Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 25/09

Bản tin Biển Đông ngày 25/09

Bản tin Biển Đông ngày 25/09/2017.

Ý kiến học giả Philippines: hợp tác chung ở Biển Đông không đồng nghĩa với việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại

Trang The Philippine Star đưa tin, ngày 22/9, tại một diễn đàn được tổ chức tại Đại học Philippines, Manila, một số chuyên gia phân tích cho rằng việc triển khai thỏa thuận hợp tác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không giúp bảo đảm thúc đẩy quan hệ đối ngoại hai nước, đồng thời còn bày tỏ lo ngại rằng việc không thể hiện rõ “những kỳ vọng” theo thỏa thuận có thể sẽ gây thêm bất đồng.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng việc triển khai thỏa thuận cũng sẽ không dễ dàng do hai bên cần duy trì quan hệ nồng ấm trước khi tiến hành thỏa thuận khai thác năng lượng chung. Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Philippines cho rằng “mức độ khả thi của hoạt động hợp tác chung có liên hệ trực tiếp đến tình hình quan hệ giữa các bên” và khẳng định nếu hai bên thực sự nghiêm túc về việc triển khai hợp tác chung thì điều “quan trọng” là nội dung thỏa thuận cần làm rõ “kỳ vọng” của mỗi bên là gì để tránh tạo ra thêm bế tắc nào khác.

Cũng tại diễn đàn, ông Lucio Pitlo III, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Ateneo de Manila nhận định rằng một thỏa thuận năng lượng thương mại sẽ “dễ dàng” và “linh hoạt” hơn so với một thỏa thuận hợp tác chung cấp chính phủ. Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà đầu tư trong khu vực sẽ gặp khó khăn khi phải hợp tác với các công ty năng lượng lớn hơn ở Trung Quốc do “một số rủi ro chính trị” và thiếu kinh nghiệm chuyên sâu. Trong khi đó, Giáo sư Aileen Baviera cho rằng điều quan trọng là chính phủ Philippines cần đánh giá được lợi ích của phía Trung Quốc để tạo “không gian đàm phán” cho thỏa thuận hợp tác chung. Giáo sư Herman Kraft thì cho rằng việc “tái xây dựng” quan hệ căng thẳng trước đây của hai bên “đòi hỏi phải có thời gian” cũng như đồng thuận giữa các bên tranh chấp trong khu vực cũng là điều khó có thể đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng vì “lợi ích quốc gia là yếu tố có ý nghĩa “định hướng” đối với các hoạt động hợp tác”.

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố nước này mới phát hiện thêm hai vị trí có băng cháy “nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” trên Biển Đông

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 22/9, Viện Nghiên cứu Khoa học về đại dương học Trung Quốc tuyên bố nước này đã phát hiện thêm hai vị trí có khí gas hydrates, hay còn gọi là băng cháy, nằm trên đáy biển ở Biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu này cho biết đã có được kết quả này sau “chuyến hải trình của tàu nghiên cứu Kexue  kéo dài đến một tháng tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Theo Tân Hoa xã cho biết, hai vị trí này nằm ở độ sâu 1.100 mét.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại ở đây là, Viện Nghiên cứu nói trên đã khẳng định một cách chắc chắn rằng “đây là lần đầu tiên một khối băng cháy được phát hiện ở các vùng biển “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” mà không hề đưa ra bất cứ thông tin hay chi tiết nào khác về địa điểm đang được nhắc tới. Trước đó, hồi tháng 5, phía Trung Quốc cũng mới chỉ “công bố thành công đầu tiên của nước này trong việc thu thập các mẫu băng cháy ở Biển Đông”.

Học giả Trung Quốc lớn tiếng cảnh cáo Úc không được can dự vào vấn đề Biển Đông

Ngày 24/9, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Tàu Úc phải cân nhắc việc can dự vào các vấn đề ở Biển Đông” của ông Zhao Xiaozhuo, Nghiên cứu viên Viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Sau rất nhiều bài báo gần đây của Trung Quốc lên án việc Úc đưa 6 tàu hải quân tới Biển Đông để tiến hành cuộc diễn tập “Endeavour Ấn Độ – Thái Bình Dương 2017”, bài viết của ông Xiaozhuo tiếp tục có những chỉ trích gay gắt rằng Úc có ý định “phô trương sức mạnh” và “thúc đẩy lớn hơn vào an ninh khu vực” để “chứng tỏ một vai trò lớn hơn trong khu vực”. Tác giả tỏ ý “thông cảm” với “nỗ lực” này của Úc nhưng mặt khác lại tỏ ý hoài nghi rằng “liệu Úc có thể có vai trò xây dựng hay không”. Đồng thời, ông này cũng “thẳng thắn góp ý” rằng chính quyền Úc cần xây dựng uy tín và tránh “sa vào vũng lầy” ở các vùng biển tranh chấp như Biển Đông và Biển Hoa Đông, Úc cần tiếp tục duy trì lập trường trung lập thay vì “cấu kết với một số nước khác” vì sau cùng “Úc vẫn chỉ là quốc gia ngoài khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Vai trò của Úc trong việc đáp trả các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 22/9, trang Soldier of Fortune cho hay, theo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu, Úc đang cùng các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, thể hiện qua việc nước này đưa 6 tàu chiến tới Biển Đông trong tuần qua để tiến hành diễn tập quân sự. Các chuyên gia cho hay, các nhà lãnh đạo của Úc mong muốn người dân cũng như các nước láng giềng tại Châu Á của mình thấy được vai trò của Canberra trong việc “bảo vệ thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”. Ngoài ra, theo Collin Koh, một nghiên cứu viên an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, Úc đang cùng với các nước Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ có những động thái tập trung nhiều hơn vào an ninh biển ở Châu Á. Ông dự đoán Úc có thể tiến hành các chuyến thăm cảng tại các nước Đông Nam Á và tiến hành diễn tập hải quân để “nhắc nhở Trung Quốc rằng Úc coi Biển Đông là một vùng biển mở”. Một số học giả khác khẳng định rằng những lo ngại của Úc đối với các hành động đơn phương của Trung Quốc – như tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và lắp đặt các cơ sở quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) đối với gần như toàn bộ khu vực – là hoàn toàn có cơ sở vì hoạt động giao thương của Úc phụ thuộc vào một Biển Đông “mở”. Ông Fabrizio Bozzato, nghiên cứu viên thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan khẳng định “Úc có lợi ích chiến lược và ưu tiên của riêng mình, nhất là thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở những khu vực trọng yếu như Biển Đông”. Các chuyên gia cũng nhận định, trong khi Trung Quốc sẽ đặc biệt để mắt đến quyết tâm của Úc và hoạt động diễn tập ở Biển Đông trong tháng này, các nước Đông Nam Á trái lại sẽ hoan nghênh động thái này của Úc vì nước này “đang thể hiện vai trò tích cực đối với các việc thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới