Bản tin Biển Đông ngày 21/08/2017.
Nhật Bản tuyên bố cung cấp 500 triệu đô-la Mỹ cho các nước ở Biển Đông
Ngày 18/8, trang IHS Janes cho hay, ngày 17/8, tại một buổi họp báo chung diễn ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ, với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono khẳng định Nhật Bản sẽ cung cấp các gói hỗ trợ quân sự và an ninh cho các nước láng giềng, trong đó có các nước ở Biển Đông, với giá trị lên đến 500 triệu đô-la Mỹ trong 3 năm. Cuộc họp báo diễn ra sau một cuộc gặp mà tại đó hai bên đã tái khẳng định cam kết đối với quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước.
Anh sẽ thúc đẩy Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông nhằm đưa thông điệp “Brexit” tới thế giới
Ngày 19/8, trang Daily Express cho biết, theo ông Trevor Taylor thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), Bộ Quốc phòng Anh đã bày tỏ mong muốn quân đội Anh sẽ có mặt nhiều hơn trong các cuộc xung đột sau sự kiện “Brexit” nhằm khẳng định nước này sẽ tỏ rõ vai trò “người chơi toàn cầu” đồng thời thắt chặt quan hệ với các nước ngoài EU, trong đó có Úc và Nhật Bản, thông qua việc đưa lực lượng quân đội tới hoạt động tại Châu Á và Biển Đông. Trước đó, trong chuyến thăm tới Úc vào cuối tháng 7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết Anh đã đưa một tàu chiến tới Biển Đông nhằm cho thấy sự ủng hộ của Anh đối với tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang ráo riết củng cố yêu sách ở khu vực
Thẩm phán Philippines Antonio Carpio vạch trần mưu đồ của Trung Quốc nhằm độc chiếm Đá Thị Tứ
Ngày 20/8, trang Inqirer đưa tin, trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19/8, Thẩm phán Toà tối cao của Philippines Antonio Carpio đã hối thúc Chính phủ hành động trước cái mà ông gọi là “âm mưu xâm lược lãnh thổ Philippines của Trung Quốc” khi ông xác nhận rằng đã có một số tàu của Trung Quốc hiện đang “canh giữ” Đá Tri Lễ (Sandy Cay) nằm cách Đá Thị Tứ trên Biển Đông do Philippines chiếm đóng khoảng 4,6 km (2,5 hải lý).
Ông Carpio cho hay các tàu của Trung Quốc đang “nằm hoàn toàn trong 12 hải lý của Đá Thị Tứ và không thể đòi hỏi “quyền qua lại vô hại” hay viện dẫn quyền tự do hàng hải ở Biển cả để nguỵ biện cho sự hiện diện của họ ở khu vực này”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Đá Tri Lễ là lãnh thổ của Philippines, đã bị Trung Quốc thu giữ, hay nói thẳng ra là đã bị nước này tước đoạt”. Ông Carpio cảnh báo, nếu Trung Quốc chiếm đóng thành công Đá Tri Lễ, Đá Thị Tứ sẽ mất đi 1/3 vùng lãnh hải bao gồm Đá Subi và như vậy “Trung Quốc gần như sẽ chiếm thêm một cấu trúc mới trong lãnh hải của Đá Thị Tứ, thuộc lãnh thổ Philippines, một hành động vi phạm rõ ràng ngay chính cam kết mới nhất của Trung Quốc về việc ngừng chiếm đóng thêm bất cứ cấu trúc nào ở Trường Sa” và “điều này còn tệ hơn những gì đã diễn ra với bãi cạn Scarborough”. Ông Carpio đặc biệt muốn lưu ý Tổngg thống Rodrigo Duterte và Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano về cam kết sẽ không để mất “1 inch lãnh thổ” nào cho Trung Quốc và hối thúc rằng “ít nhất những gì họ có thể làm hiện nay là cần phải đưa ra phản đối mạnh mẽ hành động xâm lược này của Trung Quốc”, thậm chí “còn cần phải đưa một tàu Hải quân Philippines để bảo vệ Đá Tri Lễ, và nếu các tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines, các nhà lãnh đạo cần viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines – Mỹ”.
Philippines tiếp nhận từ Mỹ radar khinh khí cầu để kiểm soát biên giới biển và khu vực trên không
Ngày 20/8, trang Rappler đưa tin, Phát ngôn viên Hải quân Philippines Lued Lincuna mới đây cho biết một buổi lễ bàn giao chính thức Hệ thống Radar Khinh khí cầu (TARS) sẽ được diễn ra vào ngày 22/8, một tháng sau khi TARS được chuyển từ Mỹ đến Philippines. Theo dự kiến, Phó Đô đốc Ronald Mercado, người đứng đầu Hải quân Philippines và Phó Đại sứ Mỹ tại Philippines Michael Klescheski sẽ tham gia buổi lễ tại Bộ Tư lệnh Đào tạo và Huấn luyện Hải quân (NETC) ở San Antonio, Zambales, Philippines. Cuối tháng trước, Manila cũng vừa nhận từ Washington hai máy bay trinh sát biển Cessna 208B Caravan. Ông Lincuna cho hay TARS sẽ được dùng để tăng cường khả năng trinh sát, theo dõi và tình báo trên biển của Hải quân Philippines bằng việc theo dõi hoạt động qua lại trên biển và trên không trên các khu vực ven biển của Philippines thông qua các thiết bị cảm biến.