Quân đội Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn mang tên “Vượt qua 2017” tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa thuộc vùng Nội Mông.
Khẩu đội HQ-16B của lực lượng phòng không Trung Quốc phóng đạn đánh chặn
Bên cạnh các khoa mục huấn luyện dành cho những đơn vị bộ binh hay thiết giáp, lực lượng phòng không Trung Quốc cũng lấy dịp này để kiểm tra năng lực tác chiến cũng như biểu dương sức mạnh của các tổ hợp tên lửa đất đối không nội địa.
Tiêu điểm của giới quan sát chính là hệ thống HQ-16B – phiên bản nâng cấp sâu từ Hồng Kỳ 16 vốn được Bắc Kinh chế tạo dựa trên nguyên mẫu Buk dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga.
So với nguyên bản, HQ-16B đã nâng cao đáng kể hiệu suất tác chiến nhờ được ứng dụng những thành tựu mới nhất của nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Tầm bắn của HQ-16B tăng vọt từ 40 km lên tới 70 km nhờ động cơ rocket cải tiến, bên cạnh đó các cánh điều hướng của nó cũng được sửa đổi hợp lý hơn. Khả năng bám bắt chính xác mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ và kháng nhiễu đều được cải thiện thông qua việc tích hợp thiết bị điện tử thế hệ mới.
Điểm ưu việt nữa trên HQ-16 so với Buk của Nga ngay từ phiên bản đầu tiên cho tới tận bây giờ chính là nó ứng dụng thuật phóng lạnh, trong đó tên lửa được đẩy ra ngoài bằng áp lực khí nén, lên tới độ cao an toàn thì động cơ chính mới kích hoạt, vừa giúp bảo vệ ống phóng lại vừa cho góc bao quát trọn vẹn 360 độ.
Phiên bản cao cấp nhất trong họ Buk của Nga là Buk-M3 mặc dù tương đương về tầm bắn nhưng nó vẫn dùng kiểu phóng nghiêng có góc hẹp hơn HQ-16 rất nhiều. Ngoài ra độ tin cậy cũng chưa có gì đảm bảo khi ngành công nghiệp điện tử Nga những năm gần đây bị Trung Quốc bỏ lại sau lưng một khoảng cách xa.
Ngoài HQ-16B, Trung Quốc còn bắn trình diễn cả tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-7 – biến thể sao chép hệ thống Crotale của Pháp. Ưu điểm của HQ-7 trước HQ-16 nằm ở tốc độ phản ứng nhanh của tên lửa đánh chặn, thích hợp tiêu diệt những mục tiêu bí mật vượt qua hàng rào trinh sát để tiếp cận trận địa.
Tổ hợp này có tầm bắn tối đa 10 km, trần bay 6 km, tốc độ 750 m/s, lắp đầu nổ cận đích được dẫn hướng thông qua radar và thiết bị theo dõi quang điện.
Mảnh ghép cuối cùng trong lưới phòng không đa tầng hỗn hợp được mang ra thử nghiệm tại “Vượt qua 2017” chính là tên lửa vác vai FN-6 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao thấp và cực thấp.
FN-6 có tầm bắn nằm trong khoảng 500 m – 6 km; độ cao diệt mục tiêu 15 m – 3,5 km, tốc độ 300 m/s; sử dụng đầu dò hồng ngoại và có sức đề kháng tốt trước các loại mồi bẫy nhiệt.
Sự kết hợp giữa những hệ thống tối tân trên khiến việc thực hiện đòn tập kích đường không vào các đơn vị bộ binh của Trung Quốc đòi hỏi phải được tính toán thật kỹ lưỡng.