Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/08

Bản tin Biển Đông ngày 18/08

Bản tin Biển Đông ngày 18/08/2017.

Trung Quốc nhanh chóng khởi động mùa đánh bắt cá sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

Ngày 17/8, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đã cho phép khởi động mùa đánh bắt cá ở Biển Đông vào ngày 16/8 ngay sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè năm nay. Nguồn tin này cho biết các tàu đánh bắt cá đã ồ ạt quay trở lại cảng cá tại Thành phố Quỳnh Hải, phía Nam tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 17/8.

Cựu Thủ tướng Úc John Howard: “không có giải pháp thay thế” đối với các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 18/8, tạp chí The Australian cho biết, phát biểu tại Trung tâm về Các vấn đề công, cựu Thủ tướng Úc John Howard đã bày tỏ lập trường mạnh mẽ của ông về vấn đề Biển Đông và đưa ra dự đoán rằng cuối cùng Úc cũng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu nhằm “giữ thái độ trung lập” trước những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cụ thể ông Howard nhấn mạnh “Trung Quốc đã vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và do đó “Úc cần sẵn sàng có mặt trong các hoạt động tự do hàng hải và sẽ không có giải pháp nào có thể thay thế điều này”. Thêm vào đó, ông còn khẳng định “chẳng có bên nào được lợi nếu như để xảy ra một cuộc xung đột lớn ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ không từ bỏ 1 inch lãnh thổ họ đã giành được, và họ đã giành được quá nhiều”. Khi được hỏi về vai trò của Hải quân Úc trong bất cứ hoạt động tự do hàng hải nào, ông Howard đã bày tỏ lập trường trung lập và cho rằng không nên hối thúc Chính phủ tham gia ngay vào các hoạt động tự do hàng hải nhưng vẫn cần xác định thời điểm nào có thể tham gia với Mỹ để qua đó thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016.

Bắc Kinh lại làm nóng Biển Đông lần nữa        

Ngày 18/8, trang Lowy đăng bài viết “Bắc Kinh lại làm nóng Biển Đông lần nữa” của TS. Euan Graham, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế, Viện Lowy. Liên quan đến những thông tin mà gần đây báo chí và truyền thông Philippines đã đưa về việc ngày 15/8, tàu khu trục Hải quân Trung Quốc và các tàu tuần tra nước này đã tới rất gần Đá Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát ở Trường Sa, ông Graham nhận định, dù các bên tranh chấp ở Trường Sa đã chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc mà họ chiếm đóng nhưng sự hiện diện của hải quân và các lực lượng bán quân sự như thế này cho thấy một “sự gây hấn lớn”, “hoàn toàn trái ngược với những phát biểu chính thức của Trung Quốc rằng Biển Đông đang có một thời kỳ tương đối yên bình sau khi thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Bắc Kinh và ASEAN”. Theo Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS), Bắc Kinh đang gây áp lực quanh Đá Thị Tứ nhằm cưỡg chế, ngăn cản Philippines tiến hành sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng theo kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, ông Graham cho rằng vẫn có một khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị phong tỏa hoặc thậm chí hạ cánh xuống một hoặc nhiều cấu trúc chưa được chiếm đóng ở Biển Đông. Một trong những cấu trúc đó có thể là Đảo Sơn Ca, một điểm chiến lược mới được biết đến sau khi Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động hàng hải do tàu USS Lassen thực hiện ở khu vực Đá Subi vào tháng 10/2015. Theo ông Graham, hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Đá Thị Tứ không chỉ đáng lo ngại vì tính cưỡng chế của nó mà còn vì nếu mục tiêu của nó là Đảo Sơn Ca, thì đó sẽ là một sự leo thang đáng kể trong căng thẳng ở Biển Đông.

Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á xác nhận đội tàu Trung Quốc đã hiện diện gần Đá Thị Tứ

Ngày 17/8, Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) công bố một số hình ảnh vệ tinh để làm sáng tỏ về những thông tin mà Nghị sỹ Philippines Gary Alejano nói rằng các tàu Trung Quốc, bao gồm các tàu ​​đánh cá, tàu tuần tra và tàu hải quân hoạt động trong phạm vi 1 đến 3 hải lý của Đá Thị Tứ hiện đang do Philippines kiểm soát, ngăn cản tàu của Cục Thủy sản và Nghề cá Philippines đến gần khu vực vào ngày 13/8. AMTI nhận định, sau sự kiện này, có thể Chính quyền Philippines sẽ cảm thấy cần phải gấp rút triển khai kế hoạch sửa chữa và nâng cấp đường băng ở Đá Thị Tứ.

Những hình ảnh AMTI cung cấp cho thấy vào ngày hôm đó, có 9 tàu đánh cá của Trung Quốc và 2 tàu hải quân/ tàu chấp pháp đang ở gần Đá Thị Tứ với các tàu khác, dù không xác định được tàu nào có liên quan đến hải quân. Ngoài ra dường như cũng có một thuyền đánh cá của Philippines neo gần những bãi cát trống, có thể được điều từ Đá Thị Tứ để xác minh sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực. Các tàu cá của Trung Quốc đều nằm cách Đá Thị Tứ từ 1 đến 5 hải lý, trong khi tàu tuần tra quân sự/ hành pháp gần nhất cách cấu trúc này khoảng 3,6 hải lý, cách Đá Subi khoảng 9 đến 14,25 hải lý về phía Tây Nam.

AMTI cho rằng, tạm thời có thể chưa phải xác định xem liệu tàu Trung Quốc có quyền đánh cá hợp pháp trong phạm vi 1 hải lý của Đá Thị Tứ hay không, nhưng chắc chắn hành động của Trung Quốc là “cực kỳ khiêu khích” và đi ngược lại tất cả những gì mà Trung Quốc vẫn thường tuyên truyền về cái gọi là “một hiện trạng mới có lợi cho cả hai”. AMTI còn tiết lộ rằng Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn nắm được và đã cho phép các hoạt động này của tàu hải quân, tàu chấp pháp cùng lực lượng ngư dân, khẳng định với số lượng và sự phối hợp rốt ráo của các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển cho thấy rằng việc này đã được tổ chức có mục đích trước và không chỉ là một phản ứng tạm thời của các tàu Nhà nước trong khu vực. Theo AMTI, nguyên nhân của hoạt động “đột ngột và khiêu khích” này của Trung Quốc xuất phát từ việc Bắc Kinh muốn ngăn cản Manila tiến hành xây dựng trên Đá Thị Tứ, khi mà trước đó Chính phủ Philippines đã tuyên bố kế hoạch chi khoảng 32 triệu USD cho việc nâng cấp và sửa chữa lâu dài các đường băng.

RELATED ARTICLES

Tin mới