Vụ việc năm 2016 về nghi vấn lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc ở Nam Sudan “bỏ chạy khỏi vị trí phòng thủ” đang nóng trở lại trong dư luận Ấn Độ, khi căng thẳng Trung-Ấn leo thang.
Lính gìn giữ hòa bình Ấn Độ tham gia bảo vệ dân thường ở Juba, Nam Sudan, tháng 7/2016 (Ảnh: India Today)
Trong khoảng 1 tuần qua, các báo cáo liên quan đến vụ xung đột xảy ra từ tháng 7/2016 tại thủ đô Juba của Nam Sudan đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng của Ấn Độ, cũng như mạng xã hội Facebook hay Twitter.
Những chia sẻ dẫn lại báo cáo ngày 1/11/2016 do Liên hợp quốc công bố sau cuộc điều tra đặc biệt về vai trò của lực lượng LHQ trong vụ xung đột ở Juba.
Báo cáo nói, “Lực lượng [gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS)] đã không hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất, dẫn đến nhiều mệnh lệnh, đôi khi là trái chiều nhau, được đưa ra từ 4 lực lượng của Ấn Độ, Ethiopia, Nepal và Ấn Độ. Kết quả là 1.800 lính tại căn cứ của LHQ đã không được điều động hiệu quả.”
“Rối loạn trong phân công, cùng với việc thiếu sự lãnh đạo ở chiến trường, là tác nhân cho màn thể hiện nghèo nàn của các lực lượng quân sự và cảnh sát trong cơ sở của LHQ,” báo cáo viết. “Điều này bao gồm ít nhất 2 trường hợp, trong đó tiểu đoàn Trung Quốc đã bỏ một vài vị trí phòng thủ của họ tại Điểm bảo vệ thường dân (POC) Số 1 trong hai ngày 10 và 11/7.”
Trước đó, một báo cáo từ tổ chức nhân quyền Center for Civilians in Conflict (Civic, một tổ chức bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột, có trụ sở tại Washington, Mỹ), cho biết hơn 100 tay súng đã tấn công căn cứ của LHQ tại Juba ngày 11/7/2016.
Báo cáo của Civic nói rằng, thay vì bảo vệ hàng chục ngàn dân thường đang lánh nạn tại đây, lực lượng UNMISS bao gồm các binh sĩ Ethopia và Trung Quốc lại đã… tháo chạy. Trong khi các binh sĩ Ethiopia được ghi nhận hỗ trợ sơ tán thường dân và có lúc bắn trả, thì các binh sĩ Trung Quốc bị cho là tìm cách thoát thân, bỏ lại vũ khí đạn dược sau lưng.
Cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày, với pháo và súng bắn vào hai căn cứ của LHQ, đã làm 2 lính gìn giữ hòa bình của Trung Quốc thiệt mạng.
Lính Ấn Độ “lấp vị trí” Trung Quốc bỏ lại?
Trong khi thông tin về vụ việc “gây bão” ở Trung Quốc năm ngoái được khơi lại, dư luận Ấn Độ còn phát hiện một thông tin riêng biệt khác liên quan đến hoạt động của quân đội nước này cũng trong sự kiện tại Juba.
Bài báo độc quyền của tờ India Today ngày 14/7/2016, tiêu đề “Quân đội Ấn Độ đã cứu vãn tình hình ở Nam Sudan như thế nào?”, cho biết cuộc tấn công của các tay súng đã ảnh hưởng đến một khu trại của Người tị nạn ngay trên quê hương mình (IDP) ở Juba, khiến họ tìm cách “vượt rào” vào các khu phức hợp của LHQ dành cho cư dân cùng quan chức của tổ chức này.
“Tình hình khá tồi tệ. Chúng tôi nghe thấy tiếng đạn bắn từ trực thăng và xe tăng. Người của chúng ta (Ấn Độ) được đưa vào lực lượng dự phòng ở căn cứ LHQ và được yêu cầu nắm quyền chỉ huy,” một nguồn tin nói với phóng viên kỳ cựu Jugal R Purohit của India Today.
Theo nguồn tin này, các binh sĩ của quân đội Ấn Độ đã thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dòng người tị nạn IDP, sơ tán nhân viên LHQ, gìn giữ an ninh và hộ tống người tị nạn trở về… đồng thời khống chế được khu vực bị đập phá do dòng người tị nạn gây ra, và bảo đảm “các tay súng đã bị quét sạch”.
India Today cho hay, tính đến 14/7/2016, đã có 10 trong tổng số 2.249 nhân viên Ấn Độ hoạt động cho UNMISS bị thiệt mạng. Nội dung bài viết được củng cố bằng một tin ngắn video có tiêu đề “Chiến dịch giải cứu anh hùng của binh sĩ Ấn Độ tại Juba”.
Báo cáo của India Today thời điểm đó không thu hút được nhiều sự quan tâm trong nước, nhưng đã nóng lại trong vài ngày qua do dư luận Ấn Độ “móc nối” nội dung trên với thông tin về biểu hiện của quân đội Trung Quốc, giữa bối cảnh các binh sĩ Trung-Ấn tiếp diễn cuộc giằng co căng thẳng ở cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang).
Ấn Độ đã ghi nhận hơn 140 bài viết của truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ giữa tháng 6 năm nay, mô tả nước này là “kẻ xâm phạm lãnh thổ”, và cảnh báo hậu quả không thể tránh khỏi nếu New Delhi không đơn phương rút quân vô điều kiện khỏi Doklam – nơi Bắc Kinh tuyên bố là “lãnh thổ không tranh cãi”.