Saturday, December 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChạy theo "Một vành đai, một con đường" và cái giá Thái...

Chạy theo “Một vành đai, một con đường” và cái giá Thái Lan phải trả

Chỉ cần nhìn vào những cái Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ và muốn các nước này “rước vào” cũng phải thấy được nhiều điều.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 23/7 có bài viết của nhà báo Laura Villadiego, bình luận những cái giá Thái Lan phải trả trong việc theo đuổi nguồn tiền mặt từ Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nhà báo Villadiego cho rằng, việc chính quyền quân sự Thái Lan thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi về môi trường, hiệu quả và những cái giá lâu dài mà Thái Lan phải trả để cố gắng “hà hơi tiếp sức” cho nền kinh tế đang suy giảm, để bảo vệ vị thế chính trị của mình.

Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung bài báo này, trong đó có sắp xếp lại một số thông tin cho vấn đề sáng rõ, và có vài dòng nhận xét phía dưới.

Áp lực tăng trưởng kinh tế sau đảo chính

Kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2014, 2,8% trong năm 2015 và 3,2% vào năm 2016. Trong những năm tới, nền kinh tế quốc gia này sẽ giữ tốc độ tăng trưởng như trước, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Kinh tế Thái Lan từ 2017 đến 2019 sẽ chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 3,3%, yếu hơn hầu hết các nước Đông Nam Á.

Các học giả và các nhà hoạt động xã hội Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về các dự án đang được chính phủ chấp thuận để duy trì tăng trưởng. Đặc biệt là việc vận dụng Điều 44 Hiến pháp gây tranh cãi.

Điều 44 cho phép chính quyền quân sự Thái Lan vượt qua mọi biện pháp, hàng rào để “cải cách trong bất kỳ lĩnh vực nào”.

Nhà nghiên cứu Somnuck Jongmeewasin, thành viên Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng, thuộc Ủy ban Nhân quyền quốc gia Thái Lan bình luận:

“Từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền, không có bất kỳ sự bảo vệ nào đối với môi trường. Dường như những bước họ đang thực hiện là để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP.”.

Tuy nhiên đối với giới cầm quyền, đó là vấn đề sống còn trong thời kỳ nhạy cảm của Thái Lan sau khi Vua Bhumibol Adulaydej được tôn sùng đã qua đời.

Ông Kan Yuengyong, giám đốc điều hành của Siam Intelligence Unit, một cơ quan tư vấn chuyên về chính trị của Thái Lan, nhận định:

“Quân đội cần thành tích của nền kinh tế để biện minh cho sự tồn tại của họ. Quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 sau nhiều tháng bất ổn chính trị.

Họ đã cam kết sẽ đưa ra một chương trình cải cách để vượt qua khủng hoảng chia rẽ chính trị mà Thái Lan đã rơi vào kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006.”.

Paul Chambers, một chuyên gia về quân đội Thái Lan tại trường Đại học Naresuan, thì cho rằng:

“Chính quyền Thái Lan rất lo lắng về tính hợp pháp. Điều quan trọng đối với họ là cần một kết quả kinh tế tốt. Nếu có kết quả, người Thái có thể chấp nhận tính hợp pháp của họ.”.

Cái phao Trung Quốc

Quan hệ Thái – Trung có lịch sử lâu dài. Các vị vua Thái Lan đã liên tục phải thực hiện chế độ triều cống đối với các hoàng đế Trung Hoa trong nhiều thế kỷ.

Đồng thời cũng có rất nhiều người Hán di cư đến Thái Lan và ngày nay họ chiếm khoảng 10% đến 15% tổng dân số của quốc gia này.

Người Hán nhanh chóng hòa nhập với xã hội Thái Lan, các gia đình người Thái gốc Hán phát triển mạnh, kiểm soát phần lớn nền kinh tế nước này.

Theo Forbes, hầu hết 10 người giàu nhất Thái Lan có gốc Hán, như Dhanin Chearavanont – ông chủ Tập đoàn Charoen Pokphand.

Một trong những ông trùm gốc Hán trở thành chính trị gia Thái Lan là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cho đến nay ông vẫn duy trì được vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trường Thái Lan, dù phải lưu vong từ 2006.

Sau Thế chiến II, Thái Lan được Hoa Kỳ, Nhật Bản và sau này là các cường quốc kinh tế khác đầu tư.

Nhà phân tích Kan YuengYong thuộc Cơ quan tình báo Siam cho rằng:

“Thái Lan chưa bao giờ có chiến lược phát triển kinh tế của riêng mình. Chúng tôi chỉ làm theo hướng dẫn của kẻ khác.”.

Tuy nhiên, áp lực của Mỹ và các nhà đầu tư châu Âu với các nhà lãnh đạo quân sự Thái Lan cần quay trở lại nền dân chủ của chính phủ dân sự đã đẩy Thái Lan tìm đến Trung Quốc.

Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, nhận định:

“Thái Lan đã tiến lại gần Trung Quốc và rời xa Hoa Kỳ, một nước đồng minh hiệp ước, chỉ vì nền chính trị trong nước.

Chính phủ quân sự cần một sự hỗ trợ từ một siêu cường để có được tính hợp pháp và sự công nhận quốc tế.”.

Sự cân bằng giữa lợi ích của Thái Lan trong quan hệ với Trung Quốc là mối quan tâm chính của các học giả và các nhà phê bình, nhất là sau khi Thái Lan bày tỏ sự sẵn sàng củng cố quan hệ quân sự với Bắc Kinh bằng cách mua 3 tàu ngầm trị giá 393 triệu USD mỗi chiếc.

Phá bỏ các hàng rào pháp lý an toàn để có tiền Trung Quốc

Paul Chambers, một chuyên gia về quân đội Thái Lan tại trường Đại học Naresuan, nói:

Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) như được thiết kế cho các công ty xây dựng Trung Quốc. 

Chính phủ Thủ tướng Prayuth đã liên kết EEC với OBOR (Một vành đai, một con đường) của Trung Quốc ngay sau khi ông vừa mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thái Lan đã sẵn sàng để trở thành một mắt xích chiến lược của OBOR, lý do ông Prayuth đưa ra là vì OBOR coi trọng kết nối khu vực.

EEC được thiết kế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi như, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm, thuế nhập khẩu nguyê vật liệu hoặc máy móc cụ thể.

Ngoài ra còn các khoản lợi tức phi thuế như thị thực đặc biệt dành cho “công nhân lành nghề” (Trung Quốc) vào Thái Lan (theo chân dự án).

EEC là một trong những dự án phát triển của chính phủ nhằm mở rộng các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Đông như Chonburi, Rayong và Chachoengsao mà hiện nay đang tập trung vào ngành hóa dầu, điện tử và ô tô.

Theo tờ Bangkok Post, đại diện phía Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm và sẽ gặp các quan chức Bộ Công nghiệp Thái Lan trong tháng tới để thảo luận về mối liên kết giữa đặc khu kinh tế EEC với đặc khu kinh tế Côn Minh, Vân Nam.

Trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc nối Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima vùng Đông Bắc để đến Nong Khai gần biên giới Lào, đầu tháng này Thái Lan đã chấp nhận dành 5,2 tỉ USD để xây dựng dự án này – một trong những mắt xích của OBOR.

Dự án đã bị trì hoãn trong 2 năm do một số trở ngại pháp lý. Cuối cùng chúng được dỡ bỏ trong tháng trước bằng cách sử dụng Điều 44 Hiến pháp.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ lựa chọn các nhà thầu để thực hiện dự án này.

Luật pháp Thái Lan quy định, các kỹ sư nước ngoài muốn có giấy phép làm việc tại các dự án trên lãnh thổ nước này, họ phải trải qua một kỳ thi của Thái Lan, nhưng trong dự án này các kỹ sư Trung Quốc được miễn.

Hơn nữa, việc chính phủ Thái Lan dùng Điều 44 Hiến pháp sẽ cứu dự án này khỏi bị các cơ quan giám sát xem xét kỹ lưỡng theo yêu cầu của luật pháp với các dự án có vốn đầu tư hơn 5 tỉ baht (150 triệu USD).

Những bộ luật được thông qua năm ngoái không đủ đảm bảo cho chính phủ Thái Lan chấp thuận các dự án lớn liên quan đến OBOR ồ ạt đổ vào quốc gia này.

Do đó chính phủ đã ban hành các văn bản pháp quy đặc biệt mới. Trong dự án EEC, chính phủ cho phép các khu công nghiệp mới sẽ bắt đầu hoạt động 1 năm sau khi “trình” báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Chính phủ cũng đã sử dụng quyền lực tuyệt đối của mình để cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhà nghiên cứu Pananond từ Đại hoc Thammasat cho rằng, Thái Lan đang cần nhiều cơ sở hạ tầng tốt hơn cho dù OBOR của Trung Quốc có tham gia hay không.

Nhưng các dự án OBOR là điều chính phủ Thái đang mong muốn, vội vàng thúc đẩy mà không xem xét nghiêm túc các hậu quả của nó.

Sử dụng Điều 44 Hiến pháp vào các giao dịch kinh doanh là rất nguy hiểm, vì cái một nhà đầu tư nước ngoài luôn luôn thèm muốn chắc chắn là tránh sự minh bạch, cũng như khả năng phán đoán xem Điều 44 đồng nghĩa với những gì. 

Trở thành bãi thải công nghệ nhiệt điện chạy than lạc hậu của Trung Quốc

Kanokwan Saeaiaw, một cư dân ở Krabi cho hay, cô hoàn toàn không biết chính phủ đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than ngay gần làng chài Leam Hin, nơi cô sinh sống, cho đến khi cô nhìn thấy nó trên ti vi.

Một vài ngày trước Kanokwan Saeaiaw đã tham dự một sự kiện ở một trường học công lập, nơi người dự được tặng một chiếc áo thun sau khi cung cấp số thẻ căn cước công dân và chữ ký của mình.

Về nhà Kanokwan Saeaiaw mới biết sự kiện này là một phần của cuộc “tham vấn cộng đồng”, để thông báo cho cư dân địa phương về dự án nhiệt điện này.

Một bến tàu gần nhà Kanokwan Saeaiaw sẽ được sử dụng để dỡ than nhập khẩu từ Indonesia và Australia về phục vụ cho nhà máy nhiệt điện này.

Các chữ ký được thu thập để làm bằng chứng nói rằng, dự án nhà máy nhiệt điện đã được giải thích cho người dân. 

Kanokwan Saeaiaw khẳng định, họ không đề cập bất kỳ thông tin nào về dự án, nhà máy điện hay bất cứ bến tàu mới nào khi người ta phát miễn phí áo thun cho người tham dự.

Giống như nhiều dự án đang được thúc đẩy bởi quân đội, nhà máy nhiệt điện chạy than ở Krabi đã được các chính phủ trước đây đề xuất, nhưng việc xây dựng nó luôn bị đình trệ do dân địa phương phản đối.

Krabi đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng du khách sẽ không đến Krabi nếu vùng này bị ô nhiễm bởi nhà máy nhiệt điện chạy than.

Theo Tổ chức Môi trường quốc tế, nhà máy này cũng sẽ tiêu thụ 104.330 mét khối nước mỗi ngày, thải ra 4,1 triệu tấn khí CO2 vào khí quyền mỗi năm, đồng thời phát tán các hạt thủy ngân vào môi trường.

Dự án xây dựng đường sắt cao tốc hay EEC cũng đã nằm trong toan tính của chính phủ nhiều năm qua, nhưng không được phê duyệt.

Chính phủ quân sự Thái Lan bắt đầu mở đường cho các dự án này từ năm ngoái, khi họ ban hành một số quy định “đè lên” các văn bản pháp quy về đánh giá tác động môi trường theo luật pháp và quy hoạch đô thị hiện hành.

Học giả Somnuck Jongmeewasin bình luận:

“Chính quyền quân sự không tuân thủ những điều luật về môi trường yêu cầu với các dự án. Hành động bất hợp pháp này sẽ dẫn đến sự thiếu quản lý về môi trường đất nước.”.

Theo ông, luật mới cho phép chính phủ có quyền chỉ định thầu dự án cho các công ty trước khi báo cáo đánh giá tác động môi trường kết thúc.

Trong khi đó, một nhà thầu cụ thể có thể kiện chính phủ nếu như dự án bị hủy.

Chỉ vài tháng sau, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than đã được giao cho một tập đoàn thành lập bởi Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc và Công ty Phát triển Ý – Thái.

Dân làng địa phương như chị Kanokwan Saeaiaw đã phản đối 2 báo cáo tác động môi trường, một cho nhà máy điện chạy than và hai là các nhà máy khác cho bến tàu được cơ quan chức năng Thái Lan phê duyệt.

Tháng Hai năm nay, Bộ Năng lượng Thái Lan ủng hộ dự án và ra lệnh cho phép bắt đầu xây dựng. Khoảng 200 người dân địa phương bao gồm Kanokwan Saeaiaw đã đến Bangkok để phản đối quyết định này. [1]

Chúng tôi cho rằng, bài viết của nhà báo Laura Villadiego thực sự là một lời cảnh báo cho tất cả các quốc gia mục tiêu của chiến lược Một vành đai, một con đường mà Trung Quốc đang thúc đẩy.

Chưa cần đi sâu phân tích chiến lược này, chỉ cần nhìn vào những cái Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ và muốn các nước này “rước vào” cũng phải thấy được nhiều điều.

Ví dụ công nghệ nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm, bản tin Chuyển động 24h của Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 19/3 năm nay cho biết: “Trung Quốc: Bắc Kinh hoàn tất đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than”. [2]

Để đảm bảo năng lượng, nhiệt điện vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng Trung Quốc không dùng than, mà sẽ dùng khí gas kể từ năm 2016 để giảm ô nhiễm ở Bắc Kinh, theo VOV. [3]

Ví dụ thứ hai là vấn đề quân đội làm kinh tế.

Chính Trung Quốc đang rất nỗ lực ngăn chặn quân đội nước này tham gia các dịch vụ kinh tế thương mại sinh lời để tránh lũng đoạn, tham nhũng và mất sức chiến đấu.

Nhưng với các nước khác, Trung Quốc lại nhiệt tình ủng hộ, chống lưng, đỡ đầu cho các chính quyền quân sự, cho các lực lượng vũ trang nào đang nắm thế thượng phong và có thể phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.

Họ gọi điều này là “không can thiệp công việc nội bộ nước khác”. Nhưng những chiêu “can thiệp mềm” bằng kinh tế và đồng tiền như thế này có tác động rất lâu dài.

Chỉ cần lấy lòng được những người cầm quyền, đặc biệt là chính quyền quân sự, thì những gì người Trung Quốc muốn sau đó đều dễ như trở bàn tay. 

Mọi hàng rào đề kháng, tự vệ của quốc gia hay nền kinh tế sẽ bị vô hiệu hóa trước đồng tiền Trung Quốc, một khi quyền lực đã trỏ thành công cụ của một nhóm người thao túng chính trường.

Do đó, với các nước đang phát triển, các quốc gia mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường muốn độc lập tự chủ thực sự, cần độc lập tự chủ ngay từ tư duy, suy nghĩ và tư tưởng.

Độc lập từ tư duy đã giúp Singapore vẫn chủ động chào đón Một vành đai, một con đường để Bắc Kinh không có cớ gây khó dễ.

Nhưng Singapore biết sử dụng những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những ý đồ có thể làm tổn hại lợi ích của quốc đảo này. [4]

Trong trường hợp Thái Lan, đã có nhiều hàng rào kỹ thuật khá tốt để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng nay đang bị tháo dỡ để đón nguồn tiền Trung Quốc.

Bất cứ ý niệm dựa dẫm vào thế lực ngoại bang nào để duy trì quyền lợi phe phái, có thể đẩy cả một quốc gia rơi vào thế lệ thuộc nước ngoài, độc lập tự chủ chỉ còn là cái vỏ.

Điều đó chẳng phải đáng lể suy ngẫm, trăn trở và tìm cách tránh lắm sao?

Ví dụ như Campuchia, Lào và Myanmar đã tăng trưởng bình quân 6,5% trong 3 năm qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới