Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBị xóa tư cách, ông Võ Kim Cự không còn là "Nguyên...

Bị xóa tư cách, ông Võ Kim Cự không còn là “Nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh”

Một nhà hoạt động môi trường bình luận với BBC rằng hình thức kỷ luật “xóa tư cách” đối với ông Võ Kim Cự “không dựa trên căn cứ pháp lý.”

Ông Võ Kim Cự (phải) nói chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Quốc hội hôm 20/5/2014

Truyền thông Việt Nam cho hay, ông Võ Kim Cự tiếp tục bị “xóa tư cách” cựu Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015″.

Nguyên nhân là vì “những vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường rất nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền Trung năm 2016”, Quyết định thi hành kỷ luật do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký.

Cùng bị kỷ luật với ông Cự đợt này là ba cựu quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang (bị cảnh cáo), và hai cựu thứ trưởng Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến (cùng bị xóa tư cách).

Việc ‘xóa tư cách’ diễn ra sau khi ông Cự bị cách chức cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hồi tháng Tư và “cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội” hồi tháng Năm.

Trả lời BBC hôm 16/8, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn nói: “Tôi thấy hình thức kỷ luật “xóa tư cách” đối với ông Võ Kim Cự và hai cựu thứ trưởng không dựa trên căn cứ pháp lý và nghe buồn cười.”

“Hình thức xử lý kỷ luật này bắt đầu từ vụ kỷ luật cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hồi đầu năm 2017 và từng gây thắc mắc về căn cứ pháp lý.”

“Lẽ ra một nhà nước pháp quyền thì mọi việc đều phải dựa trên căn cứ pháp lý.”

“Còn đằng này, người ta tước đi những cái chức đã không còn trên thực tế.”

‘Không tương xứng’

“Hơn nữa, hình thức kỷ luật này cũng không tương xứng với những hậu quả của vụ Formosa được xác định là ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân và gây tổn hại môi sinh mà hàng chục năm tới có khi cũng chưa giải quyết xong.”

“Phải mất hơn một năm sau vụ Formosa thì các biện pháp kỷ luật này mới được công bố.”

“Các hình thức kỷ luật trước đó với ông Cự chỉ nêu lý do là vấn đề sức khỏe của ông ấy.”

“Việc kéo dài thời gian công bố mức kỷ luật nếu không phải là sự bao che lẫn nhau thì là năng lực bộ máy có vấn đề.”

Ông Tuấn nói thêm: “Hình thức kỷ luật cho quan chức sai phạm vụ Formosa chưa tới mức xử lý hình sự còn cho thấy sự bất công khi người ta nghĩ đến những nhà hoạt động vì giúp người dân, nạn nhân vụ này mà bị bắt giam, truy tố trách nhiệm hình sự.”

Ông cũng cho hay: “Đến thời điểm này, tôi chưa thấy có dấu hiệu nào ông Cự hoặc những quan chức sai phạm vụ Formosa sẽ bị truy tố.”

“Có lẽ vì nếu mở phiên tòa, công luận sẽ chú ý đến những tư liệu mới xung quanh thảm họa cá chết, ví dụ khuất tất trong việc cấp phép cho Formosa…”

“Vụ kỷ luật quan chức liên quan Formosa quá nhẹ cũng cho thấy dường như những người nắm quyền không chịu sức ép đủ lớn như việc họ có thể bị thua trong một cuộc bầu cử đúng nghĩa.”

“Một khi các hoạt động tố tụng, báo chí chưa được độc lập, sẽ khó buộc được trách nhiệm hình sự cho những quan chức sai phạm.”

“Và vì mức kỷ luật đối với họ không ngăn được những hành vi tương tự tái diễn, chưa có dấu hiệu những vụ như Formosa sẽ không còn xảy ra trong tương lai.”

Hôm 16/8, BBC gọi điện cho ông Võ Kim Cự nhiều lần nhưng không thấy ông bắt máy.

Trước ông Cự, hồi tháng Một, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Theo một cựu quan chức Quốc hội ở thời điểm đó, có lẽ “đây là lần đầu tiên” có hình thức kỷ luật này tại Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới