ công trình hay không?.
Một trường hợp khác là sai sót chưa được phát hiện ra, thì phải quan trắc theo dõi trong thời gian dài, trong 3-5 năm. Trong các sai sót hiện nay, thì lỗi các đốt dầm SBS được làm kín bằng keo Epoxy có hiện tượng bị thấm nước, cọc ống thép bị nghiêng sẽ không đảm bảo được chịu lực.
Còn thi công 1 dầm “T” không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm sửa chữa rất dễ, vì họ chỉ cần tốn thêm vật liệu, bù lại cho bằng nhau.
Còn đường chưa ổn định, một thời gian sau phải đổ bù, còn mặt đường rời rạc thì đánh giá chất lượng bê tông, nếu sửa thành hệ thống thì sửa lại toàn bộ, còn từng điểm thì sửa xong sẽ đưa vào sử dụng”.
Phải khắc phục sự cố kỹ thuật |
Qua việc này, theo vị chuyên gia trên, cả bên thi công và bên giám sát đều phải chịu trách nhiệm, còn phía nhà thầu vốn dĩ họ chỉ lo lắng về uy tín bị ảnh hưởng, chứ họ không lo công trình. Với các lỗi này thì họ khắc phục không khó, nhưng uy tín bị giảm.
Để khắc phục hết các sự cố còn tùy vào nhiều yếu tố, xem vị trí có dễ xử lý hay không, nhưng cũng không mất nhiều thời gian nếu tập trung nguồn lực. Khi tiến hành khắc phục thì quy trình cũng phải lặp lại như ban đầu, làm lại tất cả các khâu như làm mới.
Lỗi do cả thi công và giám sát
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Đại học xây dựng Hà Nội cũng cho biết: “Khi thi công công trình mà điều kiện địa tầng phức tạp, quá trình thi công cũng có sơ suất, nên sau khi hoàn thiện phải kiểm tra, điều chỉnh, cần thiết thì gia cố.
Chắc chắn điểm mối nối bị khe hở nước chảy vào trong là vô cùng nguy hiểm, nước biển mặn, dễ gây ăn mòn, tuổi thọ sẽ giảm, không biết sức chịu đựng được bao năm. Chất lượng đổ bê tông, phải được kiểm tra lại, cần siêu âm thì siêu âm, cần phải có biện pháp xử lý đảm bảo tuổi thọ công trình.
Tất nhiên, yêu cầu chất lượng không đạt được, đáng nhẽ phải điều chỉnh ngay, trong việc xây dựng cần hệ số an toàn cao nhất. Còn mật độ lên cao như vậy rất đáng ngại, không biết chất lượng kết cầu đường có bền không, chịu được lực phương tiện qua lại không?.
Theo tôi phải cố gắng khắc phục, phải đánh giá lại, chỗ nào cần sửa, gia cố là phải làm, nếu không sẽ dễ xảy ra nhiều sự cố bất ngờ. Trên cơ sở kết luận của hội đồng nghiệm thu nhà nước thì cần có tổ xác định chất lượng, độ an toàn của công trình”.
Vị chuyên gia trên nhấn mạnh thêm, lỗi là do bên thi công kém chất lượng, tổ giám sát công trình thiếu trách nhiệm. Cần có giải pháp kỹ thuật trong việc kiểm định, chứng minh độ tin cậy, an toàn, tính trên khả năng của sóng biển, đổ bê tông phân tầng kiểm tra.