Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐối đầu Trung-Ấn được giải quyết, TQ sẽ đi tiếp nước cờ...

Đối đầu Trung-Ấn được giải quyết, TQ sẽ đi tiếp nước cờ nào ở Nam Á?

Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc muốn định hình lại sức mạnh và cục diện địa chính trị tại khu vực Nam Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp hồi năm 2014. Ảnh: PTI/Subhav Shukla

Trong bối cảnh diễn biến xung đột Trung-Ấn ở cao nguyên Doklam leo thang căng thẳng, một câu hỏi liên quan đến cuộc giằng co này cũng được đặt ra: Xung đột Trung-Ấn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ hay sự tái thiết lập đối trọng sức mạnh ở khu vực Nam Á?

Để trả lời vấn đề trên, giới quan sát cho rằng cần chú ý đến những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đối với các quốc gia ở Nam Á trong thời gian vừa qua.

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương tiến hành chuyến công du ba ngày tới Nepal. Trong cuộc hội kiến quan chức Trung Quốc, Tổng thống Nepal Bidhya Devi Bhandari cho biết sẽ tích cực tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Điều này cho thấy, nỗ lực thúc đẩy dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Nepal đã đạt được một số bước tiến triển.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng đã đến thăm Pakistan – một quốc gia có vị thế quan trọng ở Nam Á và có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh. Đương nhiên, Pakistan rất hoan nghênh chuyến thăm của ông Uông và bày tỏ ủng hộ Bắc Kinh trong sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như Hành lang kinh tế trung Quốc-Pakistan.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn bùng phát, thời gian và địa điểm công du của ông Uông cũng trở thành vấn đề được đặc biệt chú ý.

“Điều này dường như chỉ ra rằng, Bắc Kinh mong muốn định hình lại sức mạnh và cục diện địa chính trị tại khu vực Nam Á”, Đa chiều (Mỹ) nhận định.

Trung Quốc tái thiết lập sức mạnh ở Nam Á?

Tờ này cũng cho rằng, về phía Ấn Độ, hành động giúp Bhutan cản trở Trung Quốc xây đường ở khu vực tranh chấp – New Delhi xác nhận thuộc chủ quyền của Bhutan – thực tế còn nhằm mục đích ngăn chặn Bắc Kinh thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chiến lược tại khu vực Nam Á.

Những năm gần đây, Ấn Độ liên tục đưa ra cáo buộc Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan và xem việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar là “chuỗi ngọc trai” bao vây New Delhi.

Lần này, Bắc Kinh cử một quan chức chính phủ cấp cao đến thăm Pakistan, Nepal, phản ứng đầu tiên của giới phân tích chính là “Trung Quốc có phải đang dự định sắp xếp lại cục diện Nam Á nên mới tăng cường ảnh hưởng tới khu vực này”?.

Ví dụ như ở Bangladesh, bất luận là đề xuất kế hoạch mua tàu ngầm Trung Quốc hồi năm 2013 hay hai bên ký kết hợp đồng đầu tư vay vốn lên tới 20 tỷ USD năm 2016 đều khiến Ấn Độ lo lắng và buộc New Delhi phải tăng cường sự hiện diện ở vịnh Bangal.

Đối với Ấn Độ, Bangladesh hiện nằm trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ nhưng quan trọng hơn, những năm gần đây đối với việc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Nam Á, Bắc Kinh trở nên thận trọng và kiềm chế, không trực tiếp thách thức sức mạnh của Ấn Độ ở khu vực này.

Nhưng sáng kiến Vành đai và Con đường được thiết lập vào năm 2013 vô hình trung lại tác động đến vị trí nhạy cảm nhất của Ấn Độ – khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir – lãnh thổ mà cả Ấn Độ và Pakistan cùng tuyên bố chủ quyền.

Theo giới quan sát, Vành đai và Con đường mặc dù là chiến lược mang tính toàn cầu của Bắc Kinh, không hoàn toàn cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ nhưng New Delhi vẫn tỏ ra vô cùng cảnh giác với sáng kiến này. 

Việc New Delhi từ tối tham dự diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh mới đây là minh chứng rõ ràng nhất.

Tuy nhiên, nếu nói Bắc Kinh vốn không mong muốn cạnh tranh vị thế với Ấn Độ ở Nam Á thì sau khi hai nước bùng phát cuộc giằng co kéo dài trong thời gian dài, rất có khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi chiến lược trước đây của mình – tăng cường sự hiện diện ở Nam Á. Việc này không tránh khỏi sự cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ.

Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng một tuyến đường sắt tới Nepal, nối từ Lhasa (Trung Quốc) tới Kathmandu (Nepal), đồng thời cho vay ưu đãi 200 triệu USD giúp Nepal xây dựng sân bay Pokhara.

Dự án xây dựng cảng Hambantota ở Sri Lanka cũng do người Trung Quốc phụ trách, phần lớn các các gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở Maldives đều thuộc về các công ty Trung Quốc. Đầu năm 2017, công ty năng lượng Himalaya (Trung Quốc) đã thắng thầu khai thác ba mỏ khí đốt tự nhiên ở vùng Đông Bắc Bangladesh.

Giới phân tích nhận định, hiện có lý do để tin rằng, đây chỉ là sự khởi đầu, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy xu thế này ở Nam Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới