Theo học giả Trung Quốc, Mỹ-Nhật-Ấn bắt tay là để kiềm chế sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tàu hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản tham gia tập trận Malabar. Ảnh: Hải quân Mỹ
Mới đây, học giả Trung Quốc Trương Ngật đăng tải bài xã luận đánh giá, song song với tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng thì mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh với các quốc gia trên thế giới đã bị phá hoại, tốc độ phát triển bị trì hoãn bởi một số nước không “vừa mắt” với sự trỗi dậy này.
Ông này cáo buộc Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ chính là “một số nước” trên bởi tại hội nghị ở New York, Ngoại trưởng ba nước này đã nhất trí quyết định phát triển hợp tác ba bên ở các cảng biển chiến lược quan trọng thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiềm chế “chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương” và sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Trước đó, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, Kyodo (Nhật Bản) đưa tin, Ngoại trưởng ba nước Mỹ-Nhật-Ấn tuyên bố, sẽ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải nhằm đối phó sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như tiếp tục tổ chức các cuộc diễn tập chung trên biển và ủng hộ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực duy trì an ninh hàng hải.
Báo Trung Quốc dẫn The Japan Times tiết lộ, ba nước đã thảo luận về một số cảng biển tiềm năng ở một số quốc gia quan trọng, trong đó có cảng Gwadar của Pakistan. Hiện Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng khi “hỗ trợ” đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng tại cảng Gwadar.
Trương Ngật nhận định, sự phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc, đặc biệt sau khi đề xuất sáng kiến Vành đai và con đường đã tác động nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ-Nhật-Ấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Học giả này cáo buộc, việc Trung Quốc trỗi dậy ở Thái Bình Dương tự nhiên sẽ bị coi là “hành vi thách thức địa vị của Mỹ bởi Washington từ lâu đã hiện diện ở hai đại dương này”.
Trong khi, Trung-Ấn sẽ có sự “động chạm” lợi ích ở Ấn Độ Dương vì New Delhi luôn coi Ấn Độ Dương là “vật của riêng mình” nên Ấn Độ sẽ bằng mọi cách ngăn chặn các kế hoạch của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.
“Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản đã mất đi vị trí dẫn đầu ở châu Á, [Nhật Bản] luôn cố gắng phá vỡ tốc độ phát triển của Trung Quốc ở mọi lĩnh vực”, Trương Ngật chỉ trích và cho rằng, Tokyo sẽ là “ngư ông đắc lợi” nếu lần này lôi kéo được Mỹ-Ấn cùng đối phó Trung Quốc.
“Nhằm tăng cường sức mạnh kiềm chế Trung Quốc, ngoài các biện pháp kinh tế, ba nước còn không ngừng hợp tác quân sự, tạo nên vòng tròn mang tính liên minh bao vây Trung Quốc”, ông này bình luận.
Trương Ngật dẫn một số ví dụ cho hay, trước đây, Ấn-Nhật tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận chống ngầm chung.
Theo đó, không chỉ có đơn vị được trang bị máy bay tuần tra săn ngầm P-3C giao lưu huấn luyện mà quân đội Ấn Độ còn lần đầu tiên tới thăm căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở biển Nhật Bản và trao đổi, mở rộng hợp tác giữa lực lượng quốc phòng hai nước.
Hay như cuộc tập trung ba nước mang tên Malabar diễn ra hồi tháng 7 mới đây. Ba tàu sân bay cùng 20 chiến hạm và 95 máy bay của Mỹ-Ấn-Nhật đã tiến hành cuộc tập trận lớn chưa từng có tại vịnh Bengal.
“Động thái này của ba nước Mỹ-Nhật-Ấn rõ ràng chứng tỏ họ coi Trung Quốc là “kẻ thù giả tưởng”, đây là phản ứng thiếu lý trí trước sức ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc”, Trương Ngật nói.