Với vi trí chiến lược nằm giữa hai cường quốc đang căng thẳng ở biên giới 3 bên, Bhutan bất ngờ trở thành nhân tố then chốt mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn có được sự hậu thuẫn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên thảo luận của hội nghị cấp cao nhóm BRICS, tổ chức tại Goa, Ấn Độ, tháng 10/2016 (Ảnh: AP)
Chỉ cần cái gật đầu từ Bhutan thì mọi lời cáo buộc về tranh chấp lãnh thổ sẽ có tính thuyết phục cao hơn nhiều. Và dường như chính quyền Bắc Kinh đã dẫn điểm trước New Delhi trong việc chiều lòng Bhutan với đề nghị cung cấp gói hỗ trợ kinh tế lên tới 10 tỷ USD.
Điều này đang khiến cho mối quan hệ giữa Bhutan và Ấn Độ trở nên phức tạp, khi trong quá khứ “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” luôn được biết đến là đồng minh lâu năm của Ấn Độ.
Gói hỗ trợ của Trung Quốc cho Bhutan bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, đầu tư trực tiếp và cả viện trợ tài chính không hoàn lại. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi chính phủ Bhutan đột nhiên trở nên mềm mỏng hơn trong những cáo buộc Trung Quốc vi phạm mốc giới lãnh thổ của nước mình.
Bắc Kinh hi vọng giới chức Bhutan sẽ xuống thang trong tranh chấp lãnh thổ, từ đó loại bỏ sự hiện diện của quân đội Ấn Độ ở cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang) – với tư cách hỗ trợ Bhutan theo thỏa thuận phòng thủ song phương, và chính thức tuyên bố đó là chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.
Kể từ tháng 6 vừa qua, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu tại cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya, sau khi Trung Quốc xây dựng một con đường vào nơi có tranh chấp chủ quyền với Bhutan.
Phát biểu trước các phóng viên Ấn Độ hồi đầu tháng này, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố Bhutan đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng khu vực quân đội Ấn Đội đang chiếm đóng không phải là lãnh thổ của nước mình. Nếu là sự thực, thì đây hiển nhiên là tín hiệu cho thấy quan hệ thân cận giữa Ấn Độ và Bhutan đang có dấu hiệu rạn nứt.
Mặc dù quan chức chính phủ Bhutan ngay lập tức phủ nhận những điều quan chức Trung Quốc tuyên bố, nhưng giới chức New Delhi vẫn có lý do để lo lắng.
Cụ thể, khi tiếp xúc với người đồng cấp Bhutan Damcho Dorji vào ngày 11/8 vừa qua bên lề một cuộc họp khu vực, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã nhắc nhở phía Thimphu không nên quay lưng với Ấn Độ để đi theo Trung Quốc.
Ngoại trưởng Dorji chỉ đáp lại rằng ông hi vọng xung đột giữa Ấn-Trung sẽ được giải quyết 1 cách êm đẹp và hòa bình và từ chối đưa ra lời bình luận liên quan tới Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ thì cả Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt 1 thỏa thuận không chính thức sẽ cùng giảm số quân hiện diện tại khu vực đang tranh chấp theo từng giai đoạn, hướng tới việc rút hết quân vào giữa tháng 9- 10 tới, hoặc chậm nhất vào cuối năm.
Tuy thống nhất như vậy, nhưng sự căng thẳng giữa 2 cường quốc này vẫn thấy rõ khi binh lính hai nước vẫn ném đá vào nhau tại khu vực Kashmir hôm 15/8.
Theo nguồn tin của chính phủ Ấn Độ, hiện có khoảng 320 lính Ấn Độ và 500 lính Trung Quốc tại khu vực tranh chấp và con số này đang giảm xuống. Tuy nhiên, lực lượng lính ở hậu phương sẵn sàng tham chiến lên tới hàng chục nghìn người mỗi bên đang khiến cho cộng đồng quốc tế quan ngại về nguy cơ xảy ra 1 cuộc chiến tranh ở quy mô lớn.