Hiện nay Trung Quốc đã tiếp cận Malaysia và Bruney một cách riêng rẽ, đề nghị về những thỏa thuận tương tự. Nếu điều này được xác nhận thì Trung Quốc sẽ xuyên thủng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và những tuyên bố của các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc sẽ giành quyền khai thác toàn bộ khu vực biển Đông. Và với thắng lợi mang tính lịch sử này, Trung Quốc sẽ ghi đậm dấu ấn lịch sử trong biển Đông vào đầu thế kỷ 21.
Đây là một điều nguy hiểm, trong trường hợp Trung Quốc, họ tuyên bố vùng lãnh hải của họ như hình lưỡi bò và bao trùm lấy toàn bộ vùng biển Đông và tuyên bố khu vực này là hợp pháp đối với họ và luật pháp quốc tế không có nghĩa gì ở đây. Có thể nói rằng tổng thống Philippines Arroyo gọi đây là một đột phá ngoại giao mang tính lịch sử vì hòa bình và an ninh khu vực là một ảo tưởng.
Theo bản tin AFP ngày 29/2/2008 Philippines đang nâng cấp những cơ sở quân sự trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Đại tướng Pedrito Cadungog Tư lệnh Không quân Philippines nói rằng bãi đáp phi cơ ở đảo Kalayaan, là hòn đảo lớn nhất trong những hòn đảo hiện được quân đội Philippines chiếm đóng, sẽ được làm dài ra và sửa sang lại để bảo đảm cho máy bay vận tải loại C-130 có thể tiếp tục hạ cánh ở đó.
Ông cũng nói thêm là những khu gia binh dành cho binh lính cũng sẽ được tân trang, nâng cấp.
Theo Đại tướng Cadungog, hiện tại, quân đội Philippines vốn được trang bị nghèo nàn không thể bảo vệ được những gì mà Philippines cho là của mình. Tuy nhiên, những sự nâng cấp trên đảo Trường Sa này không nên xem như là một sự tăng cường dần lực lượng quân sự.
Trước đó, theo đài GMANews.TV ngày 30/1/2008, Đổng lý Văn phòng Tổng thống phủ Eduardo Ermita của Philippines ngày 23/1/ 2008 cho hay là ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao điều tra để xác minh tính xác thực của một báo cáo cho rằng chính phủ Đài Loan đã xây dựng một cơ sở gồm cả một phi đạo trên một đảo trong quần đảo Trường Sa (đảo Ba Bình) đang còn tranh chấp .
Ông Ermita nói rằng ông chưa nhận được tin tức gì hay báo cáo gì về chuyện cơ sở Đài Loan này nhưng ông sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao kiểm chứng điều này và xác định chuyện này sẽ ảnh hưởng đến những đòi hỏi chủ quyền trên những quần đảo hiện nay sẽ xảy ra như thế nào.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu DFA cho chúng tôi biết họ nghĩ gì về chuyện này và đề nghị chúng tôi sẽ đáp ứng như thế nào,” Ermita nói.
Ermita nói thêm rằng, theo ông biết, hiện đang có một thoả thuận giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc về việc khai thác và phát triển (dầu khí) ở vùng đảo Trường Sa. Thỏa thuận chung này cấm những hoạt động trong quần đảo này mà không thông báo cho các nước khác biết trước.
Ông Ermita nói rằng điều quan trọng là “có một sự thỏa thuận cấp quốc gia giữa ba nước.”
Được hỏi sự thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng Đài Loan như thế nào, vì Trung Quốc vốn cho Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình, và Đài Loan không là một quốc gia đứng ra ký sự thỏa thuận này, ông Ermita cho hay: “Chúng tôi có chính sách một Trung Quốc, cho nên chúng tôi chỉ biết làm việc với một chính phủ đó là chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên phương diện này.”
Được biết, Đài Loan đã bắt đầu xây dựng một phi đạo dài 1.150 mét vào khoảng giữa năm 2006 ở đảo Ba Bình, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Cả Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Đài Loan đều thông báo rằng việc xây dựng phi đạo này gần như hoàn tất. Máy bay quân sự của Đài Loan C-130 đã đáp xuống phi đạo này vào đầu tháng 1 năm 2008 để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm hòn đảo này của Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển ngày 22/1/2008.
Còn theo bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Manila ngày 24/3/2008, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đại tướng Hermogenes Esperon cho biết ông đã bị bà Arroyo khiển trách khi ông báo cáo là chuẩn bị đến thăm dãy đảo Kalayaan (Trường Sa). Theo lời tướng Hermogenes Esperon, bà Arroyo, Tổng thống Philippines nói rằng bà rất muốn đến thăm các đảo này trong tương lai gần đây.
Nhưng theo tờ The Philippine Star ngày 26/3/2008, trích lời Chưởng lý Eduardo Ermita nói bà Arroyo “không tới”quần đảo mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group (KIG) tuy tái khẳng định chủ quyền của Philippines với quần đảo này.
Theo ông Ermita cho biết, vào tháng 12 năm 2007, tổng thống Philippines đã cấp 50 triệu peso cho Ủy ban về Hàng hải và Hải dương học (CMOA) để nghiên cứu tổng hợp dữ liệu chuyển cho LHQ khẳng định chủ quyền của Philippines trước ngày 13/5/2009.
Từ giữa tháng 2/2008 đến nay, một làn sóng của phe đối lập đòi bà Arroyo từ chức bởi theo các lời cáo buộc, chồng bà Arroyo đã gây áp lực để Tập đoàn viễn thông ZTE Trung Quốc( China’s ZTE Corp.) trúng thầu dự án xây dựng mạng lưới internet cho các cơ quan trong chính phủ Philippines trị giá 329 triệu USD và phe đảng của Arroyo đã nhận hơn 100 triệu USD ( luật sư Jose Miguel Arroyo, đồng minh thân cận của tổng thống Arroyo cũng bị nghi dính líu tới scandal này). Phe đối lập còn cáo buộc, khi Trung Quốc lập huyện Tam Sa trên vùng đảo tranh chấp giữa các nước trong khu vực, tổng thống Arroyo và chính phủ Philippines gần như hoàn toàn im tiếng vì đã nhận món tiền hối lộ này.
Những động thái gần đây ở Philippines về vấn đề biển Đông là do sự lo ngại ngày càng tăng của các nhà lập pháp Philippines cho rằng chính phủ Philippines đã không bảo vệ được các lợi ích của nước này trước sự lấn chiếm của một vài nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo các nhà lập pháp Philippines, ba nước Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã ký một thỏa thuận cùng nhau nghiên cứu địa chấn trong thời gian 3 năm (sẽ kết thúc vào tháng 6 năm 2008) và tìm hiểu trữ lượng dầu lửa – khí đốt ở Biển Đông. Tuy nhiên, thỏa thuận này có vẻ như bao trùm cả các khu vực nằm trong lãnh hải Philippines. Báo chí Philippines quy kết rằng kết cục đó là do tác động từ các khoản tín dụng mà Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở Philippines, với giá thành cao bất thường và theo điều trần của các nhân chứng trước Thượng viện thì các quan chức đã nhận được các khoản tiền lại quả khổng lồ từ các dự án đó.
Chính phủ Philippines đã từ chối công bố thỏa thuận ba bên và bác bỏ mọi sai lầm. Thỏa thuận này được ký năm 2004 giữa hai tập đoàn dầu lửa quốc gia của Philippines và Trung Quốc là Philippines National Oil Corp và China National Offshore Oil Corp. Năm 2005, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tham gia thỏa thuận, trong khi đó các bên tranh chấp chủ quyền khác như Đài Loan, Malaysia và Brunei không tham gia.
Thỏa thuận cùng nghiên cứu địa chấn ra đời sau khi 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận năm 2002 về việc ngăn ngừa bùng nổ xung đột do tranh chấp chủ quyền Trường Sa. Thỏa thuận này nêu rõ “các bên có thể cùng nhau tiến hành các hoạt động chung cho tới khi tìm được một giải pháp giải quyết tranh chấp”.
Tuy nhiên, đầu tháng 3 năm 2008, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại tranh cãi chủ quyền có thể làm tổn hại các quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với Philippines.
Có thông tin cho rằng Philippines sẽ sớm thông qua luật đưa Trường Sa vào bản đồ quốc gia. Tờ Nhân Dân Nhật Báo và Bản tin tham khảo đặc biệt của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 17.3.2008 dẫn nguồn tin từ Manila cho biết một quan chức cấp cao Philippines vào ngày 15.3.2008 đã xác nhận rằng Hạ viện Philippines dự định thông qua một dự luật nhằm “kéo dài bản đồ nước này ra tới quần đảo Nam Sa ở biển Nam Trung Hoa”. Tổng thống Gloria Arroyo đã coi việc này là một ưu tiên và phía Philippines dự định thông qua dự luật này vào trước tháng 5 năm 2009, thời hạn mà Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc yêu cầu phải đưa ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải.
Dự luật mang số hiệu House Bill 3216 này sẽ sửa đổi “Pháp lệnh nước Cộng hòa số 3046 của Philippines, để mở rộng đường cơ sở quần đảo Philippin ra đến quần đảo Nam Sa”(Trường Sa). Dự luật này đã trải qua vòng xem xét thứ hai tại Hạ viện vào tháng 12 năm 2007, và dự định vượt qua vòng xem xét thứ ba và là vòng cuối cùng vào giữa tháng 3 năm 2008. Song, phía Trung Quốc đã có hành động ngăn cản việc này, bằng cách gửi một “Thư lập trường” tới Bộ Ngoại giao Philippines “nêu lại lập trường về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Đây có thể coi như một sự kháng nghị nhẹ nhàng”, nhưng ông ta nói thêm rằng Bắc Kinh chưa từng gây sức ép đối với Manila để đòi Hạ viện Philippines rút bỏ dự luật trên”.
Người đưa ra dự luật này là Hạ nghị sĩ Kunkeshao trước đó đã cho báo chí biết rằng do sức ép từ phía Trung Quốc nên dự luật này đã gặp phải trở ngại tại Quốc hội Philippines.
Theo giới chức Philippines, nước này cần phải thông qua dự luật trên, nếu không có thể bị mất vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí theo Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc.
(Còn tiếp)