Bản tin Biển Đông ngày 08/08/2017.
Thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong: Philippines nên tiến hành hay không?
Ngày 7/8, Business Mirror đăng bài viết “Khoan hay không khoan” của Nhóm Biên tập tạp chí Business Mirror.
Nhóm tác giả bày tỏ sự đồng tình với suy nghĩ và mong muốn của ông Manuel V. Pangilinan, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Philex về việc triển khai dự án thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong cũng như kêu gọi Chính phủ Philippines cho phép tiếp tục các hoạt động khoan và thăm dò dầu khí bị ngưng trệ năm 2015 ở các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Bài viết đề cập tới một số những lo ngại cho rằng Trung Quốc có thể sẽ gây khó dễ cho Tập đoàn vì nước này cũng đòi hỏi quyền lợi tại Bãi Cỏ Rong dựa trên yêu sách phi lý “Đường chín đoạn”. Ngoài ra, để triển khai trên thực tế thì không hề dễ dàng vì Chính phủ Trung Quốc vẫn ngang ngược không công nhận Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Bên cạnh đó cũng có những băn khoăn làm sao để Philippines có thể tận dụng trữ lượng dầu khí lớn ở Bãi Cỏ Rong mà không làm bùng phát căng thẳng chính trị với Trung Quốc vì trước đây Trung Quốc đã nhiều lần phản đối kế hoạch thăm dò dầu khí của Philippines ở Trường Sa dù chính họ thì ngang nhiên khai thác triệt để các vùng biển mà Philippines yêu sách chủ quyền. Tuy nhiên, bài viết đã nhắc lại quan điểm của các chính quyền của Philippines trước đây ủng hộ việc tiến hành các hoạt động dầu khí tại khu vực này vì Bãi Cỏ Rong “rõ ràng nằm trong lãnh thổ của Philippines” theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Thêm vào đó, các tác giả cho rằng trong bối cảnh quan hệ Philippines và Trung Quốc đang trên đà tiến triển tích cực, một hoạt động liên doanh với Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) có thể có tính khả thi, mặt khác cũng là nhằm để xoa dịu những căng thẳng chính trị hay tránh những vấn đề chủ quyền đang bế tắc.
Đài Loan tái khẳng định chủ quyền đối với “các đảo” ở Biển Đông
Theo nguồn tin từ Focus Taiwan, ngày 7/8, một ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bộ Ngoại giao Đài Loan đã bất ngờ đưa ra tuyên bố tái khẳng định rằng “các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Đài Loan và do đó Đài Loan cần phải được tham gia vào các cuộc đàm phán về cơ chế giải quyết tranh chấp ở khu vực. Tuyên bố Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định Đài Loan được hưởng quyền đối với “các đảo này và các vùng nước lân cận” “dựa trên luật quốc tế và luật biển”. Focus Taiwan cho hay, Đài Loan đã không có mặt tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại Manila khi khung COC được thông qua và Đài Loan đang lo ngại việc bị tách khỏi mọi cuộc đàm phán về vấn đề Biển Đông do sức ép từ phía Trung Quốc trên bình diện quốc tế. Tuyên bố cũng cho biết “Đài Loan sẵn sàng tham gia đối thoại với các quốc gia liên quan trên cơ sở bình đẳng nhằm cùng tìm cách thúc đẩy hoà bình và ổn định cũng như phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”.
Úc, Mỹ, Nhật kêu gọi ASEAN và Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông “có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý”
Ngày 7/8, hãng ABC News cho biết, sau cuộc gặp giữa bên lề diễn đàn Đông Nam Á tại Philippines, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã ra tuyên bố kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo hướng đảm bảo rằng văn kiện này “sẽ có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý”, đồng thời phản đối mạnh mẽ “những hành động áp đặt đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”. Cụ thể, các Ngoại trưởng cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần thiết lập một bộ quy tắc “có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, hiệu quả và nhất quán với luật quốc tế”. Đồng thời, các Ngoại trưởng đã hối thúc các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng các tiền đồn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp. ABC nhận định, tuyên bố này rõ ràng đang ngầm đề cập đến những hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Trường Sa, bao gồm Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi. Các quan chức ngoại giao Đông Nam Á, trong đó có Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, cũng mong muốn COC sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý. Trong khi đó, một số chuyên gia cho hay khó có khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận việc Bộ Quy tắc có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và như vậy ASEAN có thể sẽ phải chấp nhận cái gọi là “một điều ước quân tử”. Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển, nếu COC chỉ là văn kiện chính trị và không tạo ra bất cứ cam kết mang tính ràng buộc nào đối với “ý định và hành động thực tế” của các bên, thì COC sẽ chẳng khác gì Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đã không ngăn chặn được những căng thẳng leo thang ở khu vực.