Trung Quốc hồi cuối tuần thông báo, nước này sẽ giới hạn nguồn cung cấp năng lượng cho Triều Tiên đồng thời sẽ ngừng nhập khẩu hàng dệt may của nước láng giềng. Đây là hành động thực thi theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào chính quyền Triều Tiên vì những vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân liên tục trong thời gian qua.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí đồng lòng thông qua một nghị quyết do Mỹ phác thảo, trong đó tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới khắc nghiệt hơn rất nhiều nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, theo nghị quyết đã được Trung Quốc và các nước bỏ phiếu tán thành, Bắc Kinh sẽ giới hạn hoạt động xuất khẩu xăng dầu sang cho Triều Tiên, cụ thể là ở mức 2 triệu thùng/năm, bắt đầu từ ngày 1/1/ 2018.
Trung Quốc cũng thẳng thừng tước bỏ một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ cuối cùng quan trọng của chính quyền Bình Nhưỡng bằng quyết định cấm nhập khẩu hàng dệt may từ nước láng giềng cũng là đồng minh Triều Tiên.
Trung Quốc chiếm khoảng 90% thương mại của Triều Tiên. Vì thế, sự hợp tác của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng có tính sống còn đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm cách ngăn chặn con đường phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên nhưng Bắc Kinh lâu nay vẫn miễn cưỡng không muốn gây áp lực nhiều đối với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un vì sợ rằng điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ của hai nước cũng như gây ảnh hưởng xấu đến những người dân thường ở Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng không hài lòng với thực tế rằng nước họ phải chịu hầu hết những tổn thất gây ra từ các gói biện pháp trừng phạt mà Mỹ vạch ra nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên khiến nhiều doanh nghiệp ở phía đông bắc Trung Quốc bị thiệt hại.
Tuy nhiên, việc Chủ tịch Kim Jong Un tiếp tục thách thức, vượt qua lằn ranh đỏ bằng việc thúc đẩy và phô trương sức mạnh quân sự của họ, Trung Quốc đã nhất trí gây áp lực mạnh mẽ hơn lên Triều Tiên và đã đồng ý ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới nhất nhằm vào Bình Nhưỡng. Đây là gói biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến giờ.
Ông Chen Fengying – nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho hay, sau khi ra lệnh cho các ngân hàng phong tỏa những giao dịch tài khoản do người Triều Tiên nắm giữ và ngừng nhập khẩu than, quặng sát và hải sản từ Triều Tiên, Trung Quốc hiện tại đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt láng giềng.
“Những biện pháp trừng phạt đó từ Trung Quốc – một trong số ít những đối tác thương mại còn lại của Triều Tiên – có thể sẽ gây ra ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều đối với Triều Tiên so với những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây”, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam dẫn lời ông Chen nhận định.
Trong một động thái thể hiện sự thách thức không ngừng, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên đã đe dọa rằng, càng nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào họ thì đất nước họ sẽ càng đẩy nhanh tiến trình hoàn tất các kế hoạch xây dựng lực lượng hạt nhân.
Trung Quốc lâu nay vẫn luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn thường tìm cách né tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tung ra hàng loạt đòn cứng rắn với nước láng giềng cũng là đồng minh thân thiết.