Cho dù không có bất cứ tiếng súng nào, song cuộc “chiến tranh” hàng hóa giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng đang trỗi dậy mạnh mẽ là Ấn Độ và Trung Quốc chẳng vì thế mà kém phần nóng bỏng.
Một cửa hàng treo biểu ngữ cam kết chỉ bán hàng hóa Ấn Độ không bán hàng Trung Quốc
Hoạt động tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ đã diễn ra rải rác lâu nay nhưng bùng lên, trở thành làn sóng căng thẳng gia tăng kể từ khi xảy ra đối đầu quân sự dọc đường biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Không chỉ là các cuộc tuần hành, xuống đường…, Hiệp hội Hiệu trưởng trường học Mumbai đã kêu gọi toàn thể các hiệu trưởng và học sinh tại thành phố lớn nhất, được xem là “thủ đô kinh tế” này của Ấn Độ, chỉ mua hàng hóa do Ấn Độ sản xuất, đồng thời tẩy chay hàng hóa Trung Quốc bởi cần thúc đẩy sản xuất trong nước thay vì đóng góp cho kinh tế Trung Quốc.
Không chỉ vấp phải làn sóng phản ứng từ người dân, hàng hóa Trung Quốc nhập vào Ấn Độ cũng phải “vượt ải” khi Ấn Độ trong năm 2017 này đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá nhất trên thế giới với hàng hóa Trung Quốc.
Cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Ấn Độ đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với 93 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấn Độ sau đó lên tiếng bác bỏ bởi cho rằng các biện pháp này thực ra đã có hiệu lực.
Cuộc chiến hàng hóa giữa Ấn Độ và Trung Quốc thực ra đã bắt đầu từ nhiều năm trước, khi cán cân thương mại giữa hai quốc gia này ngày càng nghiêng về phía Bắc Kinh. Con số nhập siêu của Ấn Độ ngày càng lớn bất chấp việc Thủ tướng nước này Narendra Modi từ 3 năm trước (tháng 9-2014) đã phát động sáng kiến “Make in India” (Làm tại Ấn Độ) để thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, một biện pháp tích cực nhằm chống lại hàng hóa “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đang ngày càng tràn ngập thị trường.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc không những không giảm mà liên tục gia tăng trong những năm qua. Nếu như cách đây vài năm, thâm hụt thương mại Ấn Độ – Trung Quốc chỉ khoảng 37,2 tỷ USD/năm thì nay đã tăng lên 52,68 tỷ USD trong năm 2016, số liệu mà New Delhi cho rằng là “con số khổng lồ”.
Đáng nói hơn nữa, những mặt hàng chủ yếu gây ra thâm hụt thương mại Ấn – Trung là hàng hóa công nghiệp nhẹ, lĩnh vực sản xuất thiết yếu nhất và nguồn tạo công ăn việc làm quan trọng bậc nhất của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.
Lý giải vì sao hàng Ấn Độ không thể cạnh tranh về giá cả với hàng Trung Quốc, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Haribhai Parthibhai Chaudhary cho rằng, hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn hàng hóa Ấn Độ là bởi chính sách hỗ trợ không minh bạch, mơ hồ dẫn tới việc bóp méo chi phí của các yếu tố sản xuất.
Giới kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố bảo hộ hàng hóa xuất khẩu như cáo buộc của Ấn Độ thì hàng hóa Trung Quốc vẫn có nhiều lợi thế hơn hàng hóa của Ấn Độ bởi đó là kết quả của bước đi trước của Bắc Kinh hàng thập kỷ trong việc phát triển “đại công xưởng của thế giới”.
Chưa thể đuổi kịp ngay về chất lượng và giá cả, song việc giương cao chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ hàng hóa trong nước, tẩy chay hàng Trung Quốc… khiến cuộc chiến thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ còn tiếp tục nóng bỏng trong tương lai.