Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCùng khai thác với TQ trên biển Đông: Philippines có nhiều thứ...

Cùng khai thác với TQ trên biển Đông: Philippines có nhiều thứ để mất

Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu thời gian thực với việc thả hàng chục tàu lặn không người lái xuống biển Đông. Đây có thể là bước đột phá nhằm giúp nước này phát hiện và bám theo các tàu ngầm nước ngoài.

Theo bài phân tích vừa đăng trên tạp chí The Diplomat, ý tưởng cùng khai thác tài nguyên không phải điều mới mẻ trong quan hệ Trung Quốc – Philippines. Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng đề xuất công thức này với chính phủ Philippines ngay từ những năm 1980, như tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines hồi đó (năm 1988) là bà Corazon Aquino.

Không có gì ngạc nhiên rằng ý tưởng Trung Quốc – Philippines cùng khai thác thỉnh thoảng được nhắc lại dù có nhiều trở ngại, ngay cả dưới thời của chính phủ Philippines hiện tại. Dù sao, ý tưởng này cũng có thể mang lại một số lợi ích trước mắt cho cả hai bên.

Đối với Philipines, ý tưởng khai thác chung là một cách để họ bảo đảm an ninh năng lượng. Nhu cầu này đặc biệt bức thiết khi mỏ khí Malampaya – nơi cung cấp gần 1/3 nhu cầu điện cho đảo Luzon, đảo lớn nhất Philippines – sẽ cạn kiệt sau khoảng chục năm nữa, và Manila cũng khó đơn phương khai thác nguồn tài nguyên mới do bị phản đối. Ông Duterte nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây dọa chiến tranh nếu Philippines khai thác dầu khí ở vùng tranh chấp trên biển Đông.

Nói rộng hơn, trong lúc quan hệ Trung Quốc – Philippines gần gũi hơn từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Manila hy vọng có thể thu hút thêm các dự án đầu tư từ Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế, dù dưới dạng thức song phương hay đa phương như sáng kiến Vành đai – Con đường. Đối với Trung Quốc, ngoài được hưởng lợi từ việc một đồng minh hiệp ước của Mỹ thay đổi 180 độ, dự án khai thác chung cũng là cách để Bắc Kinh duy trì quan điểm nhất quyết không chịu thay đổi là họ vẫn có chủ quyền đối với hầu khắp vùng biển Đông khi những nước liên quan khác phải chịu thiệt, trong khi vẫn giữ được một đối tác và thị trường để khai thác tài nguyên.

Trong mắt Trung Quốc, điều này sẽ giúp củng cố ý tưởng rằng hiện nay đang là giai đoạn hạ nhiệt trên biển Đông, để Bắc Kinh có dư địa lớn hơn để cảnh báo các nước liên quan trong khu vực cũng như các nhân tố ngoài khu vực chớ nên chống lại những bước đi của họ trên biển Đông.

Dư vị cay đắng

Việc Trung Quốc – Philippines cùng khai thác trên biển Đông từng được triển khai trước đây với kết quả tiêu cực. Dưới thời cựu Tổng thống Philipines Gloria Macapagal-Arroyo, Công ty dầu mỏ nhà nước Philippines (PNOC) ký thỏa thuận cùng khai thác trên biển với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) năm 2005, nhưng đến năm 2008 phải hủy bỏ. Thỏa thuận được cho là đi ngược lại lợi ích của Manila này bị hủy để đổi lấy các dự án phát triển hạ tầng do Trung Quốc rót vốn cuối cùng bị phanh phui là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Philippines.

Sau bê bối đó, Philippines khó đưa các công ty nước ngoài vào giúp khai thác tài nguyên, một phần do Trung Quốc hăm dọa không chỉ bằng áp lực ngoại giao mà còn dùng tàu ngăn chặn. Ý tưởng cùng khai thác nhanh chóng nhường đường cho những bước đi đơn phương quyết liệt. Phán quyết mang tính lịch sử của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm ngoái tuyên bố chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Theo phán quyết, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines với việc can thiệp vào việc khai thác tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Ông Duterte không phải bà Arroyo. Nhưng dư vị cay đắng của thời kỳ đó vẫn còn. Theo Hiến pháp Philippines, bất kỳ thỏa thuận chính thức nào như cùng chia sẻ tài nguyên hay cùng khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đều là trái pháp luật. Cùng khai thác với Trung Quốc sẽ trái pháp luật nếu liên quan đến vấn đề chủ quyền, và Hiến pháp Philippines quy định nước này phải nắm giữ 60% cổ phần. Với điều kiện này, bất kỳ dự án cùng khai thác nào cũng cần phải luồn lách rất khéo.

Ngoài vấn đề lịch sử, bối cảnh hiện tại cũng không thuận lợi gì. Với việc lạc quan quá sớm về quan hệ với Trung Quốc, chính phủ của Tổng thống Duterte có thể chỉ tự khiến mình dễ bị tổn thương hơn vì họ sẽ chẳng đạt được thỏa thuận tốt nhất với Bắc Kinh, giới phân tích nhận định. Dù giới chức Philippines tiếp tục dẫn chứng những lợi ích tạm thời, như việc ngư dân nước này được Trung Quốc mở vòng vây để vào đánh bắt trong bãi cạn Scarborough hay việc Trung Quốc cam kết sẽ không cải tạo ở đây, nhưng thực tế là những điều này quá nhỏ so với các nhượng bộ mà Philippines chấp nhận, bao gồm việc gác lại phán quyết có lợi cho họ.

Với những điều kiện đó, nếu Tổng thống Duterte tiếp tục với kế hoạch khai thác chung, rất có thể ông sẽ bị dư luận trong nước chỉ trích vì đã thỏa hiệp chủ quyền của đất nước. Vấn đề biển Đông có thể trở thành một yếu tố khiến uy tín của Tổng thống Philippines sụt giảm. Ngoài ra, dù Trung Quốc và Philippines có thể đạt được thỏa thuận ban đầu, nhưng không có gì bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu dài. Kiểu hành xử của Trung Quốc trong những năm qua trên biển Đông cho thấy Bắc Kinh có xu hướng đan xen giai đoạn hung hăng trên biển với giai đoạn lôi kéo, quyến rũ và ép buộc, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như chính trị nội bộ hay phản ứng của khu vực.

Trong bối cảnh đó, ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng làm những việc như thúc đẩy hoàn thành phần khung Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hay tham gia khai thác chung trong giai đoạn họ đang muốn tấn công quyến rũ thì vẫn có rủi ro Bắc Kinh nhanh chóng quay lại cách thức hành xử bắt nạt. Đến nay, Trung Quốc vẫn nói rằng dự án khai thác chung lần trước với Philippines thất bại vì Manila không sẵn sàng hợp tác, nhưng lờ đi những hành động ép buộc, trái pháp luật mà Bắc Kinh đã làm.

Nếu chính trị nội bộ Philippines khiến thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc bị trì hoãn, trong khi Trung Quốc quyết thúc đẩy thì Bắc Kinh có thể dùng sức mạnh quân sự với Manila, dù trực tiếp ở khu vực dự định khai thác chung hay gián tiếp bằng những hành động khác như cải tạo trên bãi cạn Scarborough hay tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông.

Và nếu những công cụ này chưa đủ, Bắc Kinh cũng có thể dùng đòn kinh tế để trả đũa, trong bối cảnh chính quyền Philippines đang ngày càng có quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh từng dùng cách cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010, cấm nhập chuối từ Philippines năm 2012, hay ra tay với các công ty Hàn Quốc gần đây để đáp trả việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

RELATED ARTICLES

Tin mới