Tại khu phi quân sự liên Triều, rất ít dấu hiệu của sự căng thẳng leo thang từ khi Bình Nhưỡng đánh dấu ngày kỉ niệm Quốc khánh Mỹ 4/7 bằng vụ phóng thành công ICBM.
Người đàn ông nhìn qua hàng rào dây thép gai ở gần khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: Reuters
Cổ tích được viết tiếp
Theo Reuters, nửa giờ chạy xe về phía Bắc Seoul, dọc theo tuyến đường cao tốc với những hàng dây thép gai bao quanh, hai trung tâm thương mại có diện tích bằng vài sân vận động bóng đá cộng lại, nằm ngay gần biên giới liên Triều.
Trung tâm thương mại thuộc thành phố Paju, cửa ngõ vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi diễn ra các cuộc thảo luận những vấn đề đình chiến khi hai nước còn đủ thiện chí để trao đổi, điều mà không thể thực hiện trong tình hình bất hòa ngày nay.
“Truyện cổ tích sẽ thành sự thật tại Paju”, là câu khẩu hiệu quảng cáo của Ủy ban Du lịch Hàn Quốc. “Cơn ác mộng” chính là những trận chiến ác liệt nhất xảy ra tại Paju suốt thời kỳ chiến tranh đó. Paju là nghĩa trang duy nhất tại Hàn Quốc chôn cất nhiều binh lính Trung Quốc và Triều Tiên.
Trên tầng áp mái của Trung tâm thương mại Lotte Premium Outlet, mọi người có thể quan sát Triều Tiên dọc sông Imjin qua ống nhòm. Trung tâm thương mại này cũng có khu vui chơi, rạp chiếu phim.
Tại Trung tâm thương mại Shinsegae Paju Premium Outlet, nhiều trẻ em nhảy nhót và reo hò xung quanh đài phun nước vào một ngày hè tháng 7 nóng nực. Cách đó vài dặm là một ngôi làng theo mô hình như trung tâm du lịch Provence của Pháp, nơi những nhà hàng, tiệm bánh và các cửa hàng quần áo được trang trí như trong sách của trẻ em.
Tại một nơi khác ở Paju, trẻ em khắc gỗ thành búp bê Pinochio tại một bảo tàng, trong khi người lớn nếm thử rượu vang làm từ một loại nho dại của Hàn Quốc tên là meoru trong một trang trại.
Ở Paju rất ít dấu hiệu của sự căng thẳng đang leo thang kể từ khi Bình Nhưỡng đánh dấu ngày kỉ niệm Quốc khánh Mỹ 4/7 bằng vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Sau vụ thử tên lửa trên, Seoul và Washington đã tiến hành tập trận tên lửa nhằm đáp trả Triều Tiên.
Tuy nhiên, tại làng Paju Provence, ông Kim Ki-deok 41 tuổi, một nhân viên văn phòng ở phía Nam Seoul nói rằng không hề cảm thấy nguy hiểm khi tới gần khu vực biên giới.
Ông nói: “Nếu Triều Tiên thực sự muốn, họ có thể bắn tên lửa đi xa. Tôi cảm thấy thoải mái và muốn đến đây thêm lần nữa”.
Sự thoải mái thậm chí còn được thể hiện trong trại Bonifas của quân đội Mỹ ở ngoại ô thị trấn, nơi có sân gôn ba lỗ từng được trang Sports Illustrated gọi là “sân gôn nguy hiểm nhất thế giới” vì những cuộc tàn phá do chiến tranh Triều Tiên gây ra tại khu vực này.
Chiến tranh liên Triều kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến mà đến nay vẫn chưa được thay thế bằng một hiệp định hòa bình, nên trên thực tế cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.
Theo Reuters, điều đó có nghĩa, người dân Hàn Quốc từ lâu đã quen sống trong ngày tận thế, khi có đến 10,000 khẩu pháo binh từ phía Bắc chĩa về và bất cứ lúc nào theo lời tuyên truyền từ chính quyền Bình Nhưỡng cũng có thể biến Hàn Quốc thành một biển lửa và một đống tro tàn.
Đối với ông Park Chol-min, nhà sản xuất trò chơi video tại Seoul 30 tuổi, đó chỉ là những lời đe dọa trống rỗng. Ông nói trong một chuyến thăm Trung tâm thương mại Shinsegae: “Đó chỉ là sự khoa trương hoặc thể hiện như vậy. Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ mất nhiều hơn là được nếu biến Hàn Quốc thành một biển lửa”.
Cơ chế phòng thủ
Paju đã thúc đẩy phát triển ngành du lịch liên quan đến Triều Tiên vào những năm 2000, khi mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra chính sách “Ánh dương” nhằm kết nối với Triều Tiên.
Khách du lịch nước ngoài và người dân Hàn đổ xô đến Bàn Môn Điếm để chiêm ngưỡng các đường hầm và những người lính Triều Tiên mặt lạnh như băng đứng canh gác; và đến Công viên Imjingak, có cây cầu Tự do, nơi mà những tù binh được trao đổi khi xưa.
Ngành du lịch tại đây đã có bước nhảy vọt cuối năm 2011, khi hai trung tâm thương mại lớn của hai công ty bán lẻ lớn của Hàn Quốc là Shinsegae và Lotte khai trương. Hơn 12 triệu lượt khách du lịch đã đến hai trung tâm năm ngoái, nhiều hơn cả số dân 10 triệu người của Seoul.
Tuy nhiên, không lâu sau thời điểm mở cửa các trung tâm thương mại, Bình Nhưỡng đẩy mạnh những cuộc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Một quan chức phụ trách về du lịch của Paju nói: “Các cuộc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng không làm ảnh hưởng đến khách du lịch. Nó đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, mặc dù thật buồn khi phải nói như vậy”.
Theo ông Kwak Keum-joo, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, bình thường hóa những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng là một phần của “cơ chế bảo vệ” của người Hàn Quốc.
Ông nói: “Tôi thấy lo ngại về Triều Tiên khi đi du lịch nước ngoài. Nhưng một lần tôi trở về Hàn Quốc và tôi đã quên đi mối lo sợ đó”.
Điều này không thực sự dễ dàng với ông Woo Jong-il, người 74 tuổi sống tại ngôi làng nhỏ Manu-ri phía nam sông Imjin chia hai miền Bắc Nam.
Ông Woo đã xây một cái hầm ở sân sau, một vài người dân tại Manu-ri cũng làm vậy đầu những năm 1970, khi mà đạn pháo từ Triều Tiên đã làm bị thương một số người trong làng và phá hủy một ngôi nhà bên cạnh.
Ông chỉ cho một khách du lịch thấy căn hầm tối chỉ đủ lớn để chứa 7 thành viên gia đình ông và nói: “Thậm chí là bây giờ, tôi không nghĩ điều này là lỗi thời. Tôi thấy lo sợ. Tại sao chúng tôi lại không lo sợ được? Chúng tôi ở ngay biên giới và có thể là những nạn nhân đầu tiên. Nếu mối quan hệ với Triều Tiên xấu đi bất cứ lúc nào, căn hầm này làm tôi thấy yên tâm hơn”.