Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngChiến lược "cắt lát salami" của TQ ở biển Đông mất tác...

Chiến lược “cắt lát salami” của TQ ở biển Đông mất tác dụng khi đối đầu Ấn Độ ở biên giới?

Nếu Trung Quốc chiếm được cao nguyên Doklam, thì nước này hoàn toàn có thể “cắt đứt” khả năng tiếp cận 40 triệu dân ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ theo đường bộ.

Các vùng màu đỏ là 3 khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

Thoạt nhìn, vương quốc Bhutan có vẻ như không phải một nhân tố nặng ký trong tính toán của các cường quốc khu vực. Nhưng vương quốc nhỏ bé này lại mang ý nghĩa chiến lược quan trọng với cả Bắc Kinh lẫn New Delhi.

Nguyên nhân không phải vì Bhutan sở hữu nguồn khoáng sản dồi dào chưa khai thác hay thị trường tiêu dùng lớn, mà bởi vị trí địa chính trị của nước này.

Chỉ mới mở cửa trong vài năm gần đây (hợp pháp hóa truyền hình và Internet vào năm 1999), Bhutan đã mắc kẹt trong cuộc đối đầu ngoại giao ngấm ngầm nhưng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhân tố chính của vấn đề chính là lãnh thổ.

Trung Quốc và Bhutan hiện có 3 khu vực tranh chấp: Các thung lũng Jakarlung, Pasamlung trên biên giới phía Bắc giữa 2 nước, và cao nguyên Doklam ở phía Đông Bhutan. Trong số này thì cao nguyên Doklam là cái mà Trung Quốc muốn giành lấy hơn cả. Đây cũng là mối lo ngại của New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Mặt đất của Ấn Độ (CLAWS) mô tả giá trị chiến lược của khu vực này như sau:

“Cao nguyên Doklam nằm ngay phía Đông khu vực phòng thủ của Ấn Độ ở Sikkim. Việc Trung Quốc chiếm Doklam sẽ đe dọa tới năng lực phòng thủ của Ấn Độ. Giành được khu vực này không chỉ có tầm nhìn kiểm soát xuống thung lũng Chumbi mà còn quan sát được Hành lang Silguri ở phía Đông”.

Hành lang Silguri (được nhiều nhà phân tích gọi là “Cổ gà”) là một dải đất hẹp nối các bang Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này. Nếu người Trung Quốc chiếm được cao nguyên Doklam, thì trong những sự kiện mang tính thù địch, nước này hoàn toàn có thể “cắt đứt” khả năng tiếp cận 40 triệu dân ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ theo đường bộ.

Năm 1996, Trung Quốc từng sẵn sàng từ bỏ 495km2 yêu sách lãnh thổ ở các thung lũng phía Bắc để đổi lấy 269 km2 lãnh thổ với phần lớn cao nguyên Doklam. Tuy nhiên khả năng thỏa thuận này đạt được trong tương lai gần là rất mong manh khi mà hiện giờ, đối với Thủ tướng đương nhiệm của Bhutan, ông Tshering Tobgay, đây được tính là một khu vực cử tri.

“Cà rốt” kinh tế của Ấn Độ

Vốn có quan hệ lâu dài và sâu sắc với Bhutan nên so với Trung Quốc, Ấn Độ giành được nhiều ưu thế hơn. Điều 2 trong Hiệp ước hữu nghị giữa Ấn Độ và Bhutan (ký kết năm 1949) nhấn mạnh rằng: Về phần mình, Chính phủ Bhutan chấp thuận sự dẫn dắt của Chính phủ Ấn Độ đối với những vấn đề liên quan tới các mối quan hệ bên ngoài.

Ấn Độ là “chỗ dựa” cơ bản của Bhutan trong các vấn đề ngoại giao cho tới khi bản hiệp ước này được sửa đổi vào năm 2007, trong giai đoạn Bhutan chuyển tiếp từ chế độ quân chủ sang chế độ chính phủ nghị viện. Điều khoản này đã được bỏ.

Tuy nhiên, nhìn vào các chuyến thăm của quan chức Ấn Độ tới Thimpu thì nước này vẫn đóng một vai trò đáng chú ý trong các quyết sách của Bhutan liên quan tới các lĩnh vực nhạy cảm trong các vấn đề quốc tế.

Ngày 9/8/2013, ông Shivshankar Menon, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ lúc đó và ngoại trưởng Sujatha Singh đã tới Bhutan để “mừng tân Thủ tướng Tshering Tobgay nhậm chức”.

Nhưng theo Brian Benedictus, chuyên gia Mỹ về chính sách ngoại giao, nhiều khả năng nguyên do thực sự của chuyến thăm là để trao đổi với Thủ tướng Bhutan về các cuộc đối thoại về tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và Trung Quốc khi ông mới nhậm chức.

Ngoài mối quan hệ ngoại giao lâu năm, tính đến thời điểm này, Ấn Độ là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhất của Bhutan, chịu trách nhiệm cho 60% hàng hóa xuất khẩu và 75% hàng hóa nhập khẩu của Bhutan, đồng thời là nguồn viện trợ kinh tế sống còn của đất nước nhỏ bé này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là đòn bẩy mà chính phủ Ấn Độ đã sử dụng trong kỳ bầu cử năm 2013, khi cắt giảm lượng xăng và dầu hỏa trợ giá cho Bhutan, bởi động thái mà New Delhi cho là “Thủ tướng Jigme Thinley thắt chặt quan hệ với Trung Quốc”. Kết cục là chính phủ của ông Thinley đã thất bại trong cuộc bầu cử.

Để cải thiện mối quan hệ, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chọn Bhutan làm điểm công du nước ngoài đầu tiên và tăng 50% mức viện trợ cùng cho vay “làm quà”.

Chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc 

Trong khi chính sách của Ấn Độ đối với Bhutan chủ yếu là “cà rốt” kinh tế (và có thể sẽ có “gậy” khi cần thiết) thì cách tiếp cận của Trung Quốc lại tương tự với chiến lược hiện tại của nước này ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc tuyên bố rằng yêu sách lãnh thổ của mình tại Bhutan dựa trên giá trị lịch sử.

Ngay sau đó, nước này xuất bản một tấm bản đồ trong cuốn sách “Sơ lược lịch sử Trung Hoa” (A Brief History of China) và nói rằng một phần đáng kể của Bhutan là “thuộc Trung Hoa thời tiền sử”. Tới năm 1960, lãnh đạo Trung Quốc lại ra một thông cáo gây lo ngại cho Bhutan có đoạn:

“Người Bhutan, người Sikkim và Ladakh tạo thành một gia đình thống nhất ở Tây Tạng. Họ luôn phụ thuộc vào Tây Tạng và mẫu quốc Trung Quốc vĩ đại”.

Bhutan đã đáp trả bằng cách đóng cửa biên giới, cắt đứt thương mại và tất cả quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sau đó, quân đội Hoàng gia Bhutan ra đời năm 1963.

Tới năm 1966, Trung Quốc đưa gia súc tới chăn thả gần cao nguyên Doklam, với sự hiện diện của Quân giải phóng nhân dân (PLA). Những cuộc đàm phán biên giới bắt đầu năm 1972, với Ấn Độ trong vai trò hậu thuẫn Bhutan. Khi giới chức Trung Quốc tự tin hơn, họ đã bắt đầu loại Ấn Độ khỏi các cuộc đàm phán và thành công năm 1984.

Bắc Kinh muốn sử dụng quyền lực ngày càng gia tăng về quân sự lẫn kinh tế để áp chế các nước nhỏ hơn, một chiến lược mà ngay nay Bắc Kinh vẫn áp dụng.

Gần đây, có những ý kiến cho rằng chiến lược “cắt lát salami” không chỉ được Trung Quốc sử dụng ở các khu vực tranh chấp lãnh hải mà cả ở khu vực biên giới tranh chấp với Bhutan. Năm 1988, PLA vượt qua biên giới và giành quyền kiểm soát thung lũng Chumbi, gần cao nguyên Doklam.

Ngoài ra, còn có thông tin rằng lực lượng PLA đã nhiều lần tiếp cận vùng Đông Bắc Bhutan từ các khu vực Sektang và Pang La, thiết lập các doanh trại quân đội và tiến hành tuần tra. Binh lính Trung Quốc từng đe dọa lính cảnh vệ Hoàng gia Bhutan ở Doklam rằng họ đang đứng trên đất của Trung Quốc, sau đó chiếm đồn của họ trong vài giờ hoặc vài ngày.

Tháng 4/2016, Zhou Gang, cựu đại sứ của Trung Quốc tại New Delhi đã được cử tới Bhutan làm đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc. Ông ta tới Bhutan với một thông điệp thẳng thừng: Nếu muốn dàn xếp tranh chấp biên giới với chúng tôi thì phải cho phép chúng tôi tiến hành chiến dịch của mình ở đây. 

Trong khi Ấn Độ tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiết với Bhutan, đa phần bằng quyền lực mềm, thì Trung Quốc lại có vẻ ưa dùng những hình thức quen thuộc: Liên tục cứng rắn và chiếm đóng lãnh thổ để khiến đối phương mệt mỏi.

Xét theo tình thế hiện tại, dường như Thimpu đang lắng nghe Ấn Độ. Sau chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Bhutan năm 2013, Thủ tướng Tobgay từng xoa dịu nỗi lo của người hàng xóm bằng cách nhấn mạnh: Đất nước ông sẽ không cho phép Trung Quốc mở đại sứ quán trên lãnh thổ.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Tobgay còn nói: “Chúng tôi còn chẳng có quan hệ ngoại giao thì làm sao có thể mở đại sứ quán?”

Lời cam kết ấy đến nay vẫn còn hiệu lực. 

RELATED ARTICLES

Tin mới