Bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ngày càng có khả năng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương tình hạt nhân của mình. Chừng nào mà hai bên Triều Tiên vẫn không thể thống nhất trong điều kiện này, sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un được cho là điều kiện tiên quyết để thống nhất
Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương tình hạt nhân của mình
VI. Về nguy cơ sụp đổ chế độ ở Triều Tiên
Viện Nghiên cứu châu Á (Mỹ) tháng 4/2017 có bài viết nghiên cứu các kịch bản sụp đổ có thể xảy của Triều Tiên, xem xét những phản ứng của các bên liên quan và đưa ra đề xuất chính sách cho Mỹ cũng như Hàn Quốc.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ngày càng có khả năng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương tình hạt nhân của mình. Chừng nào mà hai bên Triều Tiên vẫn không thể thống nhất trong điều kiện này, sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un được cho là điều kiện tiên quyết để thống nhất. Khi phân tích những kịch bản sụp đổ có thể xảy ra, cần xem xét sự củng cố quyền lực không trọn vẹn của Kim Jong-un, tâm lý thị trường của Triều Tiên và quan hệ đang xấu đi của nước này với Trung Quốc. Có ít nhất “5 sứ mệnh quân sự chính” cần phải được tiến hành trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ: (1) tiến hành các chiến dịch bình ổn, (2) kiểm soát biên giới, (3) tiêu hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt, (4) giải pháp vũ khí thông thường và (5) đánh bại các lực lượng kháng cự.
Trong khi có một số kịch bản có thể dẫn tới sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, thống nhất mà không có sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un rất khó có khả năng xảy ra. Hàn Quốc và Triều Tiên có những tầm nhìn trái ngược nhau về điều hành một nước Triều Tiên thống nhất. Một đất nước thống nhất cho phép người dân tự do đi lại và tự do thông tin trên bán đảo có thể làm tổn thương tính hợp pháp và sự tồn tại của ban lãnh đạo Triều Tiên, vốn cai trị công dân của họ đầy hà khắc suốt nhiều thập kỷ. Hơn nữa, cá bên tham gia khu vực, kể cả Trung Quốc và Mỹ, có những lợi ích cạnh trnah nhau trên bán đảo Triều Tiên, làm phức tạp thêm bất kì cuộc chuyển giao suôn sẻ nào.
1. Các kịch bản sụp đổ
1.1. Sự củng cố quyển lực khong trọn vẹn khiến quân đội lên nắm quyền
Nhiều người dự đoán rằng Kim Jong-un sẽ phải vất vả củng cố quyền lực vì thời gian chuẩn bị kế vị tương đối ngắn của ông, nhưng năm 2017 đánh dấu năm thứ 6 ông cầm quyền trên cương vị nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Nêu bật nỗ lực của chế độ cải cách kinh tế năm 2014, chuyên gia Yang Moo-jin lập luận rằng đây là một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã củng cố thành công quyền lực. Chuyên gia Okonogi Masao cũng cho rằng chế độ Kim Jong-un đã ổn định thành công. Theo ông, chính Kim Jong-un là người đã tính toán và theo đuổi cải cách kinh tế cũng như cải thiện quan hệ đối ngoại, dù người ta hiểu rằng vụ thử hạt nhân thứ 5 và các vụ phóng tên lửa được tiến hành theo kế hoạch của cha ông.
Tuy nhiên, bằng cách nghiên cứu tần suất các vụ thanh trừng và đặc biệt là tầm quan trọng chính trị của mỗi nạn nhân trong xã hội Triều Tiên, có thể hiểu rằng các cuộc thanh trừng mà chế độ Kim Jong-un tiến hành gần đây là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn chính trị. Kể từ khi kế vị, Kim Jong-un đã thanh trừng hơn 100 quan chức cấp cao và cấp trung, trong khi cha của ông Kim Jong-il chỉ xử tử khoảng 10 quan chức trong vài năm đầu cầm quyền. Theo Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), từ cuối năm 2011, khoảng 20-30% quan chức hàng đầu và 40% quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên đã bị thay thế.
Một nhà lãnh đạo thực sự an tâm sẽ không cần phải thanh trừng nhiều quan chức hàng đầu đến như vậy. Theo NIS, như là kết quả của triều đại Kim Jong-un, sự trung thành đối với gia tộc họ Kim đã giảm sút, các quan chức Triều Tiên ở nước ngoài đang tìm cách xin tị nạn. Mặc dù việc hành quyết chính người chú của mình cho thấy quyền lực đã được củng cố tại Đại hội đảng lần thứ 7 vào tháng 5/2016, nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã không ngừng tiếp tục hành động để loại trừ những mối đe dọa đã nhận rõ. Một số nhà quan sát có thể lập luận rằng việc trong 6 năm qua không có một cuộc đảo chính hay nổi loạn nào cho thấy Kim Jong-un đã đảm bảo “ngai vàng” thành công, nhưng những vụ thanh trừng và giết hại liên tiếp các thành viên có tầm quan trọng về chính trị trong gia đình của chính ông lại cho thấy kết luận ngược lại.
Các cuộc thanh trừng cuối cùng có thể dẫn đến việc gây nguy hiểm cho người nắm quyền của Kim Jong-un. Nhiều người trong ban lãnh đạo Triều Tiên lo sợ rằng họ có thể sẽ là những người bị xử tử hay “thay thế” tiếp theo, vì thế họ có thể quyết định có những động thái nguy hiểm và gây bất ổn chống lại chế độ hoặc thậm chí chống lại chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un để ngăn chặn những hậu quả như vậy. Do tất cả những nhân tố trên, câu hỏi liên quan đến sự sụp đổ của Triều Tiên không phải là có hay không, mà là khi nào. Do đó, quân đội liên tiếp quản quyền lực sau khi Kim Jong-un bị ám sát hoặc qua một cuộc đảo chính vẫn là một kịch bản sụp đổ của chế độ.
Đã có tin đồn về những mưu đồ ám sát kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền. Trong bối cảnh Kim Jong-un đã thay thế 5 bộ trưởng của Lực lượng vũ trang nhân dân, giới tinh hoa quân đội có thể đang ngày càng sợ hãi, điều đó có thể khiến họ cân nhắc đảo chính hoặc ám sát. Dù xác suất quân đội tiếp quản quyền lực vẫn thấp, song khả năng này vẫn tồn tại chừng nào vẫn có các nhà lãnh đạo quân đội lo sợ triều đại của Kim Jong-un.
Một lý do tiềm tàng khác để quân đội đảm nhận quyền lực là xảy ra sự cố về sức khỏe. Sức khỏe của Kim Jong-un gây nhiều suy đoán không chỉ vì tiền sử gia đình mắc bệnh tim mà còn bởi ông thường xuyên vắng mặt ở các sự kiện trước công chúng. Vì các con ông hiện quá nhỏ để giữ các vị trí lãnh đạo, một ca cấp cứu bất ngờ mà không có người kế vị rõ ràng cho chức chỉ huy tối cao có thể tạo ra một khoảng trống, trong đó quân đội có nhiều lợi thế nhất để dùng vũ lực giành lấy chính quyền.
1.2 Một cuộc xung đột nhỏ leo thang thành chiến tranh
Kịch bản thứ hai là chế độ và chính quyền Kim Jong-un bị tấn công trong hoặc sau một cuộc xung đột hay chiến tranh. Kịch bản này khá nhiều khả năng xảy ra nếu Triều Tiên khiêu khích quân sự có giới hạn vượt ra ngoài tầm kiểm soát sau một phản ứng mạnh mẽ từ Hàn Quốc hay Mỹ.
Bán đảo Triều Tiên đã phải đương đầu với khả năng kịch bản này xảy ra vào tháng 8/2015, khi mìn Triều Tiên gây thương tích cho 2 binh sĩ Hàn Quốc (một sự khiêu khích quy mô nhỏ). Sau khi Hàn Quốc phản ứng bằng việc nối lại chiến tranh thông tin chống Triều Tiên (một phản ứng có giới hạn), Triều Tiên đã nã pháo, còn Hàn Quốc thì bắn trả (khiêu khích leo thang). Cuối cùng, 3 ngày đàm phán marathon ở khu phi quân sự đã tạm ngừng tình trạng này. Tuy nhiên, người dân lo sợ rằng khủng hoảng sẽ leo thang thành chiến tranh. Hơn nữa, một kế hoạch tác chiến mới được thiết lập (OPLAN, năm 2015) nhiều lần chỉ ra rằng liên minh Mỹ – Hàn nên tấn công phủ đầu nếu họ chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ hành động quân sự.
1.3. Sụp đổ xã hội từ bên trong
Khi khối Xô Viết tan rã vào năm 1989, Triều Tiên đã mất “nguồn thương mại ưu đãi” và hệ thống phân phối công của nhà nước bắt đầu đi xuống. Theo chuyên gia Stephan Haggard và Marcus Noland, nạn đói từ năm 1994 đến năm 1998 đã làm thiệt mạng ước tính đến 600.000 đến 1 triệu người, chiếm 3% đến 5% tổng dân số. Trong thời kỳ này, cách thức phổ biến để tồn tại là vi phạm pháp luật và lập chợ đen. Chợ đen cung cấp hơn 50% thực phẩm tiêu dùng và chế độ không có lựa chọn nào khác ngoài miễn cưỡng dung túng cho sự tồn tại của chúng như là một “biện pháp tạm thời”. Tuy nhiên, các thị trường này đã tồn tại suốt từ sau nạn đói và bằng việc cho phép người dân dựa vào nguồn thực phẩm thay thế, chúng đã làm xói mòn tính hợp pháp của đảng. Để giải quyết vấn đề này, chế độ đã nỗ lực tái lập hệ thống phân phối công vào năm 2005 và tiến hành định giá lại đồng tiền vào năm 2009. Mặc dù được cho là không có cuộc nổi loạn nào sau hai biện pháp phản thị trường rộng khắp này, vẫn có bằng chứng cho thấy có sự kháng cự.
Một lĩnh vực khác có thể dẫn tới sự sụp đổ xã hội từ bên trong là do Trung Quốc giảm sự ủng hộ dành cho Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm trên 90% kim ngạch thương mại của nước này năm 2015. Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên là rất đáng nói trong bối cảnh hiện nay. Bất chấp nhiều biện pháp trừng phạt đa quốc gia như Nghị quyết HĐBA LHQ số 1718 năm 2006, số 1874 năm 2009 và số 2270 năm 2016, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu than đá của Triều Tiên cho tới tháng 2/2017. Theo Cục xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc, than đá là hàng xuất khẩu hàng đầu của Triều Tiên, chiếm 49,6% tổng hàng xuất khẩu của nước này trong năm 2015. Hơn 97% than đá xuất khẩu đó được đưa sang Trung Quốc, vì thế việc ngừng nhập khẩu là một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Mặc dù khó có thể dò đoán được ý định của Trung Quốc đằng sau chính sách tháng 2/2017 và nó có thể kéo dài bao lâu, có khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện tất cả các biện pháp trừng phạt đa quốc gia. Hành động như vậy có thể cắt đứt hoàn toàn đường sống cuối cùng của Triều Tiên. Trong hoàn cảnh đó, sẽ chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi trật tự xã hội ở Triều Tiên ran rã. Rất nhiều dân thường sẽ nỗ lực theo đuổi tự do và tìm kiếm thực phẩm bằng cách vượt biên, binh sĩ và thậm chí cả sĩ quan quân đội có thể cũng tham gia dòng người di cư.
(còn tiếp)