Theo báo Ấn Độ, chiến trường chính của cuộc đối đầu Trung-Ấn hiện nay không nằm ở Donglang/Doklam mà nằm ở địa điểm cách đó hàng nghìn km – biên giới Ấn Độ – Pakistan.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Ảnh: Xinhua
Vài trò đặc biệt của Uông Dương
Dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị Đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ lần đầu tiên (19/7), đi thăm các nước Nam Á như Pakistan, Nepal (13-16/8), Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương liên tục đóng vai trò quan trọng trong các sự vụ ngoại giao của Bắc Kinh gần đây.
Đặc biệt, do trùng với kỳ nghỉ dưỡng tại Bắc Đới Hà, đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khác ít lộ diện nên những hoạt động công khai của Uông Dương càng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Giới phân tích đánh giá, trong bối cảnh tranh chấp biên giới Trung-Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuyến đi Nam Á cho thấy ông Uông đang “gánh vác” trách nhiệm quan trọng trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng này của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một số ý kiến đặt câu hỏi để giải quyết khủng hoảng Trung-Ấn, tại sao Bắc Kinh lại cử Uông Dương mà không phải Ngoại trưởng Vương Nghị – người đứng đầu ngành ngoại giao nước này?.
Theo đó, Uông Dương là một trong bốn Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, chịu trách nhiệm một số lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi, thương mại, du lịch… Đồng thời, Uông Dương còn là một trong bốn tổ phó của nhóm lãnh đạo công tác thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường mới được thành lập.
Hơn nữa, chuyến công du hai nước lần này của Uông Dương đều liên quan đến phương diện hợp tác kinh tế trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Do đó, nếu để giải quyết cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn hiện nay, Uông Dương là lựa chọn phù hợp hơn Vương Nghị.
Ngoài ra, Uông Dương còn là ủy viên Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, thuộc đội ngũ lãnh đạo quốc gia, trong khi Vương Nghị chỉ là ủy viên trung ương ĐCSTQ. Theo đó, Uông Dương vừa có thể đại diện cho tiếng nói của Trung Quốc vừa có quyền quyết định các chính sách ngoại giao.
Đáng chú ý, tại khu vực Nam Á hiện nay, Pakistan được coi là một “trợ thủ” đắc lực của Trung Quốc, cũng là một mắt xích quan trọng trong bài toán kiểm soát Ấn Độ của Bắc Kinh. Ngoài việc củng cố hợp tác kinh tế, chuyến thăm Pakistan của ông Uông còn xuất phát từ nguyên nhân Bắc Kinh-Islamabad thảo luận đối phó tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Với Nepal – quốc gia thân cận với Ấn Độ, chuyến công du của Uông Dương chính nhằm lôi kéo nước này về với Bắc Kinh.
Cao nguyên Doklam không phải chiến trường chính?
The Economic Times (Ấn Độ) ngày 16/8 đăng tải bài xã luận phân tích, “tham vọng của Trung Quốc không nằm ở cao nguyên Doklam, mà thực tế Bắc Kinh mượn cuộc đối đầu ở Doklam để bảo toàn khối tài sản chiến lược lớn nhất của mình: Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan”.
“Dường như Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự… Một cuộc chiến như vậy sẽ gây tốn kém nhiều chi phí quân sự, ngoại giao, kinh tế”, báo Ấn nhận định, Trung Quốc chỉ muốn thông qua xung đột hiện tại để làm suy yếu ưu thế quân sự của New Delhi.
Tờ này cho rằng, cao nguyên Doklam chỉ là một chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh cố ý kéo dài giằng co với Ấn Độ ở Doklam chính là buộc quân đội Ấn Độ san sẻ lực lượng từ biên giới Ấn Độ – Pakistan tới Doklam, qua đó giảm bớt áp lực của New Delhi với hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan.
The Economic Times chỉ ra, hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan kết nối khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) với cảng Gwadar (Pakistan), thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu và khí đốt, giúp Bắc Kinh có nhiều phương án lựa chọn hơn ngoài các tuyến đường thương mại chính đi qua eo biển Malacca và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, hành lang kinh tế này cũng giúp Trung Quốc tiếp cận nhanh hơn, tiết kiệm chi phi đi lại hơn khi thâm nhập vào thị trường châu Á, châu Phi, thậm chí cả châu Âu.
Ngày 14/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa hai nước và đạt được sự đồng thuận chung.
Báo Ấn cho rằng, việc Ấn Độ hiện nay phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là “nỗi đau lớn nhất” giữa Bắc Kinh và New Delhi nên đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu Trung-Ấn ở Donglang/Doklam.
Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới công khai phải đối sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bởi dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan thuộc sáng kiến trên đi qua khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir – lãnh thổ mà cả Ấn Độ và Pakistan cùng tuyên bố chủ quyền.