Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập quân sự liên tục trong 6 ngày, từ 29.8 – 4.9 tại một khu vực rộng lớn trong vùng biển VN.
-
Việt Nam yêu cầu Đài Loan không tái diễn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ
-
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
-
Nhật phản đối giàn khoan Trung Quốc
Ngày 31.8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết trong ngày 31.8, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của VN.
Trước đó, website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29.8 đến 7 giờ ngày 4.9 tại khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o15’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông, 17o15’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông, 16o20’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông và 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông. Ít nhất một phần khu vực có diện tích tương đương 11.000 km2 này nằm hoàn toàn trong vùng biển VN, cụ thể là vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trong đó, vị trí 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông chỉ cách TP.Đà Nẵng khoảng 75 hải lý về phía đông. Thông báo của MSA còn ngang nhiên cấm tàu bè đi vào khu vực rộng lớn nói trên trong thời gian diễn ra cuộc diễn tập phi pháp.
Không những thế, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp trong các ngày 31.8, 1.9 và 2.9, lần lượt tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của VN. Nếu các cuộc tập trận này diễn ra trên thực tế thì đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Vào tháng 10.2016, Trung Quốc cũng từng tiến hành cuộc tập trận 1 ngày ở tây bắc Hoàng Sa, trong khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o50’ vĩ bắc/109o50’ kinh đông, 17o50’ vĩ bắc/110o20’ kinh đông, 17o20’ vĩ bắc/110o20’ kinh đông và 17o20’ vĩ bắc/109o50’ kinh đông. Có thể thấy lần này khu vực tập trận đã di chuyển sâu xuống phía nam, với phạm vi mở rộng gấp 4 lần và kéo dài đến 6 ngày.
Vào tháng 7.2016, ngay trước thời điểm Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan công bố phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về cách diễn giải Công ước LHQ về luật Biển 1982 trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 6 ngày ở phía đông đảo Hải Nam với phạm vi bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa của VN.