Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLực lượng tàu ngầm hạt nhân TQ

Lực lượng tàu ngầm hạt nhân TQ

Trung Quốc là quốc gia đi sau về phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

(1) Tàu ngầm lớp 091 “Hán”; (2) Tàu ngầm lớp 092 “Hạ”; (3) Tàu ngầm lớp 093 “Thương”; (4) Tàu ngầm lớp 094 “Tấn”.

Mặc dù thiếu kinh nghiệm thiết kế, vận hành, tác chiến và các dự án ban đầu gặp nhiều trì hoãn, ngày nay Trung Quốc đã có một số lượng đáng kể tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công

Năm 1974, Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế tàu ngầm lớp 091 (NATO định danh lớp Hán) đầu tiên, đánh dấu việc Trung Quốc tự sản xuất được loại tàu này. Tới năm 1991 đã có 5 tàu được đóng, đến nay còn 3 tàu đang hoạt động tại Hạm đội Bắc Hải. 

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, sau được nâng cấp thêm khả năng phóng tên lửa đối hạm C-801 do Trung Quốc sản xuất, tầm bắn 80 km.

Kể từ khi đưa vào trang bị, tàu ngầm lớp 091 đã tham gia vào một số vụ việc với hải quân các nước tại Biển Hoa Đông. 

Ngày 27-10-1994, một tàu lớp 091 đã bám theo biên đội hàng không mẫu hạm CV-63 do tàu USS Kitty Hawk của Hải quân Mỹ dẫn đầu cách đảo Kyushu (Nhật Bản) khoảng 100 km, có lúc chỉ còn cách tàu Kitty Hawk 30 km. 

Ngày 10-11-2004, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản được đưa vào tình trạng báo động khi một tàu lớp 091 bị phát hiện tiến vào lãnh hải nước này.

Tàu ngầm lớp 091 được cho là có độ ồn cao ngang với những tàu ngầm của Liên Xô (trước đây) và Mỹ sản xuất từ thập niên 1970, khó có thể lẩn tránh trước các biện pháp phát hiện tàu ngầm hiện đại. 

Ngoài ra, tàu còn có điểm yếu ở khả năng chống rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng. Sau nâng cấp, tàu được thay thế hệ thống điện tử và được đắp thêm một lớp ốp chống phản xạ âm giúp giảm khả năng bị phát hiện. 

Dù vậy với vũ trang yếu, tàu ngầm lớp 091 khó có thể đương đầu với các tàu chiến, tàu ngầm hiện đại của các nước trong khu vực. Đối tượng mà lớp tàu này hiện nay có thể đe dọa là các tàu vận tải, hậu cần không có hộ tống.

Trước sự lạc hậu nhanh chóng của tàu ngầm lớp 091, trong giai đoạn 1980 – 1990, Trung Quốc cho ra đời tàu ngầm lớp 093 (NATO định danh lớp Thương). Hai tàu được hạ thủy lần lượt vào năm 2002 và 2003. Tính đến năm 2017 đã có 6 tàu lớp 093 được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc.

Theo báo cáo về quân đội Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ, các tàu ngầm lớp 093 được hạ thủy từ năm 2013 đến nay đã được nâng cấp. 

Phiên bản 093G đang trong quá trình chạy thử có khả năng phóng tên lửa đối hạm YJ-18, tốc độ tối đa Mach 3 (1.020 m/s), tầm bay tối đa 200 – 300 km hoặc tên lửa hành trình CJ-10 có tầm bay trên 1.500 km. Sau nâng cấp, các tàu lớp 093G được kỳ vọng sẽ là đối trọng với các tàu ngầm lớp Los Angeles cải tiến, lớp Virginia của Mỹ và lớp Yasencủa Nga.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo

Năm 1981, tàu ngầm lớp 092 (NATO định danh lớp Hạ) được hạ thủy, tuy nhiên việc phóng tên lửa đạn đạo JL-1 từ tàu ngầm đến năm 1988 mới thành công. Dù chưa từng ra khỏi lãnh hải Trung Quốc, tàu ngầm lớp 092 mang tính biểu tượng quan trọng vì nó thể hiện lần đầu tiên nước này có khả năng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm. 

Tháng 3-2007, Tạp chí Seapower dẫn nguồn tin của Phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho rằng, khả năng thực tế của tàu ngầm lớp 092 rất hạn chế vì tên lửa đạn đạo JL-1 chỉ có tầm bắn 1.770km, các nhược điểm về độ ồn và rò rỉ phóng xạ vẫn tồn tại.

Từ thập niên 1980, Trung Quốc đặt yêu cầu thiết kế một lớp tàu ngầm tiên tiến hơn lớp 092, chú trọng khả năng mang các tên lửa đạn đạo hiệu quả hơn.

Tàu ngầm hạt nhân mới lộ diện trước dư luận lần đầu qua một bức ảnh chụp từ vệ tinh dân sự năm 2006. Được gọi là lớp 094 (NATO định danh lớp Tấn), tàu có kích thước lớn hơn lớp 092 và được thiết kế dựa theo lớp 093. 

Vũ khí chính của tàu 094 bao gồm 12 tên lửa JL-2 có tầm bắn 7.400 – 8.000 km. Cho đến năm 2016, 4 tàu ngầm lớp 094 đã được đưa vào hoạt động. 

Mặc dù là một bước tiến lớn về công nghệ so với tàu ngầm lớp 092, tàu ngầm lớp 094 vẫn được cho là có độ ồn cao. Chuyên gia phân tích về vũ khí hạt nhân Han M.Kristensen của Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho rằng, tàu ngầm lớp 094 có độ ồn tương đương với tàu ngầm lớp Delta của Hải quân Liên Xô đóng từ những năm đầu thập niên 1970.

Kích thước của tên lửa đạn đạo cũng làm các tàu lớp 092 và 094 không có hình “giọt nước” như các tàu ngầm hiện đại mà phải mang một “cái bướu” để đủ chỗ chứa các ống phóng tên lửa giống tàu ngầm lớp Delta; điều này góp phần làm tăng độ ồn của tàu khi di chuyển dưới nước.

Kế hoạch tương lai

Nhận thấy các nhược điểm của mình, Hải quân Trung Quốc đặc biệt chú trọng việc nâng cấp các tàu ngầm hiện có và nghiên cứu các công nghệ để tăng tính hiệu quả cho các tàu ngầm tiếp theo. 

Trang mạng Sputnik dẫn lời Chuẩn đô đốc Mã Vi Minh của Hải quân Trung Quốc rằng, họ đã chế tạo thành công một “hệ thống đẩy bằng điện năng tích hợp” (IEPS) giúp giảm đáng kể độ ồn của tàu ngầm.

Kể từ năm 2009, các báo cáo đã khẳng định sự tồn tại của dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp 095 (NATO định danh lớp Tùy), được cho là có độ ồn giảm đáng kể so với lớp 093. Tàu dự kiến được ra mắt vào năm 2020, thuộc biên chế biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.

Dự án tàu ngầm lớp 096 (NATO định danh lớp Đường) được trông đợi sẽ thay thế các tàu ngầm lớp 094. Tàu được cho là có kích thước lớn hơn lớp 094, trang bị đến 24 tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn 10.000 km.

RELATED ARTICLES

Tin mới