Ngư dân Bình Định tiếp tục phản ánh về việc công ty đóng tàu vỏ thép Nam Triệu đã đánh tráo hộp số Nhật bằng hộp số Trung Quốc.
Sáng 3/8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và một số chủ tàu để tiếp tục bàn bạc, thống nhất phương án sửa chữa tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Tờ Thanh niên dẫn phát biểu của ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tại cuộc họp cho biết từ ngày 31/7 đến nay, đơn vị này đã nhận được 5 đơn kiến nghị của các chủ tàu vỏ thép về việc khắc phục các chi tiết trên tàu vỏ thép, trong đó chủ yếu liên quan đến hộp số của máy tàu.
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, Công ty đóng tàu vỏ thép Nam Triệu đã đánh tráo hộp số Nhật bằng hộp số Trung Quốc.
Cụ thể, ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS than phiền về việc lãnh đạo Công ty Nam Triệu không nghiêm túc trong việc thực hiện khắc phục tàu vỏ thép.
Ông Thãi cho biết, các chủ tàu đã kiến nghị nhiều lần với một nội dung là yêu cầu lắp hộp số có tỷ số truyền 4.0, sự chênh lệch giá tiền giữa hộp số Nhật (như trong giá trị dự toán con tàu) và hộp số Trung Quốc (hộp số được lắp trên tàu) là rất lớn, gần 400 triệu đồng, nên Công ty Nam Triệu phải trả lại cho ngư dân.
Khi thay máy chính, hộp số thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, phải là hàng mới, phải thay thế lại trục lắp, trục chân vịt cho phù hợp với các thiết bị trên tàu…
Ông Thãi cho biết, theo báo cáo của Công ty Nam Triệu, 30/8 phải hoàn thành việc sửa chữa tàu. Tuy nhiên hiện nay đã là ngày 3/8 mà chưa thấy động tĩnh gì, còn họp bàn bàn nữa.
“Nếu 30/8 này không xong chúng tôi trả lại tàu cho Công ty Nam Triệu để lấy lại tiền trả nợ cho ngân hàng”, ông Thãi khẳng định.
Thay thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc
Đây không phải là lần đầu tiên các ngư dân than phiền về tình trạng xuống cấp, hư hỏng của các con tàu đóng theo nghị định 67 của Chính phủ.
Trước đó, nhiều ngư dân bức xúc trước việc Công ty Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi tôn đóng tàu vỏ thép. Theo hợp đồng, các tàu này phải được đóng tôn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Tuy nhiên nhiều tàu vỏ thép được phát hiện có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc, một số mẫu thép trên tàu được xác định thành phần hóa học không đạt cấp thép A theo Quy chuẩn Việt Nam. Điều này khiến cho nhiều con tàu vỏ thép vừa đóng mới, đưa vào sử dụng một thời gian đã bị bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Trước tình trạng trên Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các nhà máy hợp đồng với dân phải tháo thép Trung Quốc thay bằng thép Hàn Quốc.
UBND tỉnh Bình Định sau đó cũng yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc đảm bảo thép cấp A và các chỉ số cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép đối với các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc.