Giới chức Mỹ được cho là đang chuẩn bị thông báo quyết định giới hạn các chuyến bay quân sự của Nga trên bầu trời Mỹ. Quyết định này được đưa ra sau vụ việc Nga có hành động nguy hiểm ngay trên bầu trời ở khu vực có những trụ sở trọng yếu nhất của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, giới chức ở Washington lại khẳng định, hành động nguy hiểm của Nga không phải là lý do khiến họ tung đòn trả đũa.
Cả Nga và Mỹ đều tham gia vào Hiệp ước Bầu trời Mở. Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra theo một sáng kiến của Tổng thổng Mỹ khi đó là George H.W.Bush. Hiệp ước là bản quy ước được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Đến nay, đã có 34 nước thành viên tham gia hiệp ước này.
Mục đích của Hiệp ước là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy.
Hiệp ước trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải).
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến Hiệp ước Bầu trời Mở bắt đầu bùng lên vào tháng 8 vừa rồi khi một máy bay của Không quân Nga đã thực hiện chuyến bay giám sát tầm thấp ngay trên bầu trời ở khu vực có những trụ sở trọng yếu nhất của chính quyền Mỹ gồm Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cụ thể, vào ngày 9/8, từ 11h trưa đến 3h chiều theo giờ địa phương, máy bay Tu-154M của Không quân Nga đã thực hiện chuyến bay giám sát được giới chức Mỹ phê chuẩn. Chiếc máy bay không mang theo vũ khí của Nga đã bay lượn ở khu vực Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và trụ sở của CIA. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết tuyến đường bay chính xác của chiếc máy bay của Nga chỉ được xác nhận sau khi nhiệm vụ đã được hoàn tất.
Tuy nhiên, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã khẳng định với tờ Thời báo Phố Wall rằng, những chuyến bay nguy hiểm trên của Nga không phải là lý do khiến Mỹ quyết định giới hạn các chuyến bay quân sự của Nga trên bầu trời Mỹ. Thay vào đó, giới chức ở Washington cho biết, họ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Nga là vì Moscow áp đặt các giới hạn đối với những chuyến bay giám sát trên bầu trời khu vực Kaliningrad của Nga. Washington cáo buộc hành động của điện Kremlin là vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở.
Phái đoàn Mỹ được cho là sẽ thông báo về quyết định trả đũa Nga trong cuộc họp về Hiệp ước Bầu trời Mở ở Vienna sắp tới.
Được biết, trong khi Hiệp ước Bầu trời Mở cho phép tầm bay của mỗi một chuyến bay giám sát là trong phạm vi 3.418 dặm (5.500km) thì điện Kremlin chỉ cho phép thực hiện chuyến bay trong tầm 310 dặm (500km) trên bầu trời Kaliningrad.
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết, họ yêu cầu thực hiện chuyến bay trong phạm vi 745 dặm (1.200km) để bao phủ toàn bộ khu vực Kaliningrad. “Chúng tôi muốn kêu gọi Nga quay trở lại thực thi nghiêm chỉnh Hiệp ước Bầu trời Mở”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
“Hiệp ước Bầu trời Mở là một phần của tiến trình suy thoái dần các mối quan hệ. Nga muốn đàm phán lại mối quan hệ an ninh Châu Âu. Chúng ta đang chứng kiến các thỏa thuận an ninh Châu Âu suy thoái”, giới chức Mỹ cho biết thêm.
Nga và Mỹ vốn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước đang đối đầu nhau gay gắt vì một loạt vấn đề như khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vấn đề tấn công mạng, lá chắn tên lửa, cuộc chiến trừng phạt… Căng thẳng xung quanh Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ khiến cho quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục xấu đi.