Quân đội Trung Quốc vừa được triển khai đến căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti thuộc vùng Sừng Châu Phi. Bắc Kinh nói rằng, căn cứ này của họ sẽ được sử dụng cho các mục đích hậu cần, ví dụ như các tàu của họ sẽ tham gia vào các nhiệm vụ nhân đạo và gìn giữ hòa bình.
Một loạt tàu chở các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã được điều đến thiết lập căn cứ ở Djibouti hôm 11/7, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin nhưng từ chối công bố về con số binh sĩ chính thức được triển khai.
Miêu tả căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài là “một căn cứ hỗ trợ”, tờ báo của Trung Quốc cho biết, mục đích của căn cứ nói trên sẽ là để đảm bảo cho các lực lượng Trung Quốc có thể thực thi thành công các nhiệm vụ trong khu vực, trong đó có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo ở Châu Phi và Tây Á. Tờ Tân Hoa xã không cho biết, khi nào chiến dịch của quân đội sẽ chính thức được khởi động ở căn cứ mới.
Cũng theo cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, căn cứ ở vùng Sừng Châu Phi của họ còn có vai trò trợ giúp cho các lực lượng quân sự Trung Quốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở nước ngoài, gồm hợp tác quân sự, tập trận chung cũng như tham gia các chiến dịch chung nhằm duy trì an ninh của các đường biển chiến lược của thế giới.
Quyết định thiết lập căn cứ ở Djibouti được đưa ra sau “những cuộc đàm phán hữu nghị” giữa hai nước, tờ Tân Hoa Xã dẫn lời Hải quân PLA cho biết.
Trong bài bình luận trên trang nhất, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã nói, căn cứ ở vùng Sừng Châu Phi sẽ giúp tăng khả năng của Trung Quốc trong việc đảm bảo hòa bình toàn cầu, đặt biệt là bởi vì Trung Quốc đang có nhiều binh sĩ gìn giữ hòa bình đóng quân tại khu vực và cũng đang tham gia vào các hoạt động tuần tra chống cướp biển ở đây.
Tờ báo của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ không tìm kiếm sự bành trướng về quân sự hay tham gia vào các cuộc chạy đua vũ trang.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dường như lại khẳng định căn cứ mới ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc là một căn cứ quân sự đúng nghĩa chứ không phải là một căn cứ hậu cần. “Chắc chắn, đây là căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Hoa và chúng tôi sẽ đưa quân đến đóng tại đó. Đây không phải là một cơ sở hậu cần thương mại. Có vẻ như nó đang thu hút sự chú ý của dư luận nước ngoài”, bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Tờ báo trên còn nói thêm rằng, sự phát triển của quân đội Trung Quốc là để nhằm bảo vệ an ninh của đất nước chứ không phải là “tìm cách thiết lập quyền kiểm soát thế giới”.
Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc đưa quân đến căn cứ nước ngoài đầu tiên ở vùng Sừng Châu Phi đã gây lo ngại cho Ấn Độ. New Delhi sợ rằng, đây có thể là căn cứ đầu tiên trong rất nhiều căn cứ mà Trung Quốc nhăm nhe dựng lên ở Ấn Độ Dương, tờ Reuters đưa tin. Trung Quốc – nước đang tăng tốc chương trình hiện đại hóa quân đội, đã phủ nhận nỗi lo ngại nói trên của New Delhi.
Sự kiện Trung Quốc đưa quân đến căn cứ nước ngoài đầu tiên diễn ra sau khi Lầu Năm Góc từng đưa ra một bản báo cáo hồi tháng Năm, trong đó nói rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước ngoài và hiện đại hóa quân đội để “ngăn cản và đánh bại sức mạnh của đối thủ và chống lại sự can thiệp của bên thứ ba – trong đó có Mỹ, vào một cuộc khủng hoảng hay xung đột”.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng tuyên bố “phản đối kịch liệt” bản báo cáo, nói rằng nội dung của nó là “những lời bình luận vô trách nhiệm” và “vô căn cứ”.
Quốc gia bé nhỏ Djibouti nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia. Đây là nơi sinh sống của khoảng 887.000 người. Djibouti được nhiều nước quan tâm vì địa điểm chiến lược của nó. Quốc gia này là đóng vai trò là con đường phía nam đi vào Biển Đỏ, trên đường đến Kênh đào Suez. Djibouti còn là nơi có căn cứ quân sự của các nước Mỹ, Pháp và Nhật Bản..
Các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản hồi năm ngoái từng nói, Tokyo sẽ mở rộng căn cứ ở Djibouti để đối phó lại với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.