Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrừng phạt Nga, Mỹ bị đòn “gậy ông đập lưng ông”

Trừng phạt Nga, Mỹ bị đòn “gậy ông đập lưng ông”

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể là con dao hai lưỡi, không những không gây thiệt hại cho Nga, mà còn mang lại bất lợi cho chính Hoa Kỳ bởi sự phản đối của nhiều nước châu Âu.

Trong bài viết mới đây trên tờ National Interest, giáo sư Đại học Georgetown Endzhela Stent nhận định: thay vì gây ra bất lợi cho Nga, dự luật trừng phạt mới của Mỹ lại đem lại những hậu quả không thể ngờ tới đối với Hoa Kỳ.

Nữ giáo sư giải thích: “Nhìn vào tình hình hiện tại, dự luật này không chỉ ảnh hưởng tới Nga, mà còn ảnh hưởng tới cả các công ty Mỹ và châu Âu bởi những hạn chế được quy định trong đó cũng ảnh hưởng tới các dự án năng lượng có liên quan đến các công ty của Mỹ và châu Âu đang hợp tác với các công ty của Nga”.

Đặc biệt, nó còn liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga là “Nord Stream-2” (Dòng chảy Phương Bắc 2). Đức ủng hộ dự án này là bởi đây là cách có lợi nhất đáp ứng nhu cầu của họ đối với khí đốt trong tương lai – bà Stent viết. Hầu hết các đối tác châu Âu của Berlin cũng đưa ra các lựa chọn tương tự.

Hồi tháng Sáu vừa rồi, trong một tuyên bố chung Bộ trưởng Ngoại giao Đức Zigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern đều bày tỏ phản đối các biện pháp trừng phạt mới, họ lưu ý rằng trong tình huống này Washington chỉ đang cố gắng ép châu Âu chuyển sang  mua khí hóa lỏng của Mỹ.

Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề cập đến việc sẵn sàng có phản ứng khẩn cấp đối với lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống Nga.

 Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng của Đức Brigitte Tsipris tuyên bố, rằng biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Bà Stent nhận xét: “Một số quan chức châu Âu đã cảnh báo: nếu Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy dự luật này, EU có thể rà soát lại cơ chế trừng phạt riêng của mình vốn đã được thiết lập cẩn thận cùng với chính quyền Obama – Đối với điện Kremlin thì đây sẽ là một tin tốt”.

Cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều đã thông qua dự luật về trừng phạt Moscow. Hiện Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đặt bút ký, nhưng phần đông tin rằng ông không có sự lựa chọn nào khác. Để đáp trả, Moscow tuyên bố cắt giảm số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga. Washington có lẽ chỉ giữ lại còn khoảng 455 nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước này.

Theo quan điểm của bà Stent, hành động đáp trả của Nga có thể dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt mới và biện pháp đáp trả trừng phạt, và do đó mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục xấu đi. Tác giả đi đến kết luận: “Có lẽ, Nga và Hoa Kỳ hợp tác làm việc ở Syria, nhưng đó sẽ là một trong số ít các khu vực hợp tác còn lại”.

 

 

 
RELATED ARTICLES

Tin mới