Bản tin Biển Đông ngày 13/09/2017.
Philippines đối mặt với tình hình mới trong quan hệ Mỹ – Phi
Ngày 12/9, trang Asia Times đăng bài viết “Philippines đối mặt với tình hình mới trong quan hệ Mỹ – Phi” của Jumel G. Estranero, Nghiên cứu viên về vấn đề quốc phòng của Chính phủ Philippines. Ông Estranero cho rằng, thực tế có những vấn đề mới trong bối cảnh an ninh đang thay đổi hiện nay gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc hiện thực hoá tuyên bố hồi tháng 4 tại Florida nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với bãi cạn Scaroborough ở Biển Đông, đó là: (i) sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn vượt trội hơn nhiều hơn so với Philippines, (ii) việc đưa ra phản đối chính thức đối với hành động chiếm đóng của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough sẽ không đem lại hiệu quả nào, (iii) các tàu tuần tra của hải quân Philippines được cử đến bãi cạn Scarborough chỉ để thực hiện nhiệm vụ báo cáo chứ không nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, (iv) nếu phía Trung Quốc có tấn công các tàu hải quân thì Manila cũng khó có thể viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Phi năm 1951 vì Mỹ sẽ không để xảy ra đối đầu quân sự với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tác giả bài viết cho rằng cách duy nhất để Philippines đối phó với Trung Quốc là phải tăng cường tất cả các quan hệ đồng minh của mình ngoài Mỹ như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các nước khác.
Ý kiến học giả quốc tế: Biển Đông có thể phải chịu nguy cơ ô nhiễm do bế tắc chính trị
Ngày 12/9, VOA News cho biết giới chuyên gia quốc tế đang lo ngại rằng Biển Đông có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường ngày càng trở nên tồi tệ bởi các nước trong khu vực đang chỉ tập trung vào việc củng cố các yêu sách chủ quyền trên biển thay vì hợp tác giải quyết các vấn đề môi trường. Mặc dù vậy, sự ô nhiễm môi trường vẫn khó có thể tránh được ở Biển Đông vì tuyến hàng hải này vốn là nơi có tới 1/3 lưu lượng thương mại biển đi qua và hành động tôn tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã để lại hậu quả không nhỏ đối với các rạn san hô. Tuy nhiên một số chuyên gia tỏ ra lạc quan rằng Trung Quốc và các nước ASEAN trong đó có 5 nước có yêu sách ở Biển Đông, có cơ hội đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào Bộ Quy tắc ứng xử sau khi các bên đã xây dựng được khung Bộ Quy tắc vào tháng 8 vừa qua. Có ý kiến cho rằng một Bộ Quy tắc ứng xử như vậy hoàn toàn có thể “đưa ra hướng dẫn” về quản lý nghề cá và ngăn chặn ô nhiễm từ các tàu và khai thác nhiên liêu hoá thạch ngoài khơi để giải quyết ô nhiễm môi trường ở Biển Đông nhưng có ý kiến khác lại lo ngại rằng khó có khả năng Trung Quốc và các nước ASEAN có thể biến ý tưởng “phát triển chung” thành hành động.
Quan chức Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines: quan hệ kinh tế giữa Philippines và Trung Quốc “đang tiến triển” bất chấp những căng thẳng trên biển
Ngày 13/9, tạp chí Manila Times đưa tin, trả lời câu hỏi phóng viên bên lề Hội nghị cấp cao về Kinh doanh và đầu tư Trung Quốc – ASEAN và Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 14, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghệ Philippines Nora Terrado cho hay Trung Quốc và Philippines đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các cuộc thảo luận song phương nhằm giải quyết những vấn đề chính trị-xã hội và kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines, khẳng định quan hệ giữa hai nước “đang tiến triển”.
Manila Times cho biết, trọng tâm quan hệ kinh tế giữa Philippines và Trung Quốc là một phần trong định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, đó là “theo đuổi hệ thống đối thoại “hai kênh” với Bắc Kinh, dù nước này vẫn cương quyết không ghi nhận thắng lợi pháp lý của Philippines trong vụ kiện Biển Đông cũng như phản đối việc đề cập đến thắng lợi này trong mọi cuộc đàm phán song phương với Philippines.