Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ mở đường với Nga chặn ngang con đường tơ lụa

Ấn Độ mở đường với Nga chặn ngang con đường tơ lụa

Tuyến hàng hải mới nối Ấn Độ với vùng Viễn Đông của Nga chặn ngang “con đường tơ lụa trên biển” đầy tham vọng của Trung Quốc.

Chặn ngang con đường tơ lụa

Giới phân tích Ấn Độ đang có đánh giá ngày càng lạc quan về hợp tác chiến lược giữa nước này với Nga, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng liên quan tới những vấn đề về biên giới và nguồn nước.

Trong khi đó, người Nga cũng úp mở bày tỏ quan ngại về sự “xâm lấn” của Trung Quốc đối với khu vực Viễn Đông.

Theo trang Economic Times, thiết lập tuyến hàng hải nối liền từ Ấn Độ tới khu vực Đông Bắc Á và phía Tây Thái Bình Dương, New Delhi đang đề xuất sáng kiến kết nối quan trọng – liên kết tuyến đường biển, vận chuyển trực tiếp từ cảng Chennai (Ấn Độ) tới cảng Vladivostok (Nga), nằm giữa dự án “Con đường tơ lụa hàng hải” (MSR) đầy tham vọng của Trung Quốc – nhằm kết nối châu Á với châu Phi.

Ấn Độ đang tiến hành các hành động cụ thể để mở rộng sự hiện diện ở khu vực Viễn Đông của Nga nhằm khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm Vladivostok của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj vào tuần trước, nơi bà Swaraj đã thúc đẩy sự liên kết hàng hải từ Chennai tới cảng chính của Nga ở Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho rằng sự liên kết này sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa Chennai tới Vladivostok giảm xuống còn 24 ngày (so với hơn 40 ngày hiện nay).

Tuyến hàng hải mới này có thể trở thành tuyến hành lang kết hợp với Ấn Độ – Nhật Bản, Thái Bình Dương tới Hành lang Ấn Độ Dương, nằm giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh, trong đó MSR là một phần quan trọng – kết nối hầu như toàn bộ khu vực Đông Nam Á qua đường bộ, đường biển và đường sắt.

Cũng trong chuyến thăm Vladivostok vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ đã có cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của Nga gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Công nghiệp Sergei Donskoi, Phó Thủ tướng và Chủ tịch cấp cao của khu vực Viễn Đông Yury Trutnev cũng như Thống đốc các tỉnh trong khu vực Viễn Đông.

Báo chí Ấn Độ cho rằng các cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Moscow mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn bên cạnh Trung Quốc.

An Do mo duong voi Nga chan ngang con duong to lua

Binh sĩ Nga tập trận tại khu vực Viễn Đông

Đây là lần đầu tiên, Ấn Độ cử quan chức cấp cao tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông của Nga với sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Vài tháng trước, Nga cũng đã tuyên bố miễn thị thực cho công dân Ấn Độ nhập cảnh vào khu vực Viễn Đông.

Nhân dịp này bà Swaraj cũng đã chứng kiến lễ ra mắt Cơ quan chuyên trách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư của Nga vào Ấn Độ, vốn được Thủ tướng Narendra Modi cam kết tại hội nghị thượng đỉnh thường niên diễn ra ở Saint Petersburg hồi tháng 6 vừa qua.

Đây là cơ quan chuyên trách thứ 3 ở Ấn Độ sau các cơ quan chuyên về Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cơ quan này sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho bất kỳ loại đầu tư nào của Nga, từ lập pháp tới thuế và các nhân viên để tìm kiếm đối tác phù hợp.

Đấu Trung Quốc hay hưởng lợi

Viễn Đông là khu vực có diện tích lớn nhất nhưng có dân số ít nhất trong 8 vùng liên bang của Nga, với dân số chỉ khoảng 6,3 triệu người.

Các chuyên gia nghiên cứu về Nga cho rằng Moscow nhạy cảm với sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông, đặc biệt là việc gia tăng người Trung Quốc đang định cư tại đây.

Economic Times dẫn ý kiến giới chuyên gia nhận định rằng “mô hình này có thể thay đổi nhân khẩu học khu vực Viễn Đông của Nga và sự hiện diện ngày càng tăng của các nước khác, trong đó Ấn Độ sẽ giúp tạo ra sự cân bằng”.

An Do mo duong voi Nga chan ngang con duong to lua

Một người đàn ông Trung Quốc bán hàng tại Vladivostok

Trên thực tế, Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ trong hợp tác với Nga ở khu vực Viễn Đông. Ngoài chiến lược “di dân”, Trung Quốc cũng thông qua hoạt động chính thức để đầu tư vào khu vực giàu tài nguyên nhưng thưa người của Nga.

Ngay từ Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ nhất năm 2015, giữa lúc Nga bị phương Tây cô lập, Trung Quốc đã cử quan chức cấp cao tham dự và thể hiện sự sốt sắng trong hợp tác.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khi tham dự hội nghị này đã tuyên bố Trung Quốc dự định trở thành đối tác lâu dài của Nga trong các dự án phát triển vùng Viễn Đông.

Ấn Độ cũng “để mắt” đến khu vực Viễn Đông của Nga từ lâu khi là nước đầu tiên thành lập lãnh sự quán tại Vladivostok vào năm 1992. Sự tham gia hiện tại của Ấn Độ với khu vực này chỉ giới hạn ở các khu biệt lập như: khu phức hợp Irkutsk nơi sản xuất máy bay Mig và Sukhoi và cũng là nơi ONGC Visesh Limited đầu tư trong dự án Sakhalin 1 với số tiền lên đến hơn 6 tỷ USD.

Viễn Đông là khu vực có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác như thiếc, vàng, kim cương, dầu mỏ và khí tự nhiên.

Chính phủ Nga đã công bố một số sáng kiến để thu hút đầu tư trong khu vực, bao gồm một đặc khu kinh tế nông nghiệp, dự án cảng Vladivostok mở.

An Do mo duong voi Nga chan ngang con duong to lua
Binh sĩ Ấn Độ và binh sĩ Nga trong cuộc tập trận chung mang tên Indra 2016 tại khu vực Viễn Đông của Nga

Bên cạnh đó Nga cũng khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp gỗ, khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ như than đá, kim cương, bạch kim, thiếc và volfram.

Đối với Ấn Độ, cơ hội hợp tác cho các công ty bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mỏ, phát triển hải cảng và cơ sở hạ tầng, chế biến kim cương và nông sản.

Việc mở tuyến đường biển thay thế giữa Chennai tới Vladivostok mang ý nghĩa kinh tế và chiến lược. Sự kết nối này tạo cơ hội cho các đối tác lâu năm cùng hợp tác trong một liên doanh tiềm năng và mở ra những cơ hội thương mại mới.

Bên cạnh đó, nó cũng đảm bảo cho việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ.

Tờ báo Ấn Độ khẳng định, về chiến lược, sự hợp tác với Nga ở Viễn Đông bổ sung thêm một hướng nữa cho nỗ lực của New Delhi nhằm đối phó với các tham vọng thống trị toàn cầu của Bắc Kinh.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới