Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinVượt trội cả kinh tế và quân sự, TQ đang đẩy Mỹ...

Vượt trội cả kinh tế và quân sự, TQ đang đẩy Mỹ ra khỏi châu Á?

Tốc độ phát triển nhanh chóng cả trên phương diện kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an và có xu hướng xích lại gần Mỹ cũng như Nhật Bản. Song Bắc Kinh đang dùng chính thế mạnh kinh tế để níu kéo.

 

 Thay đổi hiện trạng Biển Đông là một phần trong tham vọng tạo lập trật tự khu vực theo ý của riêng Trung Quốc.

Sự phát triển nhanh chóng năng lực triển khai các lực lượng ra những vùng biển xa của Trung Quốc đã tạo ra tâm lý lo ngại đối với các nước Đông Nam Á. Dù Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là “sự trỗi dậy hòa bình”, tốc độ phát triển nhanh chóng cả trên phương diện kinh tế và quân sự của Trung Quốc không thể làm các nước láng giềng cảm thấy yên lòng.

Theo tạp chí National Interest, Giáo sư Huang Jing tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định, đây chính là lý do khiến các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á. Bởi sự có mặt của Mỹ được xem là phương thức hiệu quả nhằm duy trì cán cân chiến lược trong khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc lại cho rằng, sự có mặt của Mỹ là nhằm tái tạo lập trật tự và an ninh khu vực. Bởi hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến các nước Đông Nam Á tin rằng, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một trật tự trong khu vực theo ý của riêng mình. 

Vậy điều mà Trung Quốc mong muốn có được từ các nước Đông Nam Á là gì? Thứ nhất và quan trọng nhất là Trung Quốc không muốn chứng kiến có một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực đặc biệt là liên minh này do Mỹ dẫn đầu.

Thứ hai, Trung Quốc không muốn chứng kiến tình trạng chia rẽ chính trị và bất ổn ở Đông Nam Á. Bởi trong hoàn cảnh này, các nước trên thế giới như Mỹ sẽ có hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Đông Nam Á.

Theo quan điểm của Trung Quốc, bất cứ sự can thiệp lâu dài nào từ một “thế lực nước ngoài” đối với các nước láng giềng của Trung Quốc cũng được xem là mối đe dọa tiềm tàng.

Và lịch sử đã chứng minh, sự rối loạn chính trị ở Đông Nam Á có thể tạo ra làn sóng phản đối Trung Quốc trong khi những công dân Trung Quốc ở nước ngoài trở thành “người giơ đầu chịu báng” trong cuộc xung đột kinh tế xã hội trong nước. Không chỉ tạo ra thách thức trên mặt trận ngoại giao đối với Bắc Kinh, hoạt động phản đối Trung Quốc ở nước ngoài còn kích động sự phẫn nộ trong xã hội Trung Quốc và từ đó làm ảnh hưởng tới ổn định chính trị trong nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không muốn chứng kiến một Đông Nam Á có nền kinh tế kém phát triển và bị chia rẽ. Bởi với vị thế là người tiên phong thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc mong muốn thu được nhiều lợi ích nhất từ một Đông Nam Á thịnh vượng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã giang rộng cánh tay hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998. Và khi tốc độ phát triển kinh tế khu vực hồi sinh, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác với ASEAN. Cụ thể, trong giai đoạn 2000 – 2015, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 880%.

Thực tế, Trung Quốc không hoàn toàn giành được thiện cảm của cả Đông Nam Á. Bởi ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là ngăn các nước trong khu vực nghiêng về phía Mỹ và Nhật Bản.

Về phần mình, Mỹ cũng không thể chống cự được một cuộc đối đầu quy mô lớn với Trung Quốc nếu như không có quốc gia Đông Nam Á nào sẵn lòng cung cấp một căn cứ bền vững cho hoạt động quân sự của Mỹ.

Việc duy trì vị thế trung lập của Đông Nam Á trong cuộc đua cạnh tranh giữa Mỹ – Trung còn giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế trong khu vực, tạo đà phát triển kinh tế nhanh chóng, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và địa chính trị. Nói cách khác, một Đông Nam Á trung lập và thống nhất về mặt chính trị sẽ phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc. 

Đây cũng là lý do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) nhằm thúc đẩy sự hội nhập kinh tế với Đông Nam Á. Theo ông Tập, chương trình phát triển kinh tế chung thông qua BRI có thể thúc đẩy nền tảng chung giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nơi mà mọi người đều được hưởng nền hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế, các nước Đông Nam Á vẫn chưa tin rằng phương thức tiếp cận của Trung Quốc sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực. Và chính những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã ảnh hưởng lớn tới lòng tin của các nước láng giềng với Trung Quốc. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận rằng đối đầu với một nước lớn như Mỹ sẽ không mang lại lợi ích gì cho quốc gia này. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh có xu hướng sẵn sàng hợp tác với Washington nhưng cùng lúc, Trung Quốc vẫn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Mục tiêu của hành động này không phải là để chuẩn bị để giành ưu thế trong một cuộc chiến mà Trung Quốc muốn chứng minh cho Mỹ thấy cái giá đắt phải trả nếu quyết định đối đầu ở Biển Đông. Từ đó, Bắc Kinh sẽ buộc Washington phải mặc cả thỏa thuận thay vì tiến hành chiến tranh.

Nhưng hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa Mỹ – Trung mà còn cả giữa Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dường như lại bị ràng buộc với Trung Quốc về mặt kinh tế.

Đây là lý do, Trung Quốc muốn duy trì hai cuộc chơi này cùng lúc để ngăn cản “sự toàn cầu hóa” những tranh chấp ở Biển Đông đồng thời thi hành chiến lược hai con đường. Cụ thể, Trung Quốc muốn triển khai phương thức tiếp cận đa phương để giải quyết căng thẳng đồng thời thúc đẩy phát triển chung ở khu vực tranh chấp nhưng vẫn khẳng định chỉ giải quyết tranh chấp chủ quyền theo con đường đàm phán song phương. 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã chứng minh khả năng tạo ra “những quốc gia thân thiện” với Trung Quốc ngay trong khối ASEAN để ngăn ASEAN đưa ra quan điểm thống nhất đối phó với hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Jing, trong hoàn cảnh cán cân chiến lược khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, việc chính sách đối ngoại chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á có đi theo đúng hướng mà Bắc Kinh mong đợi hay không còn là điều quá sớm để kết luận. 

RELATED ARTICLES

Tin mới