Theo nhận định, Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân là để giải quyết hai vấn đề lớn nhất của đất nước: yếu thế hơn về quân sự và lạc hậu về kinh tế. Nhưng trên thực tế, vũ khí khiến cả hai vấn đề này tồi tệ hơn. Vậy điều gì đang thúc đẩy Triều Tiên tiếp tục con đường của họ?
Những đánh giá ban đầu về Bình Nhưỡng cho rằng hiện đi theo con đường “không giống ai” hoặc theo đuổi một ý thức hệ kỳ lạ. Nhưng giờ đây, hầu hết các chuyên gia đều bác bỏ cách giải thích này và cho rằng Triều Tiên đang duy trì được sự tồn tại của mình một cách cẩn trọng.
Mỗi lần thử tên lửa và hạt nhân, gần đây nhất là vụ phóng tên lửa hôm thứ 6 tuần trước với tầm xa ước tính có thể vươn đến bất kỳ mục tiêu nào trên đất Mỹ, cho thấy chiến lược tham vọng của Triều Tiên đã trở nên sáng tỏ hơn.
Triều Tiên gửi đi thông điệp rằng kế hoạch của họ là buộc thế giới phải chấp nhận họ là một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, và hòa giải với Mỹ và Hàn Quốc theo những điều khoản mà Triều Tiên đưa ra, chứ không phải ai khác.
Quan điểm của Triều Tiên là Mỹ một ngày nào đó sẽ phải hiểu rằng Triều Tiên đã trở nên quá mạnh, do đó Washington sẽ phải chấp nhận những điều kiện của Triều Tiên mà gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và rút một phần hoặc tất cả lực lượng quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.
Về sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi đó sẽ được chào đón ở các thủ đô nước ngoài và tại Liên Hợp Quốc.
Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể sẽ không đạt được tất cả tham vọng của mình, nhưng những mục tiêu khiêm tốn hơn như được chấp nhận trên toàn cầu là điều khả thi. Ngay cả khi lãnh đạo Triều Tiên tự đánh giá họ sẽ khó thành công thì họ có thể phán đoán rằng đây là cách duy nhất để nước này tồn tại lâu dài.
Trung Quốc đã từng được Triều Tiên “ngưỡng mộ”?
Chìa khóa để hiểu chiến lược của Triều Tiên có thể nằm trong quá khứ gần đây của một quốc gia hạt nhân khác ở châu Á: Trung Quốc.
Trải qua những giai đoạn lịch sử, trong những năm 1950, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông là một quốc gia có địa vị thấp, bị cô lập và bị Mỹ đe dọa. Đến những năm 1960, Trung Quốc trở thành một nước hạt nhân không được chấp nhận. Bước sang những năm 1970, Trung Quốc trở thành một thành viên được cộng đồng quốc tế chấp nhận, được ngay cả kẻ thù một thời chào đón.
Triều Tiên có vẻ đang đi theo con đường này. Một chương trình hạt nhân có thể đe dọa Mỹ sẽ chỉ là bước đi đầu tiên, và bước đi này có thể đã hoàn thành với những vụ phóng tên lửa trong mùa hè này.
Trung Quốc đã từng chơi với Mỹ và xa lánh Nga. Quy mô và sức mạnh của Trung Quốc phát triển khiến những nước khác không thể làm ngơ. Triều Tiên không có những lợi thế này. Nhưng sự cùng đường của Triều Tiên cũng như sự ám ảnh lâu nay của họ về Trung Quốc có thể khiến Bình Nhưỡng nhìn thấy khả năng đạt được thành công nếu đi theo con đường của Trung Quốc, cũng có thể đây là một sai lầm.
Triều Tiên thường đề nghị Mỹ trao đổi các phái đoàn cấp cao hay thậm chí sử dụng biện pháp ngoại giao thể thao. Đội bóng rổ Harlem Globetrotters đến Triều Tiên năm 2013; cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman nhiều lần đến Bình Nhưỡng. Những hoạt động này dù bị cho là vô nghĩa hay kỳ dị nhưng vẫn gợi nhớ đến chiêu thức ngoại giao bóng bàn mà Bắc Kinh sử dụng cách đây nửa thế kỷ.
Dù ngày nay thật khó có cảnh tượng một Tổng thống Mỹ sẽ bay đến Bình Nhưỡng để bắt tay ông Kim Jong-un và tuyên bố bình thường hóa quan hệ, nhưng trong những năm 1960 cũng không ai nghĩ rằng Tổng thống Mỹ Richard Nixon sẽ đến Bắc Kinh năm 1972.
Điều lý tưởng theo quan điểm của ông Kim là, ông ấy có thể làm theo cách của Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, khi Mỹ xuống nước, dựa trên nền tảng sức mạnh hạt nhân của họ. Chỉ khi đó, nền kinh tế của họ mới có thể bắt kịp các nước láng giềng và lãnh đạo của họ được thừa nhận ở nước ngoài, nhờ đó Triều Tiên mới thấy an toàn.
Một khả năng khác mà Triều Tiên đang theo đuổi là thống nhất bán đảo, các chuyên gia nhận định. Triều Tiên luôn khẳng định quyết tâm thống nhất đất nước và họ vẫn cư xử theo cách đó. Thống nhất bán đảo “là giải pháp lâu dài duy nhất để giải quyết các vấn đề an ninh của chế độ”. Trình độ phát triển kinh tế hơn hẳn của Hàn Quốc so với Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng có ít lý do để tồn tại riêng biệt. Sự khủng hoảng về tính chính danh này gây nguy hiểm không kém sức mạnh quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, thống nhất hai miền không thể đạt được nếu quân Mỹ vẫn hiện diện ở Hàn Quốc, vì thế họ phát triển vũ khí để ép Mỹ phải rời đi.
Dù những mục tiêu đó nghe có vẻ xa lạ đối với người Mỹ, Triều Tiên có thể thấy đó là một phần trong mô hình Trung Quốc từng thực hiện thành công trước đây. Trong nhiều năm, Mỹ công nhận Đài Loan là một chính phủ hợp pháp. Nhưng quan hệ đó thay đổi từ năm 1979 khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và phá vỡ liên minh với Đài Loan.
Triều Tiên có thể đang sử dụng chiêu thức tương tự, là chia rẽ Mỹ với Hàn Quốc.
Mỹ không để Trung Quốc đứng nhìn Triều Tiên
Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự thất vọng và tuyên bố sẽ không cho phép việc Trung Quốc không làm gì để kiềm chế Triều Tiên.
Ông Trump viết trên Twitter hôm 29/7 : “Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Những lãnh đạo ngu ngốc trước đây của chúng ta đã để họ kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm từ thương mại, nhưng họ không làm gì giúp chúng ta đối với Triều Tiên, chỉ nói suông” hay “Chúng ta sẽ không để điều này tiếp tục xảy ra nữa. Trung Quốc có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này!”, ông Trump nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng giờ đây Trung Quốc cần chuẩn bị đón nhận “những biện pháp không thuận lợi trong tương lai gần” từ phía Mỹ.