Việc Mỹ tuyên bố có đưa tầu sân bay đến thăm Việt Nam trong năm tới đã được nhiều chuyên gia quốc tế bình luận.
Tàu chiến Mỹ hiện diện trên Biển Đông
Giáo sư Amitav, chuyên gia qnan hệ quốc tế, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á Châu thuộc American University ở Oashington DC, cho rằng tình hình căng thẳng trên biển Đông khiến Việt Nam phải lo củng cố mối quan hệ quân sự song phương với Hoa Kỳ bằng mọi cách. Ông nói: “Tuy nhiên tôi không nghĩ tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam có nghĩa là Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh, đó chỉ là biểu tượng hay đơn giản chỉ là dấu hiệu cho thấy hai bên xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự. Có rất nhiều việc khác trong mối quan hệ quân sự đó. Ví dụ những cuộc tập trận trong tương lai, những loại vũ khí nào Mỹ sẽ bán cho Việt Nam, những cái đó quan trọng hơn là điều động một tàu sân bay tới một nước”.
Giáo sư Acharia khẳng định tiếp: không thể chối cãi là Mỹ đang nỗ lực thể hiện sự hiện diện của mình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng đừng quên là chiến lược tái cân bằng lực lượng mà tổng thống tiền nhiệm B. Obama đề ra cho vùng Châu Á – Thái Bình dương đã chấm dứt từ lúc tổng thống D. Trump bước vào tòa Nhà Trắng: “Trừ lập trường tự do lưu thông và tự do hàng hải, không ai biết thực sự chính sách quân sự của hành pháp Trum đối với vấn đề Biển Đông như thế nào. Theo tôi tốt nhất là nên chờ đợi và theo dõi, nhất là khi hành pháp Mỹ đang quá bận bịu với vấn đề Triều Tiên. Ngay cả phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào khi tàu sân bay Mỹ tiến vào hải phận Việt Nam cũng là điều tôi không muốn phán đoán trước. Tôi nghĩ chúng ta nên chờ đợi một thời gian xem mối quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ trong đó có yếu tố Trung Quốc sẽ chuyển biến thế nào.
Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ với hành pháp D. Trump sẽ hết lòng bảo vệ Việt Nam, một điều dường như vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump. Hãy còn quá sớm để bình luận đó là tất cả những gì tôi có thể nói về quan hệ quân sự Việt Mỹ lúc này”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore , nói: “Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn Việt Nam, can dự nhiều hơn, muốn Việt Nam trở thành đối tác để xử lý vấn đề Biển Đông, ứng phó với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Tiến sĩ Lê Hồng Điệp kết luận dù tàu chiến hay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ghé vào Việt Nam hay không thì Trung Quốc cũng sẽ không ngừng hành động bành trướng thế lực trên biển. Theo ông hành động từ bên ngoài không làm Bắc Kinh nao núng. Họ chỉ nhượng bộ khi gặp khó khăn trong nước hoặc khi đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa của mình.
Trong khi đó liên quan tới việc điều động tàu sân bay đến Việt Nam, tờ The Diplomat nhận định rằng Mỹ với Việt Nam vốn đã hợp tác quốc phòng rộng rãi và phát triển dần kể từ sau khi chính quyền Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ 1995. quyết định của Mỹ là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên và là dấu hiệu mà Mỹ muốn gởi tới các đồng minh và đối tác về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, điều mà các đồng minh châu Á của Mỹ mong muốn từ lâu song chưa được chính quyền D. Trump đáp từ.
Ngược lại từ phía Việt Nam, nước này cũng tính toán rất cẩn thận về các bước đi trong thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ, đảm bảo rằng nó không đi quá nhanh và mất cân bằng với những tính toán khác, như chính sách đối nội và cân bằng quan hệ với các nước lớn, đặc biệt với Trung Quốc. Động thái đón tàu sân bay Mỹ của Việt Nam cũng được đưa ra trên cơ sở sự đánh giá của Hà Nội về môi trường an ninh khu vực và những tác động mà Việt Nam sẽ có khi theo đuổi sự hợp tác với những cường quốc khác nhau. Cần nhớ rằng mối quan hệ quốc phòng Việt Mỹ vốn lâu nay không được Việt Nam tuyên truyền một cách rầm rộ như một phần trong chính sách ngoại giao “đi dây” mà Việt Nam theo đuổi trong xử lý mối quan hệ Mỹ – Việt – Trung.