Friday, December 27, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ “nuôi khói” để thổi lửa

TQ “nuôi khói” để thổi lửa

Căng thẳng và đối đầu giữa hai gã khổng lồ Trung-Ấn đã kéo dài sang tuần thứ 6. Cao nguyên Doklam trên đất nước Bhutan trở thành điểm nóng khi cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc quyết triển khai quân để bảo vệ lợi ích của mình.

Tranh cãi bắt đầu nổ ra khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan. Đội quân này đã phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ cho các chuyến tuần tra biên giới.

Đến ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, xe lu và máy xúc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên. Tại đây họ vấp phải sự phản đối kịch liệt của quân đội Bhutan, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998. Mặc, lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kéo dài chưa có hồi kết.

Từ lâu Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong tranh chấp ở khu vực này. “Việc xây dựng tuyến đường này rõ ràng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho an ninh của chúng tôi”, Ashok Kantha, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Delhi, viết: “Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở ngã ba biên giới và điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến an ninh Ấn Độ khi quân đội Trung Quốc sẽ hiện diện nhiều hơn ở đây”.

Với lo ngại đó, Ấn Độ quyết không rút quân khỏi Doklam, đồng thời điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến Sikkim, gần ngã ba biên giới. Còn Trung Quốc cho rằng, quân đội Ấn Độ đang “xâm phạm lãnh thổ” và yêu cầu họ rút ngay lập tức. Đây không phải là lần đầu hai người khổng lồ châu Á đối mặt với nhau ở biên giới, nơi các vụ đụng độ, xô xát lẻ tẻ giữa biên phòng hai nước vẫn thường xuyên diễn ra. Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1967. Sau đó là thời kỳ căng thẳng, cả hai bên điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987. Nhưng với khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan.

Vùng Đông Bắc Ấn Độ có 8 bang với khoảng 40 triệu dân, nhưng lại là khu vực ít được chú ý ở quốc gia này. 8 bang này chỉ chiếm 25 ghế ở hạ viện, trong khi nền kinh tế khu vực kém phát triển và chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Về địa lý và văn hóa, khu vực này khá tách biệt với phần còn lại của Ấn Độ, khiến vùng Đông Bắc thường được coi là miền đất của các bộ lạc hơn là lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, vùng đất này có tiềm năng về kinh tế rất lớn, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Đây có thể là cầu nối giữa Ấn Độ với Đông Nam Á để trở thành một cửa ngõ giao thương xuyên khu vực, phục vụ cho chính sách Hướng Đông của Thủ tướng Narendra Modi.

Nhưng vấn đề lớn nhất với vùng Đông Bắc chính là các nhóm nổi dậy, ly khai. Lực lượng này đã đối đầu với quân đội chính phủ kể từ khi khu vực này trở thành một phần của Ấn Độ. New Delhi lo ngại rằng, nếu một cuộc xung đột biên giới nổ ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ kiểm soát khu vực “cổ gà” để xúi giục các nhóm nổi dậy Đông Bắc ly khai khỏi Ấn Độ. Còn Ấn Độ hiểu rất rõ các nhóm ly khai này có cơ hội thành công rất cao nếu được sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Sự căng thẳng Trung-Ấn hiện nay không chỉ đóng khung trong quan hệ bộ tam Trung-Ấn-Bhutan.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao Trung Quốc cố tình gây sóng gió khu vực vào lúc này? Theo logic thông thường thì Trung Quốc lại chơi trò tung hỏa mù, dương đông kích tây. Điều này có nghĩa là nước này đang “ủ mưu” làm một cái gì đó ở một nơi khác. Trong những “nơi khác” ấy rất có thể là Biển Đông, là cửa vịnh Bắc Bộ, bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoặc bãi cạn Scarborourgh, Philippines.

Lại cũng có thể là biên giới Myanmar, hay Senkaku trên Đông Hải, hoặc là câu chuyện THAAD tại Hàn Quốc, thậm chí không loại trừ có thể cả ở Đài Loan nữa… Nhớ lại năm 2014, khi kéo giàn khoan Hải Dương- 981 vào khu vực hải phận chủ quyền của Việt Nam, người ta tưởng Trung Quốc cố tình khai thác dầu tại khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nhưng không phải. Tất cả những sự khuấy động đó thực chất chỉ là hỏa mù. Thực chất là Trung Quốc cần một tháng để kéo tên lửa ra các hòn đảo tự tạo thuộc Trường Sa.

Và cú lừa này đã giúp Bắc Kinh thành công.

Khi Hà Nội nhìn đếnTrường Sa thì mọi việc đã rồi. Trung Quốc đã làm xong mọi chuyện trên cả 7 thực thể. Việc cơi nới mở rộng diện tích cũng như việc xây dựng các công trình quân sự, mở rộng, kéo dài đường băng, dựng hanga máy bay, các loại kho tàng, các nhà chứa và bệ phóng tên lửa, các trạm rada… đã hoàn thành và không thể đảo ngược.

Việt Nam và thế giới chỉ còn biết tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng những gì họ vừa tạo ra một cách phi pháp trên các thực thể cưỡng đoạt từ Việt Nam thì không thể biến mất. Mọi thứ trở thành những tài sản của nhà nước Trung Hoa để xác quyết quyền chủ quyền. Từ sau phán quyết của Tòa án quóc tế tại Lahaye, tháng 7/2016, bác bỏ quyền chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc đối với các thực thể thuộc các quần đảo đá trên toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc đã âm thầm rút mọi hoạt động vào bí mật…

Trở lại chuyện nguy cơ chiến tranh Trung-Ấn bùng phát. Về bản chất, Bắc Kinh cần càng nhiều khói hỏa mù càng tốt. Mà ở đâu dính với Trung Quốc, ở đấy đều có khói. Trung Quốc chơi với Nga nhưng vẫn giữ tham vọng giành lãnh thổ ở Siberia, tuy bề ngoài, họ có vẻ là liên minh. Trung Quốc đụng với Nhật và không bao giờ dập tắt mồi lửa chiến tranh với Tokyo. Trung Quốc hành Philippines và “nuôi khói” thường trực ở đấy để thổi thành lửa bất cứ lúc nào. Trung Quốc đô hộ Việt Nam hàng nghìn năm và không lúc nào “buông bỏ” dã tâm thôn tính.

Bây giờ Trung Quốc “giữ khói” trên dọc biên giới với Mianmar để mặc cả sự ổn định của chế độ ở Naypyitaw. Bởi thế nếu có nguy cơ chiến tranh bùng phát trên biên giới Trung-Ấn thì đó là chuyện bình thường. Và phải cảnh giác rằng, Trung Quốc sẽ hành động thực sự ở một nơi khác. Nhưng vì thực dụng nên người Trung Quốc cũng dễ rút dù khi thấy không còn có lợi nữa. Trong lịch sử mấy nghìn năm, Trung Quốc chỉ tự đánh lẫn nhau và họ chấp nhận thua trong mọi cuộc chiến chống ngoại xâm.

 
 
RELATED ARTICLES

Tin mới