20 quả bom hạt nhân B-61 của Mỹ, đang được cất tại một căn cứ quân sự ở miền Tây nước Đức, đã trở thành chủ đề nóng trong cuộc tranh cử trước thềm bầu cử quốc hội Đức vào 9/2017.
Ông Martin Schulz (thời còn làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu) trao đổi với thủ tướng Đức Angela Merkel trong một hội nghị thượng đỉnh của EU tại Brussel. Ảnh: AP
Tuần trước, ông Martin Schulz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) – một ứng viên trong cuộc bầu cử tranh chức Thủ tướng Đức diễn ra vào tháng 9 tới, đã cam kết rằng nếu trúng cử (đánh bại bà Angela Merkel), ông sẽ yêu cầu Mỹ rút hết các vũ khí hạt nhân của họ khỏi lãnh thổ Đức.
Sau lời hứa trên của ông Schulz, phát ngôn viên phó của chính phủ Đức – ông Ulrike Demmer cho biết, chính phủ Đức ủng hộ mục tiêu “số 0 toàn cầu” – tức là thế giới từ bỏ hoàn toàn các vũ khí hạt nhân. Mục tiêu này cũng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều các đồng minh Đức trong NATO và EU.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigma Gabriel cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của ông Schulz về việc Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi Đức.
Bình luận về những phát ngôn trên của các chính trị gia Đức, nhà phân tích Alexander Kamkin (Viện nghiên cứu châu Âu, có trụ sở tại Moscow) trả lời trang Sputnik rằng tinh thần phản chiến ở Đức đang tăng lên là có lý do của nó.
Theo nhà nghiên cứu Kamkin, châu Âu thỉnh thoảng cảm thấy khó hiểu về những phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, cấu trúc của NATO hay việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở chau Âu.
“Những phát ngôn này thể hiện quan điểm đã được định hình của những người Dân chủ Xã hội Đức chứ không hẳn chỉ là một động thái tranh cử. Đó là điều mà rõ ràng họ sẽ cố gắng đẩy mạnh và thực thi cho dù ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của nước Đức đi chăng nữa”, ông Kamkin nói.
Việc yêu cầu Mỹ rút hết vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Đức là một ý tưởng trước đây từng được một số nhà chính trị Đức đưa ra nhưng đã không nhận được sự thấu hiểu của các đối tác xuyên Thái Bình Dương và nó đã trở thành một vấn đề phụ.
“Schulz và Gabriel có thành công trong việc thuyết phục người Mỹ rút các vũ khí của họ hay không, đó vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên đây cũng là một chủ đề cho các cuộc thương lượng và đàm phán chính trị. Tất nhiên, việc đó cũng sẽ giúp thu hút nhiều lá phiếu hơn bởi vì phản chiến đang là xu hướng rõ ràng ở Đức”, Kamkin nhận định.
Sputnik cũng dẫn lời nhà quan sát chính trị Olga Gavrilova cho rằng những phát ngôn chống lại sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ tại Đức có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử sắp tới ở Đức.
“Tất nhiên, có những cử tri Đức không muốn tiếp tục chịu đựng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất nước mình, họ cũng không muốn Đức liên quan tới những cuộc phiêu lưu tiếp theo của Mỹ trên các chiến trường, các cử tri này có thể bị thu hút bởi lời hứa của ông Martin Schulz. Có vẻ ông Schulz đang xây dựng chiến dịch tranh cử bằng những phát ngôn chống Mỹ”, nhà quan sát Gavrilova cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD (Đức), ông Schulz cho biết, ông đang muốn gây sự chú ý đối với các cử tri còn lưỡng lự.
Hiện tại, có khoảng 20 quả bom hạt nhân nhân B-61 của Mỹ được cho là đang được cất giữ tại một căn cứ quân sự ở Buechel, phía Tây nước Đức.
Vào ngày 8/8 vừa qua, Mỹ đã hoàn thành đợt thử nghiệm thứ hai cho phiên bản nâng cấp của bom B-61. Đợt thử nghiệm bom hạt nhân B-61 đầu tiên đã diễn ra vào tháng 3/2017.
Các cuộc thử nghiệm này là một phần của chương trình kéo dài tuổi thọ bom B-61 – loại vũ khí chủ lực của không quân Mỹ.
Vào ngày 24/9 tới, người dân Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội. Sau đó, Quốc hội Đức sẽ lựa chọn Thủ tướng mới, với 2 ứng viên chính là bà Angela Merkel và ông Martin Schulz. Hiện tại, các cuộc thăm dò cho biết ưu thế đang nghiêng về phía bà Merkel.