Vũ khí Trung Quốc đang bắt kịp Nga về công nghệ và độ tin cậy, Moscow sẽ phải vật lộn để giữ vững vị thế của một nhà xuất khẩu vũ khí.
Phải chăng Nga sắp phải chứng kiến một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu lớn cuối cùng của mình sụt giảm mạnh?
Theo tạp chí Diplomat, báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tương lai của ngành xuất khẩu vũ khí Nga, nó đang bị dồn ép bởi hai bên, một bên là phương Tây và bên còn lại (ngày càng mạnh hơn) là Trung Quốc.
Theo bản báo cáo, vũ khí Trung Quốc đang bắt kịp Nga về công nghệ và độ tin cậy, Moscow sẽ phải vật lộn để giữ vững vị thế của một nhà xuất khẩu vũ khí.
Nga đã kiên trì giữ vững thị phần trong thập kỷ trước, bất chấp một số đình trệ về kỹ thuật và mức độ tinh vi ngày càng tăng của vũ khí Trung Quốc. Tuy nhiên, họ khó có thể đứng vững trong thời gian dài.
Một trong những lợi thế lớn của Trung Quốc nằm ở quy mô khổng lồ và tiềm năng tăng trưởng của ngân sách quân sự. Tốc độ gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua cả tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong hai thập kỷ qua và không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng ấy sẽ thay đổi.
Điều đó khiến nhu cầu vũ khí trong nước của Trung Quốc gia tăng, ngay cả khi họ vẫn tiếp tục (dù không thường xuyên) mua vũ khí Nga.
Trong khi đó, kinh tế Nga nhỏ hơn kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của Nga không tương xứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, và nó đã nuốt gọn một phần đáng kể GDP của Nga. Vì điều này, ngành công nghiệp quốc phòng Nga có rất ít cơ hội tăng trưởng từ nhu cầu nội địa, còn Trung Quốc lại có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất và đổi mới.
Về mặt cấu trúc, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang chuyển mình theo hướng hứa hẹn hơn nhiều so với Nga. Đặc biệt, Trung Quốc có vẻ đang nỗ lực hơn nữa để kết hợp năng suất của nền kinh tế dân sự mạnh mẽ (đặc biệt là công nghệ lưỡng dụng) vào cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Trung Quốc còn cho thấy họ có khả năng lớn hơn Nga trong việc nắm bắt và tích hợp công nghệ của nước ngoài (kể cả Nga) thông qua các phương thức hợp pháp/bất hợp pháp.
Lợi thế của Nga nằm ở lịch sử hoạt động lâu dài với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí. Họ đã xây dựng được mối quan hệ tích cực, bền chặt với nhiều quố gia khách hàng. Tuy nhiên, đây là những khả năng mà Trung Quốc cũng có thể xây dựng được.
Theo nhận định của Diplomat, niềm hy vọng chính yếu của Moscow là bán vũ khí cho “các nước phụ thuộc, cũng như các quốc gia mà Trung Quốc sẽ không cung cấp sản phẩm quân sự vì lý do chiến lược”.