Monday, January 6, 2025
Trang chủQuân sựRa đòn táo bạo ở Ukraine, Mỹ chọc vào "tổ kiến lửa"...

Ra đòn táo bạo ở Ukraine, Mỹ chọc vào “tổ kiến lửa” Nga

Đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Ukraine mới đây bất ngờ thông báo, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tích cực xem xét lựa chọn cung cấp vũ khí cho các lực lượng quân sự của Kiev để họ có thể bảo vệ mình trước các đội quân ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Thông tin này nhanh chóng vấp phải phản ứng tức giận của Moscow.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC gần đây, ông Kurt Volker – đặc phái viên mới của Mỹ về vấn đề Ukraine, đã nói Mỹ có thể trang bị vũ khí cho các lực lượng của chính phủ Kiev đang chiến đấu với phe ly khai ở miền đông Ukraine. “Vũ khí phòng thủ – những phương tiện cho phép Ukraine tự bảo vệ mình sẽ thực sự giúp” ngăn Nga đe dọa Ukraine, ông Volker đã không ngần ngại nói như vậy.

Vị quan chức Mỹ cho rằng, động thái cung cấp vũ khí cho Kiev không mang tính khiêu khích. Ông Volker nói: “Tôi sẽ không tiếp tục dự đoán xem chúng ta sẽ đi đến đâu trong chuyện này, đó là vấn đề cần phải được thảo luận thêm và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, tôi nghĩ những lập luận cho rằng đó là hành động khiêu khích đối với Nga hay là hành động giúp Ukraine thêm bạo gan là lỗi thời”.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã kêu gọi cả hai phe đối địch nhau ở Ukraine duy trì thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng Hai năm 2015.

Từng là đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, ông Volker mới được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine từ hồi đầu tháng này.

Mặc dù Mỹ đối đầu gay gắt với Nga về vấn đề Ukraine nhưng lâu nay chính quyền ở Washington vẫn kiềm chế không cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev. Ông Steven Pifer – một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings và từng là Đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời Clinton, cho rằng chính sách trên được thực hiện phần lớn là do Tổng thống Obama phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vì sợ bạo lực leo thang.

Về phần mình, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump bày tỏ rất ít lập trường về vấn đề Ukraine nhưng ông này chưa chính thức loại bỏ khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev. Trong chuyến thăm đến Ba Lan hồi đầu tháng, ông Trump kêu gọi Moscow “chấm dứt các hoạt động gây bất ổn ở Ukraine và các nơi khác”. Trước đó, hồi tháng trước, ông Trump nói với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko rằng, “chúng tôi có liên quan rất nhiều đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Không rõ ông Trump có thực sự có ý định cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine hay không. Nếu có, đây sẽ là bước đi đánh dấu sự thay đổi lập trường hoàn toàn của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine so với thời của ông Obama.

Phản ứng của Nga

Nga đã phản ứng nhanh chóng trước thông tin trên. Điện Kremlin cho biết, viễn cảnh Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev có thể gây bất ổn cho tình hình ở chiến tuyến.

“Chúng tôi đã tuyên bố hơn một lần rằng, bất kỳ hành động làm leo thang căng thẳng… và làm trầm trọng cũng như phức tạp hóa thêm tình hình đều sẽ chỉ đẩy chúng ta ngày một xa khỏi mục tiêu giải quyết vấn đề nội bộ của Ukraine”, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cảnh báo.

Có một nghịch lý là trong khi giới chức ở Kiev ra sức kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí cho họ để chống lại lực lượng ly khai miền đông thì Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hồi đầu tuần này lại lên tiếng chỉ trích gay gắt Nga, cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Kiev kêu gọi Moscow ngừng ngay hoạt động cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Kiev và các đồng minh phương Tây luôn khăng khăng cáo buộc điện Kremlin đưa quân và vũ khí đến hậu thuẫn cho phe ly khai miền đông. Tuy nhiên, Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên.

Ukraine đã phát động một chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine (còn gọi là vùng Donbass) hồi tháng Tư năm 2014, sau khi người dân địa phương từ chối công nhận chính phủ mới ở Kiev. Vào tháng Hai năm 2015, hai bên đối địch trong cuộc xung đột ở Ukraine đã ký thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm thực thi một lệnh ngừng bắn ở vùng chiến sự. Đức, Pháp Nga và Ukraine là thành viên của nhóm Bộ Tứ Normandy. Bộ Tứ này đã giúp đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Donbass. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, thỏa thuận ngừng bắn liên tục bị vi phạm và hai bên thường đổ lỗi cho nhau. Theo Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 10.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine từ năm 2014.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông -Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

RELATED ARTICLES

Tin mới