Đối đầu Doklam cuối cùng kết thúc đúng vào thời điểm quan trọng đó là Trung Quốc sắp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Điều này cho thấy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn có thể góp mặt tại hội nghị.
Khi sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc vào tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NDTV.
Tờ Washington Post Mỹ ngày 28/8 cho rằng thông tin kết thúc đối đầu ở Doklam đúng vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Một quan chức Ấn Độ cho biết hai bên có cách xử sự “chín chắn”, đồng ý quay trở lại trạng thái trước kia. Học giả Ấn Độ cho rằng hai bên đều ý thức được đối đầu Doklam không phải là vấn đề mà hai bên phải dùng đến súng ống để giải quyết, bởi vì làm như vậy thì quan hệ hai nước sẽ bị hủy hoại trong chốc lát.
Mặc dù nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai bên đã qua đi, nhưng những chỉ trích gay gắt đối với nhau trong thời gian qua giữa hai bên sẽ làm cho quan hệ Trung – Ấn không còn tốt như trước đây.
Theo tờ Thời báo New York ngày 28/8, Ấn Độ đồng ý rút quân là tín hiệu đầu tiên cho thấy cục diện ngoại giao khó khăn nhất giữa Trung – Ấn xảy ra trong gần vài chục năm qua đã bắt đầu dịu đi. Nhưng không rõ quan chức hai nước có đạt được tiến triển về một giải pháp mang tính bền vững hay không.
Bởi lẽ tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm Trung Quốc, tạo thêm động lực cho quan chức hai nước tìm ra giải pháp. Thị trường cổ phiếu Ấn Độ đã có diễn biến tốt hơn sau thông tin rút quân được đưa ra.
Trước đó, báo chí Ấn Độ cho biết Ấn Độ đang tìm Nga làm “người hòa giải” cho Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với vấn đề này, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov ngày 28/8 cho rằng: “Các bạn Trung Quốc và Ấn Độ của chúng tôi hoàn toàn có thể tự giải quyết vấn đề này, hoàn toàn không cần thiết để Nga hòa giải”.
Tờ India Today cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng đạt được thỏa thuận, đã kết thúc trạng thái “không chiến, không hòa” hơn 70 ngày của đối đầu Doklam.
Còn tờ Hindustan Times ngày 28/8 dẫn lời quan chức Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “nhanh chóng rút lui” khỏi Doklam. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại tuyên bố sẽ kiên trì để cho quân đội Trung Quốc tiếp tục tiến hành “tuần tra” tại khu vực này.
Theo tờ Indian Express Ấn Độ, New Delhi từ chối nói về chi tiết thỏa thuận đạt được giữa Ấn – Trung, chỉ cho biết “hai bên đã đạt được thỏa thuận, đã đạt được tiến triển”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ ở lại, “bảo vệ chủ quyền khu vực này”.
Chuyên gia lâu năm của tờ The Times of India ngày 28/8 cho biết “rất vui mừng sự kiện đối đầu được giải quyết tốt đẹp”. Chỗ “tốt đẹp” chính là hai bên không mất đi một binh sĩ nào. Kết thúc sự kiện này có nghĩa là quan hệ Trung – Ấn sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường.
Về khả năng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, phía Trung Quốc cho biết đến nay chưa có thông tin nào cho thấy ông Modi không sang Trung Quốc.
Vào tháng 5/2017, khi Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường”, Thủ tướng Narendra Modi đã không sang tham dự. Thậm chí, Ấn Độ hầu như cũng có một chiến lược mới đối trọng với Trung Quốc, đó là liên kết với Nhật Bản thúc đẩy kế hoạch “hành lang tự do” từ châu Á – Thái Bình Dương mở rộng đến châu Phi.
Khi giải thích nguyên nhân Ấn Độ rút quân khỏi Doklam, tờ The Economic Times Ấn Độ ngày 28/8 cho rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuần tới sẽ đến Hạ Môn tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
New Delhi mong muốn tình hình căng thẳng Trung – Ấn dịu đi. Bởi vì đây có thể là cơ hội gặp gỡ duy nhất trong năm 2017 giữa nhà lãnh đạo hai nước. Các bên có thể đạt được thành quả tích cực trong các nỗ lực đảm bảo cho chuyến thăm này.
Trên thực tế, Hội nghị thượng đỉnh BRICS là một trong những hoạt động ngoại giao “sân nhà” quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2017. Trung Quốc rất kỳ vọng phát huy vai trò trong hội nghị này. Nếu hội nghị này thất bại thì đó cũng chính là một tổn thất rất lớn của ngoại giao Trung Quốc.