Bản tin Biển Đông ngày 27/09/2017.
Tướng Mỹ cảnh báo: Trung Quốc sẽ là “mối đe dọa” lớn nhất đối với Mỹ cho đến năm 2025
Ngày 27/9, CNN đưa tin, phát biểu tại Ủy ban Quân Vụ Thượng viện Mỹ ngày 2/9, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khẳng định “Trung Quốc sẽ là nguy cơ đe dọa lớn nhất đối với Mỹ cho đến năm 2025” vì “Trung Quốc đang tìm cách tập trung vào việc hạn chế khả năng của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh quân sự và làm suy yếu quan hệ đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương”, “lãnh đạo Trung Quốc dường như quyết tâm đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng cho tương lai gần”, “quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc chủ yếu chú trọng tới việc phát triển năng lực nhằm làm suy giảm lợi thế về công nghệ quân sự cốt lõi của Mỹ”. Trong chuyến thăm hồi tháng 8 tới Bắc Kinh, Trung Quốc, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa tàu khu trục USS John S. McCain tới gần một trong các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Dunford cũng đã từng nói rằng Mỹ và Trung Quốc “có nhiều vấn đề khó khăn mà hai bên sẽ không thể chia sẻ quan điểm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ thảo luận về việc cung cấp công nghệ phòng thủ tiên tiến cho Ấn Độ và thúc đẩy hợp tác an ninh biển
Trang The Times of India cho hay, ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman và người đồng cấp của Mỹ James Mattis đã có cuộc trao đổi toàn diện về việc đẩy mạnh quan hệ quân sự song phương, trong đó có việc cung cấp các công nghệ phòng thủ tiên tiến cho Ấn Độ. Đề cập đến cách hành xử ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông giàu trữ lượng dầu khí, ông Mattis đặc biệt nhấn mạnh tới việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên biển giữa hai nước. Cụ thể, ông nói “Mỹ đánh giá cao vai trò dẫn đầu đang ngày càng ổn định của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và mong muốn cùng hợp tác để xây dựng cấu trúc khu vực bền vững”. Về phần mình, bà Sitharaman cho hay bà cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Matttis nhiều vấn đề liên quan đến an ninh biển ở Ấn Độ Dương nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung cũng như những vấn đề liên kết khu vực khác. Bà cho biết “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Ấn Độ tin tưởng rằng các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi”.