Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 22/08

Bản tin Biển Đông ngày 22/08

Bản tin Biển Đông ngày 22/08/2017.

“Hành vi xâm lược” của Trung Quốc gần Đá Thị Tứ ở Trường Sa?

Ngày 22/8, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Biển Đông: “hành vi xâm lược” của Trung Quốc ở gần Đá Thị Tứ, Trường Sa” của nhà báo Ankit Panda. Qua bài viết, ông Panda cho rằng Chính quyền Philippines cần sớm đưa ra lời giải thích cho những diễn biến liên quan đến một số thông tin gần đây do Nghị sỹ Philippines Gary Alejano và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ Gregory Poling về việc Trung Quốc ngang nhiên điều các tàu hải quân, hải cảnh và tàu dân sự tới Đá Thị Tứ, đối tượng tranh chấp của Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan nhưng hiện do Philippines kiểm soát. Ông Panda nhận định vụ việc vẫn còn rất nhiều điểm còn chưa sáng tỏ từ cả phía Trung Quốc lẫn Philippines do cả hai bên đều chưa đưa ra phản hồi chính thức từ những cáo buộc của ông Alejano mà hiện mới chỉ có Thẩm phán Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio lên tiếng rằng đây là “hành động xâm lược lãnh thổ của Philippines” đối với Đá Tri Lễ (Sandy Cay). Tác giả cũng đặc biệt lưu ý đến những bối cảnh khách quan như ASEAN và Trung Quốc mới ký kết khung dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và chỉ mới chưa đầy một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh để hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị giữa hai bên sau khi Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết ngày 12/7/2016.

Tuy nhiên, ông Panda đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò pháp lý của Đá Tri Lễ, một cấu trúc nằm trong phạm vi 12 hải lý của Đá Subi do nếu Trung Quốc có ý định chiếm đoạt Đá Tri Lễ, đây sẽ là “hành động gây hấn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc ở Trường Sa”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc dù nhất quyết không công nhận Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông nhưng chắc hẳn nước này có thể hiểu được những giá trị pháp lý đem lại từ việc thiết lập quyền kiểm soát Đá Tri Lễ, vì theo Phán quyết thì Đá Subi có thể trở thành điểm cơ sở để xác định lãnh hải của Đá Tri Lễ. Tác giả nhận định những bước đi đầu tiên của Trung Quốc ở Đá Tri Lễ không chỉ dừng lại ở “mặt trận pháp lý” mà còn có thể nhằm thử thách quan hệ với Philippines trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, thăm dò “các ngưỡng phản ứng của Chính phủ Philippines” đồng thời vẫn tăng cường khiêu khích dư luận và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận các vùng biển Philippines yêu sách.

Về phát biểu của Tổng thống Duterte cho rằng hoạt động của Trung Quốc không phải là “hành động xâm lược” và khẳng định “đã gọi cho Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, phía Trung Quốc đã cam kết sẽ không tiến hành xây dựng gì”, ông Panda lo ngại rằng phát biểu này làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, đó là: (i) nếu có một thoả ước như vậy thì tại sao Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không làm rõ thông tin từ đầu tuần trước?, (ii) liệu có phải ông Duterte đã chỉ đạo các tà hải quân Philippines rời khỏi khu vực và cho phép tàu Trung Quốc tiếp cận khu vực Đá Thị Tứ? và (iii) ông Duterte sẽ phải giải thích thế nào về những thông tin nói rằng các tàu đánh cá của Philippines bị ngăn cản tiếp cận các vùng biển mà ông khẳng định Trung Quốc đang tiến hành “tuần tra hữu nghị”?

Tiến sỹ Euan Graham thuộc Viện Lowy cũng khẳng định “Hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra ở Đá Thị Tứ là rất đáng lo ngại vì nó có tính “cưỡng chế”, tuy nhiên, nếu mục tiêu của hoạt động là chiếm Đá Tri Lễ thì thậm chí đó còn là một sự leo thang đáng kể trong căng thẳng ở Biển Đông” và “có vẻ như Trung Quốc đã cố tình chọn thời điểm và địa điểm lựa chọn của mình”. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn giữ im lặng một cách bất thường về các hoạt động của mình ở quần đảo Trường Sa.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng không nên xem sự hiện diện của các tàu của Trung Quốc gần Đá Tri Lễ (Sandy Cay) là “hành động xâm lược”

Ngày 22/8, trang Rappler đưa tin, ngày 21/8, tại Điện Malacanang, khi được hỏi rằng liệu có đưa ra phản đối đối với sự hiện diện của các tàu của Trung Quốc ở Đá Tri Lễ (Sandy Cay) hay không, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng “Vì sao tôi phải bảo vệ bãi cát này và làm hại người dân Philippines vì bãi cát này” đồng thời cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở Đá Tri Lễ, gần Đá Thị Tứ không phải là “hành động xâm lược” mà chỉ là “hoạt động tuần tra”. Ông cho biết ông đã có những thông tin xác nhận về điều này từ Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa và Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc Bắc Kinh sẽ không xây dựng bất cứ công trình nào tại Đá Tri Lễ. Ngoài ra, ông cho hay thông tin nói rằng các tàu Trung Quốc ngăn tàu của Cục Nghề cá và Thuỷ sản Philippines tiếp cận Đá Tri Lễ là không đúng.

Ông cũng khẳng định sẽ không đưa ra phản đối ngoại giao hay viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung với Mỹ khi xảy ra xung đột giữa hai nước như đề xuất của Thẩm phán Toà tối cao Philippines Antonio Carpio. Tổng thống Duterte cho rằng ông Carpio chỉ mới “đang dự đoán” nhưng cảnh báo bất cứ những nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm yêu sách Đá Tri Lễ sẽ dẫn đến đối đầu. Ông khẳng định sự tin tưởng đối với Trung Quốc, miễn là nước này không vi phạm “thoả thuận” giữa hai bên cho phép ngư dân Philippines được đánh cá ở Biển Đông và kiềm chế không xây dựng tại bất cứ cấu trúc nào Philippines đang kiểm soát.

Năm điều quan trọng về hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Đá Thị Tứ

Ngày 21/8, trang GMA News đăng bài viết “Năm điều quan trọng về hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Đá Thị Tứ” của Giáo sư Richard Heydarian, cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS). Về phát biểu mới đây nhất của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano về hoạt động của các tàu Trung Quốc gần Đá Thị Tứ rằng sự việc đã bị phóng đại và cho rằng nhiều khả năng các hoạt động của Trung Quốc là “hoạt động tự do hàng hải”, tác giả bài viết đưa ra 05 vấn đề cần lưu ý: (i) hiệu quả của chính sách đối ngoại “thực dụng” của chúng ta có hiệu quả không kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, (ii) cần nhận thấy rõ mục đích của Trung Quốc và Mỹ khi hiện diện ở Biển Đông là hoàn toàn khác biệt, và Mỹ thông qua các hoạt động Tự do Điều hành Tự do (FONOPs) nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông, của Trung Quốc, đã gián tiếp hỗ trợ Philippines trong khu vực, bởi vì không có quốc gia nào trong ASEAN đủ tiềm lực để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, (iii) Khái niệm về Tự do Hàng không (FON) không áp dụng cho những diễn biến đang xảy ra ở khu vực Đá Thị Tứ vì nếu Trung Quốc đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong lãnh hải của Đá Thị Tứ thì đó là hành động thách thức yêu sách của Philippines ở khu vực, (iv) khái niệm “quyền qua lại vô hại” cũng không áp dụng được do cách duy nhất Trung Quốc có thể biện minh cho sự hiện diện của mình trong lãnh hải của Đá Thị Tứ vì theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, điều kiện tiên quyết khi thực hiện quyền này là sự công nhận chủ quyền của quốc gia ven biển và sự tuân thủ của các bên liên quan đến các lợi ích an ninh của quốc gia này nhưng trong trường hợp này, vẫn còn nghi ngờ liệu Trung Quốc có tuân thủ các điều kiện tiên quyết cơ bản này hay không và (v) đây có thể là một phần của một chiến thuật hăm dọa/bao vây nhằm nhắm đến một đảo khác gần Đá Thị Tứ (chính là Sandy Cay) để biến thành một đảo nhân tạo tương tự như Đá Subi, gây khó dễ cho kế hoạch nâng cấp cơ sở của Philippines ở Đá Thị Tứ.

Cựu Tổng thống Philippines nhắc lại: Philippines cần nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài với Trung Quốc

Ngày 22/8, trang Inquirer đưa tin, trả lời phỏng vấn với các phỏng viên, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho rằng sau khi nước này giành được thắng lợi hợp pháp trong vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, Chính phủ Philippines cần thảo luận với phía Trung Quốc về việc”công nhận” Phán quyết của Toà Trọng tài được đưa ra ngày 12/7/2016. Thẩm phán Toà Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng khẳng định “với vũ khí pháp lý này, Philippines đã giành chiến thắng vang dội trước Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới