Tàu khoan thăm dò dầu khí Deepsea Metro I hiện đã tới vùng biển ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia, theo dữ liệu của hãng Thomson Reuters Eikon thể hiện vào hôm thứ Hai 14/8/2017.
Một quan chức của Repsol hôm 2/8 xác nhận việc đình chỉ hoạt động khoan dầu tại Việt Nam
Tàu nằm trong tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh quanh các hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí ở Lô 136-3, vị trí mà Việt Nam nói là hoàn toàn nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế của mình, còn Trung Quốc cho rằng nằm trong phần biển thuộc đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Hoạt động khoan thăm dò của tàu Deepsea Metro I theo hợp đồng ký với nhà thầu dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại Lô 136-3 đã bị tạm ngưng hồi tháng trước do áp lực từ phía Trung Quốc.
Tàu Deepsea Metro I do hãng Odfjell Drilling Ltd của Na Uy khai thác, đã có mặt tại Labuan vào lúc 9.17 sáng giờ địa phương (01.17GMT) hôm thứ Hai, theo dữ liệu đi lại của tàu bè tại Thomson Reuters Eikon.
Lần cuối cùng tàu này được ghi nhận hiện diện tại địa điểm thuộc Lô 136-3 là ngày 30/7, Reuters nói.
Repsol hồi tháng trước nói việc khoan thăm dò đã tạm ngưng sau khi hãng chi 27 triệu đô la cho các hoạt động tại địa điểm này. Các đối tác cùng khai thác với Repsol tại Lô 136-3 có PetroVietnam, và Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Trung Quốc đã thúc giục việc ngưng ngay hoạt động dầu khí tại địa điểm trên.
Việt Nam chưa bao giờ xác nhận việc có hoạt động khoan thăm dò dầu khí trên hay không, cũng như việc có chuyện tạm ngưng hay không.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong một buổi họp báo định kỳ nói rằng Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động khai thác trong khu vực.
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp biển dâng cao từ năm 2014, khi Trung Quốc từ đầu tháng Năm hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực nằm sâu trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chừng 119 hải lý (221km).
Trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, vị trí hạ đặt giàn khoan Trung Quốc thuộc Lô 143.
Tại Việt Nam đã nổ ra các làn sóng biểu tình kéo dài chống Trung Quốc. Một số cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc hoặc có vốn Trung Quốc tại Bình Dương, Đồng Nai và một số nơi khác đã bị đốt phá.
Làn sóng biểu tình khi đó cũng lan rộng ra các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.